Phút sinh tử trên chuyến tàu tốc hành tới Paris

Nếu như khẩu tiểu liên trong tay đối tượng người Ma-rốc không bị kẹt đạn và nếu như không có sự xuất hiện kịp thời của những người trẻ tuổi dũng cảm, chẳng biết bao nhiêu người trên chuyến tàu cao tốc chở 554 hành khách đang từ Hà Lan xuyên đêm hướng về miền Bắc nước Pháp sẽ thiệt mạng…

Phút sinh tử trên chuyến tàu tốc hành tới Paris

Chậm là chết...

AFP cho hay, đối tượng thực hiện vụ xả súng trên chuyến tàu cao tốc Thalys từ Thủ đô Amsterdam, Hà Lan đến Thủ đô Paris, Pháp vào đêm 22-8 được xác định là Ayob El Khazzani, 25 tuổi, quốc tịch Ma-rốc. Khi có mặt trên tàu, Ayob El Khazzani mang theo dao, một khẩu súng tiểu liên, một khẩu súng lục tự động Luger. Tên này thực hiện vụ xả súng khi con tàu vừa vượt qua khu vực biên giới Bỉ để vào miền Bắc nước Pháp, nhưng rất may không có ai thiệt mạng. Chỉ có 3 người bị thương trong khi tìm cách khống chế hung thủ.

Vụ việc xảy ra khi một người hành khách người Pháp phát hiện Ayob El Khazzani trong toilet với khẩu súng lăm lăm trên tay. Ngay lập tức, người đàn ông này cố gắng khống chế đối tượng người Ma-rốc nhưng hắn vùng chạy thoát và bắt đầu nổ súng.

Đối tượng Ayob El Khazzani bị khống chế tại nhà ga Arras ở miền Bắc nước Pháp. Ảnh: BBC.

Đối tượng Ayob El Khazzani bị khống chế tại nhà ga Arras ở miền Bắc nước Pháp. Ảnh: BBC.

May thay, trên tàu hôm đó có sự xuất hiện của 3 người bạn đang trên hành trình du lịch châu Âu, đó là Alek Skarlatos, 22 tuổi, thành viên của Lực lượng Vệ binh Quốc gia Mỹ tại bang Oregon vừa trở về từ Afghanistan; Spencer Stone, hiện đang phục vụ trong lực lượng Không quân Mỹ và Anthony Sadler, sinh viên 23 tuổi đang theo học tại Đại học Sacramento của Mỹ.

“Tôi quay lại thì thấy một gã đi vào với một khẩu Kalashnikov. Chúng tôi ngồi sụp xuống và rồi tôi nói: “Hãy bắt lấy hắn ta”, Skarlatos kể lại trên kênh truyền hình BFMTV của Pháp.

Gần như trong nháy mắt, Spencer Stone lao về phía gã thanh niên đang cầm súng. “Spencer chạy rất nhanh để khống chế đối tượng và khi ấy chúng tôi không biết rằng khẩu súng trên tay hắn không hoạt động. Spencer cứ thế chạy đến và nếu có ai bị bắn thì chắc chắn đó là cậu ấy. Thật may mắn khi không có ai trong chúng tôi bị giết”, Skarlatos vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại những gì đã diễn ra.

Nhưng nhờ bản lĩnh và phản ứng nhanh lẹ, Spencer Stone đã áp sát được nghi phạm, dùng tay khóa chặt cổ tên này. Theo lời các quan chức chính quyền Pháp, trong lúc giằng co, Ayob El Khazzani đã rút dao tấn công Spencer Stone, khiến anh bị thương phía sau cổ và một ngón tay cái suýt đứt lìa. Sau đó Skarlotos cũng kịp thời lao tới giật khẩu Kalashnikov và bắt đầu dùng khẩu súng bị kẹt đạn đánh tới tấp vào hung thủ.

Nhờ sự giúp sức của Anthony Sadler, thành viên thứ 3 trong nhóm, và doanh nhân người Anh 62 tuổi Chris Norman, hung thủ cuối cùng cũng bị khống chế hoàn toàn. “Phản ứng đầu tiên của tôi là phải trốn… nhưng tôi chợt nghĩ có thể mình sẽ chết và nếu thế thì tốt nhất phải tìm cách hạ hắn ta còn hơn là cứ ngồi một góc và bị bắn. Tôi thấy tôi không phải là một người hùng. Nếu không có Spencer Stone, có thể tất cả chúng tôi đã chết”, ông Chris Norman kể lại.

Doanh nhân này cũng cho biết, nếu khẩu súng của gã thanh niên người Ma-rốc không bị kẹt đạn thì rất có thể một thảm kịch đã xảy ra.

Hình ảnh được một hành khách ghi lại bằng điện thoại di động và đăng trên mạng sau đó cho thấy, hung thủ cởi trần, mặc quần trắng nằm bẹp dưới sàn tàu, tay bị trói quặt sau lưng. Khẩu súng tiểu liên Kalashnikov mà hắn định sử dụng để nã đạn vào hành khách được dựng trên chiếc ghế ngay gần đó. Một số nguồn tin cho biết, sau khi bị khống chế, hung thủ còn không ngừng la hét “trả súng cho tôi, trả súng cho tôi” cho tới khi bị đánh bất tỉnh.

Từ trái qua phải: Spencer Stone, Anthony Sadler và Alek Skarlatos – Những người hùng trong vụ khống chế đối tượng xả súng trên chuyến tàu. Ảnh: CNN.

Từ trái qua phải: Spencer Stone, Anthony Sadler và Alek Skarlatos – Những người hùng trong vụ khống chế đối tượng xả súng trên chuyến tàu. Ảnh: CNN.

Được biết, ngay sau khi con tàu dừng ở ga Arras thuộc miền Bắc nước Pháp, Ayob El Khazzani đã bị lực lượng an ninh bắt giữ và giải đi. Trả lời các nhà điều tra trong cuộc thẩm vấn ngày 23-8, Ayoub el-Khazzani nói rằng, mình chỉ có ý định cướp tàu hỏa để đòi tiền chuộc chứ không phải là một kẻ khủng bố.

Đích thân Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Pháp François Hollande đã gọi điện đến chúc mừng, bày tỏ lòng kính trọng trước hành động dũng cảm và phản ứng mau lẹ của những người tham gia khống chế đối tượng xả súng, qua đó ngăn cản được một thảm kịch đẫm máu. Ông Barack Obama đã gọi họ là những người hùng, trong khi ông Francois Hollande dự định sẽ cùng với các quan chức hàng đầu trong Chính phủ Pháp tổ chức một buổi gặp mặt với những người dũng cảm này.

Sau khi vụ việc xảy ra, một số nước châu Âu như Pháp và Bỉ đã huy động hàng nghìn nhân viên an ninh để bảo đảm an toàn cho các chuyến tàu và nhà ga.

Báo động an ninh

Theo tờ The Washington Post, vào thời điểm vụ xả súng xảy ra, đối tượng Ayob El Khazzani có đủ vũ khí để sát hại hàng chục người chỉ trong chớp mắt. Bởi vậy, người ta đang đặt ra câu hỏi liên quan đến hệ thống an ninh của châu Âu, rằng tại sao một đối tượng từng bị các cơ quan chống khủng bố coi là mối nguy hiểm tiềm tàng lại có thể lên tàu mà không phải trải qua bất kỳ biện pháp kiểm tra an ninh nào.

Lật lại hồ sơ của Ayoub el-Khazzani, các nhà điều tra thấy rằng tên này đã nằm trong tầm ngắm của các cơ quan an ninh của Tây Ban Nha, Pháp và Bỉ từ hơn một năm nay. Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve tin rằng, Ayoub el-Khazzani là một thành viên của phong trào Hồi giáo cực đoan. Các nhà điều tra Pháp cũng xác nhận Ayoub el-Khazzani từng sống ở thành phố Algeciras của Tây Ban Nha đến tháng 3-2014 và tại đây, hắn đã có lần bị bắt vì tội vận chuyển ma túy.

An ninh được thắt chặt trên các chuyến tàu quốc tế xuất phát từ Bỉ sau vụ xả súng. Ảnh: BBC.

An ninh được thắt chặt trên các chuyến tàu quốc tế xuất phát từ Bỉ sau vụ xả súng. Ảnh: BBC.

Sau khi Ayoub el-Khazzani rời khỏi Algeciras , chính quyền Pháp đã lưu ý các cơ quan an ninh châu Âu khác về đối tượng này. Pháp và Bỉ sau đó đã đưa Ayoub el-Khazzani vào dạng cần phải theo dõi. Mặc dù vậy, theo Bộ trưởng Tư pháp Bỉ Koen Geens, dù bị các cơ quan chống khủng bố của châu Âu theo dõi, song el-Khazzani lại không bị coi là một đối tượng nguy hiểm. “Chúng tôi có rất nhiều những đối tượng kiểu như vậy”, ông Koen Geens giải thích.

Ngoài ra, giới chức an ninh của Tây Ban Nha cho biết, Ayoub el-Khazzani đã từng đến Syria và quay trở lại Pháp vào năm ngoái. Tờ Le Soir của Bỉ cho rằng, tên này thậm chí đã có thời gian liên hệ với một mạng lưới phiến quân Hồi giáo rộng lớn ở Syria .

Nói về việc Ayoub el-Khazzani mang theo nhiều vũ khí giết người lên chuyến tàu nườm nượp hành khách, Thủ tướng Bỉ Charles Michel khẳng định, đây là hậu quả của sự xao lãng về an ninh. Tại khu vực châu Âu đông đúc, các chuyến tàu cao tốc là phương tiện di chuyển quan trọng chẳng khác nào máy bay ở Mỹ. Tuy nhiên, ở hầu hết các tuyến đường đều không được trang bị máy dò kim loại. Hành khách thậm chí còn có thể mua vé mà không phải xuất trình giấy tờ tùy thân. Bởi vậy, Thủ tướng Bỉ Charles Michel kêu gọi tổ chức một cuộc họp của các quan chức an ninh hàng đầu của nhiều nước nhằm bàn cách thắt chặt việc kiểm soát danh tính các hành khách và kiểm tra hành lý trên các chuyến tàu.

Vụ việc trên cũng chỉ ra những khó khăn mà các cơ quan tình báo đang gặp phải trong việc theo dấu các đối tượng cực đoan, đồng thời đặt ra yêu cầu thắt chặt an ninh trên các chuyến tàu quốc tế.

Theo QĐND

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ