Phương Mỹ Chi, Hoài Lâm: Cơn sốt âm nhạc dân gian

Vốn là dòng chảy bình lặng trong đời sống âm nhạc, nhạc trữ tình quê hương, dân ca, cổ truyền bỗng một ngày nổi lên như một hiện tượng trong thời đại của truyền hình thực tế.

Phương Mỹ Chi, Hoài Lâm là những ngôi sao mới nổi lên từ các show truyền hình thực tế nhờ âm nhạc dân ca, cổ truyền
Phương Mỹ Chi, Hoài Lâm là những ngôi sao mới nổi lên từ các show truyền hình thực tế nhờ âm nhạc dân ca, cổ truyền

Thông thường, từ “trào lưu”, “hiện tượng” chỉ dành cho những giá trị mới, nổi lên trong xã hội ở một thời điểm nào đó, cuốn nhiều người theo nó. 

Lần đầu tiên, nhạc quê hương, dân gian - những dòng nhạc vốn lặng lẽ chảy ở tầng sâu của cuộc sống - được công chúng đối đãi như một trào lưu, hiện tượng, như một cơn sốt thời gian gần đây.

Người ta suýt xoa, trầm trồ, truyền nhau nghe và bàn tán ở khắp mọi nơi. Và, trong lúc khán giả như say trong cơn sốt nghe nhạc dân gian, những giọng hát của thể loại nhạc này như có đất diễn hơn, nhiều gương mặt vốn xưa nay lặng lẽ đã sẵn sàng vươn ra ngoài ánh sáng để đưa tiếng hát, dòng nhạc của mình đến gần hơn với công chúng.

Cuộc khai phá thành công đầu tiên của truyền hình thực tế với âm nhạc dân gian là chương trình The Voice Kids mùa đầu tiên. Cô bé 10 tuổi Phương Mỹ Chi gây ấn tượng mạnh mẽ ngay từ những vòng đầu tiên với giọng hát ngọt ngào khi thể hiện những điệu dân ca Nam Bộ và những ca khúc mang âm hưởng dân ca. 

Khán giả đi từ ngỡ ngàng, rồi tan chảy khi một cô gái nhỏ tuổi, vóc dáng nhỏ nhắn, lại sở hữu giọng hát ngọt, mùi, đi vào lòng người và đánh thức những xúc cảm về quê hương, gia đình một cách chân thành, tự nhiên nhất.

Quê em mùa nước lũ, Sa mưa giông, Nhớ mẹ lý mồ côi, Áo mới Cà Mau… với giọng hát Phương Mỹ Chi được khán giả nghe đi nghe lại trên các kênh âm nhạc hay chia sẻ trên mạng xã hội. Phương Mỹ Chi kiên định hình ảnh một cô bé hát dân ca trong bộ đồ bà ba, ngay cả khi có những ý kiến cho rằng đó là hình ảnh một màu, nhàm chán.

Thành quả của sự kiên định đó là ngôi vị Á quân The Voice Kids mùa đầu tiên. Quan trọng hơn, Phương Mỹ Chi chiếm trọn tình cảm của hàng triệu khán giả từ nhỏ tuổi đến lớn tuổi, đánh thức tình yêu với âm nhạc quê hương trong trái tim của triệu người dân.

Sau Phương Mỹ Chi, Hoài Lâm trong Gương mặt thân quen mới đây là một cú hích khác của show truyền hình thực tế với dòng nhạc cổ truyền. 

Gây ấn tượng từ các vòng đầu tiên khi hóa thân thành Celine Dion, Adele, ca sĩ trẻ Sơn Tùng M-Tp nhưng chỉ đến khi "nghệ nhân xẩm Hà Thị Cầu tái sinh" trên sân khấu, Hoài Lâm mới thực sự tạo ra cơn sốt. Khán giả cảm phục trước khả năng nhập vai, thăng hoa của Hoài Lâm, nhưng hơn cả sự hóa thân đó đã khiến khán giả rơi nước mắt.

Họ xúc động trước những lời ca gan ruột của điệu Xẩm thập Ân Ngãi mẹ sinh thành - bài xẩm răn dạy con cái về công đức cha mẹ. Và cũng nhiều người từ đó tìm đến với xẩm, tìm hiểu thêm về nghệ nhân Hà Thị Cầu để hiểu về một loại hình nghệ thuật dân gian đang được đề nghị là di sản văn hóa thế giới cần được bảo tồn.

Thành công nối tiếp khi Hoài Lâm chọn hóa thân thành nghệ sĩ Thanh Nga trong đêm chung kết Gương mặt thân quen. Chàng ca sĩ trẻ một lần nữa lấy nước mắt khán giả, chứng tỏ, những loại hình âm nhạc quê hương, cổ truyền luôn có sức lay động mạnh mẽ.

Sau những “hiện tượng” Phương Mỹ Chi, Hoài Lâm, các chương trình truyền hình thực tế gần đây tiếp tục xuất hiện nhiều gương mặt thể hiện dòng nhạc dân tộc. 

Tại chương trình X-Factor 2014, nhiều thí sinh mang đến những hình ảnh dân ca đa dạng của các vùng miền. Các giám khảo Đàm Vĩnh Hưng, Hồ Quỳnh Hương… cũng dành nhiều thiện cảm và cơ hội cho các giọng ca quê hương, truyền thống để họ có thể tiến sâu, đến với khán giả nhiều hơn.

Giữa những cuộc thi format nước ngoài chủ yếu mạnh về các dòng nhạc trẻ và nhạc ngoại, nhạc trữ tình quê hương dù không chiếm ưu thế về số lượng nhưng lại bình đẳng, ngang ngửa với các thể loại khác trong cuộc đua về chất lượng. Chương trình The Voice Kids mùa thứ hai vừa khởi động cũng lộ diện nhiều gương mặt gợi nhắc hình ảnh cô bé Phương Mỹ Chi năm ngoái.

Thành công của Phương Mỹ Chi, Hoài Lâm một phần là nhờ hiệu ứng từ các chương trình truyền hình thực tế. Truyền hình thực tế đã cấp cho loại hình âm nhạc này một sân khấu và một diện mạo mới, hay có thể ví von nó như “chiếc áo mới”. 

Cái mới ở đây là hình thức thể hiện, bởi xét khía cạnh "thể xác" hay "tinh thần" thì những thể loại âm nhạc này vốn vẫn tồn tại, mạnh mẽ và xuyên suốt trong dòng chảy âm nhạc từ xa xưa.

 Dễ nhận thấy, những người hát lên những giá trị cũ này còn rất trẻ. Không ai nghĩ chàng trai vừa đọc Rap "Em của ngày hôm qua" thoắt cái đã thành một nghệ nhân khòm dáng. Từ chỗ tạo ra bất ngờ về hình ảnh để kích thích công chúng, truyền hình thực tế khiến khán giả để tâm vào những giá trị thân thuộc, đánh trúng vào cảm xúc thường tình nhất nhưng dễ làm mềm lòng.

Nhạc sĩ Hồ Hoài Anh cũng cho rằng, nhạc dân gian âm thầm tồn tại, tưởng là xa nhưng thực ra vô cùng gần gũi, thân thuộc. "Nó như một món ăn quen nhưng lâu nay có thể vì quá quen, người ta không để ý. 

Giờ đây, cũng món ăn đó nhưng được trình bày theo cách mới, cập nhật hơn qua các cuộc thi và dưới sự thể hiện của những nghệ sĩ mới. Những yếu tố này đặt trong một chương trình giải trí có màu sắc hiện đại, kết hợp nhiều yếu tố khác nữa, đương nhiên là thành công".

Ca sĩ Cẩm Ly tin vào sức sống tự thân, bền vững của dòng nhạc dân ca, cổ truyền.

Ca sĩ Cẩm Ly tin vào sức sống tự thân, bền vững của dòng nhạc dân ca, cổ truyền. 

Truyền hình thực tế có thể tạo ra trào lưu, đánh thức cảm xúc người nghe nhất thời nhưng không có vai trò thúc đẩy, phát triển dòng nhạc dân tộc. 

Ca sĩ Cẩm Ly - người gắn bó với dòng nhạc quê hương, giám khảo của The Voice Kids năm nay - nhận định: "Có lẽ truyền hình là phương tiện đưa dòng nhạc này lan tỏa đến gần khán giả hơn, mang lại sự cộng hưởng. 

Nhưng thật là thiệt thòi cho những nghệ sĩ cống hiến lâu năm của dòng nhạc này nếu nói rằng, nó được vực dậy, hồi sinh nhờ các show truyền hình". Theo nữ ca sĩ, các ca sĩ nhạc quê hương vẫn hát thường xuyên và có khán giả riêng của họ.

Khi những show truyền hình thực tế qua đi, trào lưu lắng xuống, người ta có thể sẽ quên đi các hiện tượng.Thế nhưng, dòng nhạc cổ truyền không vì thế mà biến mất, dù giữa bối cảnh những dòng nhạc trẻ bùng nổ và nhạc ngoại xâm nhập. 

Ca sĩ Cẩm Ly cho rằng, thế giới âm nhạc nhiều màu sắc, nhiều tầng khán giả. Có người thích cái này, người thích cái kia nhưng dòng nhạc này sẽ sống mãi vì nó là hình ảnh của đất nước, quê hương, con người Việt.

"Ngay từ lúc chào đời dòng nhạc này ăn vào con người mình trước hết, qua những lời ru ầu ơ. Có thời điểm dòng nhạc này lắng xuống và có lúc nó trỗi dậy, luân phiên nhưng luôn có sức sống bền vững, không mai một. Trong thời đại này, âm nhạc luôn được cập nhật nhưng là để giàu thêm chứ dòng nhạc quê hương không bao giờ lỗi thời", Cẩm Ly nói.

Nhạc sĩ Hồ Hoài Anh cho rằng, vấn đề phát triển nghệ thuật truyền thống thuộc tầm vĩ mô, trong đó trách nhiệm lớn là của Nhà nước chứ không thuộc về cá nhân nghệ sĩ. 

"Một vài nghệ sĩ không thể làm gì. Như Hoài Lâm trong Gương mặt thân quen, dù xuất sắc cũng chỉ là yếu tố cá nhân". Theo anh, cần phải có một chiến lược phát triển văn hóa dân tộc để giáo dục từ bé cho người dân về văn hóa từng vùng miền, giúp họ hiểu biết và yêu thích những giá trị truyền thống, xa hơn là giới thiệu với thế giới - điều mà các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… đã làm tốt.

Theo vnexpress.net

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ