Bác sĩ theo dõi và phát hiện sớm các biến chứng nếu có như: Viêm phổi, nhiễm khuẩn da, nhiễm khuẩn huyết, viêm não...
Điều trị hỗ trợ cơ thể
Ngày 26/7, Hội đồng chuyên môn Bộ Y tế họp nghiệm thu Hướng dẫn Chẩn đoán và điều trị đậu mùa khỉ ở người, với 4 giai đoạn diễn tiến bệnh. Giai đoạn ủ bệnh kéo dài 6 - 13 ngày (dao động 5 - 21 ngày). Người nhiễm không có triệu chứng và không có khả năng lây nhiễm.
Ở giai đoạn khởi phát (1 - 5 ngày), các triệu chứng chính là sốt và nổi hạch ngoại vi toàn thân. Ngoài ra, người bệnh có thể biểu hiện đau đầu, mệt mỏi, ớn lạnh, đau họng, đau cơ. Virus có thể lây sang người khác từ giai đoạn này.
Với giai đoạn toàn phát, bệnh nhân xuất hiện các ban trên da, thường gặp sau khi sốt 1 - 3 ngày. Phát ban có xu hướng ly tâm, có nhiều trên mặt, lòng bàn tay, lòng bàn chân, có thể ở miệng, mắt, cơ quan sinh dục.
Kích thước tổn thương da được xác định trung bình 0,5 - 1cm. Số lượng tổn thương da từ vài nốt cho đến dày đặc. Trong trường hợp nghiêm trọng, các tổn thương có thể liên kết với nhau thành mảng tổn thương da lớn.
Trong giai đoạn hồi phục, các triệu chứng có thể kéo dài từ 2 - 4 tuần rồi tự khỏi. Người bệnh hết các triệu chứng lâm sàng. Các sẹo trên da có thể ảnh hưởng đến thẩm mỹ và không còn nguy cơ lây nhiễm cho người khác.
Bộ Y tế cũng ghi nhận 5 dấu hiệu nguy hiểm của bệnh, chuyển thể nặng gồm: Giảm thị lực; giảm ý thức, hôn mê, co giật; suy hô hấp; chảy máu, giảm số lượng nước tiểu; các dấu hiệu nhiễm khuẩn huyết và sốc nhiễm khuẩn.
Bộ Y tế đưa ra phác đồ điều trị “cá thể hóa”, tức tùy thuộc tình trạng từng người bệnh. Phác đồ này sẽ được ban hành trong thời gian tới.
Ở thể nhẹ, bệnh nhân được hạ sốt, giảm đau, chăm sóc tổn thương da, mắt, miệng, bảo đảm dinh dưỡng, cân bằng điện giải. Bác sĩ theo dõi và phát hiện sớm các biến chứng nếu có như: Viêm phổi, nhiễm khuẩn da, nhiễm khuẩn huyết, viêm não... Những bệnh nhân này được điều trị tại khoa hồi sức ở buồng cách ly. Với thể nặng, bệnh nhân điều trị biến chứng tại buồng cách ly khoa hồi sức.
Theo PGS.TS Trần Huỳnh - Trường Đại học Y khoa California Northstate (Mỹ), Tpoxx (Tecovirimat) là thuốc đặc trị chữa đậu mùa khỉ. Thuốc này hoạt động bằng cách ức chế quá trình tạo vỏ của virus mới khi nhân đôi. Liều dùng của Tecovirimat cho đậu mùa khỉ là uống viên 600mg ngày 2 lần trong vòng 14 ngày.
“Các trị liệu khác hỗ trợ như chữa trị nhiễm trùng da, chữa viêm sưng, hay các biến chứng do bệnh đậu mùa khỉ. Đậu mùa khỉ là bệnh hiếm, nhưng có những dấu hiệu nguy hiểm như tăng số ca nhiều ở nhiều nước và gen ADN có đột biến so với trước. Bệnh lây chủ yếu do tiếp xúc gần qua nhiều đường. Phần lớn bệnh nhân sẽ tự khỏi bệnh”, chuyên gia chia sẻ.
Trong khi đó, TS Nguyễn Hồng Vũ - Viện City of Hope (Mỹ) - cho biết, hầu hết những người mắc bệnh đậu mùa khỉ đều có thể tự hồi phục. Bởi, đây là virus nên các phương pháp điều trị chủ yếu là hỗ trợ cơ thể (nghỉ ngơi, dinh dưỡng, cung cấp đầy đủ nước…).
Tuy nhiên, nhóm có nguy cơ cao đối với bệnh này là người có bệnh liên quan đến suy giảm miễn dịch, trẻ em (nhỏ hơn 8 tuổi), phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú, những người có bệnh nền về nhiễm trùng da, nhiễm trùng đường ruột, nhiễm trùng phổi… Những người này có nguy cơ dễ trở nặng và cần phải được điều trị bằng các thuốc kháng virus, kháng thể cũng như các hỗ trợ y tế khác.
Thời điểm tiêm vắc-xin
Theo PGS.TS Trần Huỳnh, vắc-xin cũng như thuốc trị liệu đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt và có thể dùng khi cần thiết. Ngoài ra, mọi người nên tiêm vắc-xin trong vòng 4 ngày sau khi nghi ngờ tiếp xúc với bệnh đậu mùa khỉ. Hoặc, những người có rủi ro cao mắc bệnh này cũng có thể tiêm vắc-xin trước.
“Có 2 loại vắc-xin được FDA chấp thuận là Jynneos (Imvamune/Imvanex) và ACAM2000. Cả hai loại vắc-xin này đều dùng virus đã bị làm “yếu”. Vì vậy, chích vắc-xin này phải cẩn thận với những bệnh nhân có bệnh nền hay hệ miễn dịch yếu. Không phải ai cũng nên chích vắc-xin này”, PGS Huỳnh cho biết.
Cụ thể, Jynneos (Imvamune) là loại vắc-xin làm từ virus Vaccinia, cùng họ Orthopox virus với đậu mùa khỉ. Vắc-xin này khi tiêm vào sẽ đưa những virus đã bị làm yếu, không có khả năng gây bệnh vào cơ thể.
Hệ miễn dịch sẽ tấn công và học ra cách nhận biết virus này. Trong khi đó, ACAM là vắc-xin được chấp thuận năm 2015, có cả trước Jynneos. Tuy nhiên, do cách tiêm khó khăn nên Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyến cáo dùng Jynneos nhiều hơn. ACAM cũng là vắc-xin làm yếu virus Vaccinia. Tuy nhiên, vắc-xin cần được tiêm nhiều lần trên vai.