Phương pháp khử trùng giúp tái sử dụng khẩu trang N95

GD&TĐ - Theo các chuyên gia y tế, người dùng có thể khử trùng khẩu trang N95 bằng hơi oxy già, UV và nhiệt dưới 100 độ C.

Dùng tia UV khử khuẩn khẩu trang để tái sử dụng.
Dùng tia UV khử khuẩn khẩu trang để tái sử dụng.

Bên cạnh đó, việc để N95 khô tự nhiên tại khu vực sạch trong 2 - 3 ngày có thể bất hoạt virus xuống mức tối thiểu. Từ đó, cho phép tái sử dụng khẩu trang trong khi vẫn bảo đảm hiệu quả.

Tiết kiệm và bảo đảm an toàn

Khẩu trang giúp bảo vệ chống lại nhiễm trùng đường hô hấp cho nhân viên y tế và người dân. Đồng thời, giảm sự lây truyền trong cộng đồng. Do đó, khẩu trang trở thành một trong những công cụ hữu hiệu nhất để ngăn ngừa sự lây lan của Covid-19.

Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, nhiều người đã “truyền tai” nhau cách làm sạch khẩu trang N95. Tuy nhiên, không phải phương pháp nào cũng có thể được áp dụng.

Theo TS.BS Phạm Nguyên Quý - Bệnh viện Kyoto Miniren (Nhật Bản), trong trường hợp thiếu khẩu trang N95 nghiêm trọng, nhân viên y tế có thể xin ý kiến cấp trên về việc tái sử dụng.

“Khẩu trang N95 và các loại có tính năng tương đương hay được nhân viên y tế sử dụng khi ở trong môi trường có nguy cơ lây nhiễm cao và khi chăm sóc bệnh nhân Covid-19 trong bệnh viện.

Do mặt hàng này đang khan hiếm và cũng có thể bị làm giả, cần cân nhắc triển khai biện pháp khử trùng, tái sử dụng khẩu trang N95 xịn (hoặc loại tương đương) để tiết kiệm nhưng cũng bảo đảm an toàn cho người dùng”, chuyên gia chia sẻ.

TS Quý dẫn chứng, thời gian qua, đã có nhiều nghiên cứu được thực hiện trên thế giới. Từ đó, đưa ra khuyến cáo về tái chế khẩu trang và vẫn bảo đảm hiệu năng lọc cũng như ngừa bệnh.

Chuyên gia này cho biết, có thể khử trùng khẩu trang N95 bằng hơi oxy già (hydrogen peroxide), UV và nhiệt dưới 100 độ C. Phương pháp này không gây ảnh hưởng đến hiệu suất lọc sau một lần xử lý.

“Nhóm nghiên cứu tại Đại học Stanford đã cho thấy, việc khử trùng khẩu trang ở 75 độ C trong 30 phút hoặc 70 độ C trong 60 phút cho phép tái chế khẩu trang 5 - 20 lần mà không ảnh hưởng đến hiệu suất lọc.

Nhiệt độ 75 độ C được chọn vì các bệnh viện thường có tủ xử lý chăn y tế ở nhiệt độ này. Nhóm này cũng cho thấy UV 254nm có thể khử trùng được. Tuy nhiên, UV không xuyên thấu nên cần cân nhắc”, TS Quý dẫn chứng.

Bên cạnh đó, việc để N95 khô tự nhiên tại khu vực sạch trong 2 - 3 ngày có thể bất hoạt virus xuống mức tối thiểu. Nhờ đó, cho phép tái sử dụng khẩu trang.

“Trong điều kiện khan hiếm khẩu trang lọc khí trầm trọng, các y, bác sĩ có thể dùng luân phiên 3 - 6 khẩu trang. Sau khi dùng, để khô tự nhiên ở khu vực bảo đảm sạch, có nắng hoặc tủ xử lý trong tủ kín 75 độ C.

Lưu ý, bọc khẩu trang ở túi plastic trong quá trình xử lý sẽ làm giảm khả năng trao đổi nhiệt. Virus vẫn có thể trong trạng thái hoạt động sau khi xử lý. Cần có thanh treo để tránh tiếp xúc tấm lọc”, TS.BS Phạm Nguyên Quý cảnh báo.

Sai lầm khi tái sử dụng

Trong khi đó, PGS.TS Trần Huỳnh - Đại học Y khoa California Northstate (Mỹ) - chia sẻ, việc thiếu khẩu trang N95 có thể khiến nhân viên y tế tăng khả năng bị lây nhiễm.

“Rủi ro lây nhiễm ở khẩu trang N95 nằm tại lớp bên ngoài, có thể do các hạt li ti chứa virus bám vào. Lớp trong cùng tiếp xúc với da mặt là rủi ro thấp nhất, ít có khả năng chứa virus nhất. Lớp giữa khẩu trang được thiết kế tốt, nhằm đảm bảo khả năng lọc hạt mịn. Kết cấu N95 bị ảnh hưởng nhiều nếu bị bẻ cong, vò nát, hay giặt ủi”, PGS Huỳnh giải thích.

Vì vậy, chuyên gia này dẫn chứng, Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) khuyến cáo, nên sử dụng khẩu trang N95 một lần. Trong trường hợp thiếu khẩu trang, cách treo lên giá để đeo luân phiên sẽ hiệu quả hơn các biện pháp hấp, giặt ủi.

“Một bác sĩ có thể thay phiên dùng một khẩu trang mỗi 4 ngày, đánh số từ 1 - 4. Các nghiên cứu chỉ ra, virus SARS-CoV-2 sẽ bất hoạt (tan rã) sau 3 ngày. Cách này được xem là an toàn và hiệu quả nhất trong trường hợp thiếu khẩu trang.

Nếu không thể thay phiên khẩu trang, có thể làm nóng khô khẩu trang N95 ở 158 độ F (70 độ C) trong 60 phút như treo trong lò. Nhiệt độ này có thể làm bất hoạt hoàn toàn virus”, PGS Huỳnh gợi ý.

Bên cạnh những phương pháp này, nhiều người cho rằng, có thể làm sạch khẩu trang N95 bằng cách nấu sôi hoặc hấp. Tuy nhiên, PGS Huỳnh nhấn mạnh, không nên áp dụng phương pháp này.

Bởi, khi đó, chất lượng và hiệu quả của khẩu trang N95 sẽ giảm. Đồng thời, người dùng không nên giặt khẩu trang N95 bằng xà phòng hoặc dùng cồn tẩy. Cách làm này cũng sẽ khiến khẩu trang N95 giảm hiệu quả.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.