Số liệu tổng hợp bởi Axiom Capital Management từ Sensor Tower, SurveyMonkey và Apptopia cho thấy, Pokemon Go đã có chiều hướng giảm sức hút sau thời gian tạo nên cơn sốt ở những quốc gia mà nó được phát hành chính thức.
Cụ thể, các quốc gia có mặt Pokemon Go sớm như Mỹ, Australia, Pháp, Đức... đều có dấu hiệu hạ nhiệt khi lượt tải trên App Store và Google Play, số lượng người chơi mới, thời gian chơi đều giảm. Trong khi đó, Đài Loan, Thái Lan, Singapore... độ hấp dẫn của tựa game này vẫn rất lớn do ra mắt muộn hơn.
So với con số gần 45 triệu ở thời điểm cao nhất vào giữa tháng 7, lượng người dùng Pokemon Go hoạt động hiện còn khoảng 30 triệu vào cuối tuần trước trên toàn cầu.
Trong khi đó, tỷ lệ người dùng tiếp cận trò chơi đã giảm dần đều, dù có thời điểm tăng đột biến trong khoảng thời gian từ 4 đến 6/8. Lượng người dùng tải về Pokemon Go trên toàn thế giới cũng đã giảm nhẹ từ sau 10/8.
Victor Anthony, chuyên viên cao cấp của Axiom Capital Management, đã nói đùa rằng, với việc Pokemon Go giảm sức hút, nhà đầu tư và lãnh đạo các công ty bị tựa game này đe dọa vị thế như Facebook, Instagram, Twitter, Snapchat… có thể thở phào nhẹ nhõm.
Bởi trước đó, sự gia tăng chóng mặt của Pokemon Go đã làm nhiều hãng lo ngại, rằng việc chơi trò chơi này sẽ khiến người dùng không còn dành nhiều thời gian cho các ứng dụng của họ.
Anthony nhấn mạnh, việc suy giảm cả về người dùng mới, lượt tải, sự tương tác, thời gian sử dụng mỗi ngày không nằm ngoài dự đoán.
Tuy nhiên, nó sẽ khiến sự quan tâm đến các nội dung về thực tế tăng cường giảm đi trong tương lai. Trên thực tế, nội dung thực tế tăng cường (AR) nhận được ít sự quan tâm hơn so với thực tế ảo (VR) nhiều lần, và nó chỉ tăng mạnh trong thời gian xuất hiện Pokemon Go.