Khi Nga lật ngược tình thế cuộc nội chiến ở Syria theo hướng có lợi cho chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad vào năm 2015, nhiều chính trị gia phương Tây bắt đầu lo lắng về ý định của Điện Kremlin.
Các chuyên gia lo ngại về việc Liên bang Nga quay trở lại Trung Đông không chỉ nhằm hỗ trợ chính phủ Syria, mà còn nhằm hình thành liên minh với các thế lực chống phương Tây khác trong khu vực, trong đó bao gồm Iran, ấn phẩm Foreign Policy (FP) cho biết.
Theo các nhà quan sát của tờ FP, gần một thập kỷ sau, với các cuộc chiến tranh đang hoành hành khắp châu Âu và Trung Đông, mối quan hệ đối tác Tehran - Moskva ở quốc gia đầy xung đột này dường như đang trải qua một sự thay đổi lớn, với sự cân bằng trước đây theo hướng có lợi cho Nga giờ đang nghiêng về phía Iran.
Cần nguồn lực để duy trì chiến dịch đặc biệt ở Ukraine, Moskva đã rút một phần đáng kể lực lượng khỏi Syria. Sự kiện này ban đầu gây ra tâm lý lạc quan đối với một số nhà quan sát phương Tây, khi họ tin rằng việc giảm sự hiện diện của Nga ở Trung Đông sẽ cho phép liên minh do Mỹ dẫn đầu tăng cường ảnh hưởng trong khu vực.
Nhiều người coi việc rút quân và trang thiết bị đặc biệt của Nga là một diễn biến tích cực, hy vọng rằng điều này ít nhất sẽ ngăn chặn một kỷ nguyên xung đột mới trong tại Trung Đông giữa các cường quốc trong khu vực đang gặp khó khăn.
Tuy nhiên việc Nga rút quân một phần khỏi Syria đã mở ra một chương mới của cuộc xung đột. Trong khi việc rút lui có thể xoa dịu lo ngại về sự quay trở lại của cuộc cạnh tranh quyền lực lớn tại Trung Đông, thì việc thiếu ảnh hưởng của Điện Kremlin đã tạo ra khoảng trống quyền lực ở phía Nam.
Khoảng trống này nhanh chóng được lấp đầy bởi lực lượng Iran và Hezbollah, khiến tình hình trở nên khó khăn hơn nhiều, đặc biệt khi Hoa Kỳ đang phải phân tán nguồn lực giữa Ukraine, Đài Loan (Trung Quốc) và Israel.
Với tình hình trên, theo chuyên gia, phương Tây không nên ăn mừng sự suy yếu của Liên bang Nga ở Syria và Trung Đông và vui mừng như thể đó là chiến thắng của họ. Thực sự thì Moskva đã nhận được nhiều lợi thế ở Syria. Việc tích lũy những lợi ích này đương nhiên khiến người Nga cảnh giác với việc tham gia xung đột không cần thiết.
Vì vậy Moskva đã hành động ở Syria với cách tiếp cận hợp lý hơn. Ngược lại, Iran và Hezbollah được thúc đẩy bởi cả tham vọng và hệ tư tưởng. Mục tiêu chính của họ là kiềm chế hoặc thậm chí đe dọa nhà nước Israel, tham vọng mà Nga không chia sẻ.
Tất cả những sự phức tạp này khiến Washington đau đầu, không giống như thời điểm Liên bang Nga mang lại sự cân bằng và kiềm chế khu vực trượt vào chủ nghĩa cực đoan.