Phương pháp dạy Lịch sử hiệu quả nhất

GD&TĐ - Cô Lê Thị Hà - giáo viên Trường tiểu học thị trấn Cẩm Thủy (Thanh Hóa) - cho rằng: Phương pháp dạy học Lịch sử hiệu quả nhất chính là sự phát huy tối đa mặt mạnh của từng phương pháp và sự phối hợp giữa các phương pháp, cả truyền thống và hiện đại.

Phương pháp dạy Lịch sử hiệu quả nhất

Quy trình 4 bước

Để thực hiện yêu cầu trên, cô Hà đã vận dụng dạy theo quy trình 4 bước:

Bước 1: Giáo viên đặt vấn đề cần giải quyết trong bài học thông qua việc nêu các tình huống có vấn đề, liên quan tới nội dung bài học.

Bước 2: Tổ chức cho học sinh khai thác các tư liêu trong SGK, tranh ảnh , bản đồ, lược đồ,... Qua đó, các em có thể hình dung, có biểu tượng về các sự kiện, hiện tương lịch sử.

Bước 3: Trên cơ sở các biểu tượng về lịch sử đã được hình thành, giáo viên sẽ đặt các câu hỏi, đưa ra các bài tập và vận dụng các hình thức tổ chức dạy học (cá nhân, nhóm, cả lớp), giúp học sinh bước đầu biết so sánh các điểm giống và khác nhau nêu đặc điểm, tổng hợp những nét chung của sự kiện, hiện tượng lịch sử.

Bước 4: Từ những hiểu biết trên, giáo viên tổ chức cho học sinh trình bày dưới nhiều hình thức khác nhau (nói, viết , vẽ,...) về một sự kiện, hiện tượng lịch sử một cách sinh động và chính xác; đồng thời các em cũng biết vận dụng các kiến thức đã học vào các nội dung như tích hợp bảo vệ di tích lịch sử và di tích văn hóa của dân tộc.

Cô Lê Thị Hà chia sẻ thêm: Một trong những kinh nghiệm bản thân tôi đã vận dụng trong quá trình dạy học phân môn Lịch sử ở lớp 5 góp phần to lớn vào việc nâng cao chất lượng môn học là việc sử dụng các tư liệu cho môn học (tư liệu viết, tư liệu băng hình, tư liệu tranh ảnh) để minh họa cho các sự kiện, nhân vật lịch sử trong bài giảng trên lớp.

Hình thức này dễ sử dụng và đem lại hiệu quả tốt cho tiết học, nhất là các bài học lịch sử dân tộc, bài lịch sử địa phương có các sự kiện liên quan đến lễ hội.

Đặc biệt, bản thân tôi đã mạnh dạn việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy một số tiết học dưới dạng trình chiếu và đã đem lại một số hiệu quả nhất định. lôi cuốn học sinh trong học tập.

Với những hình ảnh, tư liệu sống động, phong phú của các lễ hội sẽ góp phần làm tái hiện cho học sinh những sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử bổ xung những kiến thức lịch sử đã học trên lớp một cách cụ thể hơn.

Tổ chức dạy học lịch sử đa dạng

Một trong ba đặc trưng của phân môn Lịch sử đã chỉ ra rằng: Lịch sử qua đi nhưng không hoàn toàn biến mất mà còn để lại “dấu vết ” của nó qua kí ức của nhân loại như văn học dân gian, phong tục tập quán, lễ hội…, qua các chứng tích lịch sử, các hiện tượng lịch sử, qua ghi chép của người xưa.

Những chứng cứ vật chất đó chính là cơ sở để trình bày hay nhận thức về lịch sử. Vì vậy, theo cô Lê Thị Hà, giáo viên cần phải hết sức quan tâm đến các hình thức tổ chức dạy học lịch sử đa dạng, tạo điều kiện để học sinh tiếp xúc với các nguồn sử liệu nói trên.

Có thể chia thành các nhóm giải pháp như sau:

Gắn kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện lịch sử với việc dạy học phân môn Lịch sử: Trong quá trình trực tiếp giảng dạy, giáo viên cần hướng dẫn học sinh tìm hiểu về các ngày lễ lớn, các sự kiện lịch sử qua các hoạt động: đọc báo, xem truyền hình (các hình ảnh tư liệu), đài phát thanh … để giúp các em hiểu rõ, nắm sâu hơn về các sự kiện và nhân vật lịch sử.

Gắn việc tham quan dã ngoại với việc tham quan bảo tàng, di tích lịch sử dâng hoa lên tượng anh hùng để các em cảm nhận được hồn sử: Tổ chức cho học sinh tham quan dã ngoại các di tích lịch sử - văn hóa, các cảnh đẹp ở địa phương, gặp gớ các cá nhân, tập thể trực tiếp tham gia vào những sự kiện lịch sử và hoạt động xã hội; tham quan các bảo tàng lịch sử để các em được trực tiếp nắm được các sự kiện, nhân vật lịch sử.

Hướng dẫn học sinh cách học ở nhà: Việc chuẩn bị bài ở nhà của học sinh rất quan trọng. Giáo viên cần phải giải thích bài học lịch sử sắp tới để học sinh ở nhà có thể sưu tầm tài liệu, tranh ảnh liên quan để tham gia thảo luận, các em sẽ thích thú nếu được hướng dẫn tự sưu tầm tài liệu cho tiết học mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ