Phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2022: Thầy, trò vững tâm dạy và học

GD&TĐ - Thông tin về phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2022 do Bộ GD&ĐT công bố được các nhà trường, địa phương đánh giá là kịp thời, phù hợp; từ đó có sự chuẩn bị chu đáo để triển khai tốt nhất kỳ thi năm tới.

Phương án và định hướng nội dung thi rất rõ ràng giúp thầy và trò yên tâm tập trung thực hiện nội dung chương trình giáo dục. Ảnh minh họa
Phương án và định hướng nội dung thi rất rõ ràng giúp thầy và trò yên tâm tập trung thực hiện nội dung chương trình giáo dục. Ảnh minh họa

Học sinh, giáo viên yên tâm

Chia sẻ của thầy Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường THPT Tân Sơn (Phú Thọ), khi biết chủ trương của Bộ GD&ĐT về Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 thầy cô giáo và học sinh khối 12 rất phấn khởi bởi phương án thi, định hướng nội dung thi rất rõ ràng. Kỳ thi cơ bản giữ ổn định như năm 2021. Thời gian tổ chức thi có thể được xem xét điều chỉnh phù hợp với tình hình dịch bệnh tại địa phương là phù hợp với thực tế tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay.

“Nhà trường đã chỉ đạo tổ nhóm chuyên môn rà soát kỹ nội dung giảm tải theo công văn 4040 của Bộ GD&ĐT; tập trung giảng dạy kỹ các kiến thức cơ bản, trọng tâm, đồng thời tranh thủ thời gian vàng khi đang trong vùng an toàn của dịch bệnh để giảng dạy trực tiếp những nội dung cơ bản, cốt lõi của môn học. Nhà trường mong Bộ GD&ĐT sớm công bố cấu trúc, định dạng đề thi, đề thi tham khảo để giáo viên phân tích cấu trúc, ma trận đề, từ đó xây dựng nội dung ôn tập phù hợp theo ma trận đề minh họa” - thầy Nguyễn Văn Hùng cho biết.

Cũng bày tỏ sự ủng hộ, cô Nguyễn Thu Hiền, Hiệu trưởng Trường THPT Tân Lạc, Hòa Bình, cho rằng đây là phương án tối ưu nhất. Tuy nhiên, cô Hiền mong muốn đề thi có sự phân hóa tốt hơn ở mức điểm từ 7 trở lên và phân loại đều giữa các môn để một mặt làm căn cứ đánh giá chất lượng giáo dục của các đơn vị trường học, mặt khác thuận lợi hơn cho trường ĐH nếu sử dụng điểm thi để xét tuyển.

Học sinh tìm hiểu thông tin về phương án thi tốt nghiệp năm 2021. Ảnh minh họa: Đại Quang
Học sinh tìm hiểu thông tin về phương án thi tốt nghiệp năm 2021. Ảnh minh họa: Đại Quang

Nhận định của ông Bùi Quý Khiêm, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Đồng Tháp, việc Bộ GD&ĐT sớm công bố phương án tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 đã đáp ứng được nhu cầu của học sinh, học viên và người dân.

Kỳ thi năm sau về cơ bản giữ ổn định như năm 2021, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở giáo dục và học sinh, học viên chủ động trong dạy học, ôn tập. Một trong những băn khoăn của không ít học sinh, học viên nếu tổ chức nhiều đợt thi là mức độ cân bằng giữa vùng miền, tỉnh/thành và giữa các đợt thi (nếu tổ chức nhiều đợt) cũng đã được Bộ GD&ĐT khẳng định.

Tuy nhiên, ông Bùi Quý Khiêm đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét quy định các điều kiện cụ thể, tối thiểu để địa phương được tổ chức kỳ thi nhiều hơn 1 lần (số học sinh, học viên tham dự; các điều kiện khách quan về thiên tai, dịch bệnh;…), tránh việc địa phương tổ chức quá nhiều đợt thi trong năm, ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh của trường đại học, cao đẳng,… Đồng thời, đề nghị các trường đại học, cao đẳng công bố sớm phương thức tuyển sinh để học sinh, học viên chủ động trong việc đăng ký xét tuyển.

Thí sinh tham gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tại Hà Nội. Ảnh: Thế Đại
Thí sinh tham gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tại Hà Nội. Ảnh: Thế Đại

Sớm chuẩn bị để tổ chức tốt kỳ thi

Khẳng định phương án thi như Bộ GD&ĐT công bố là phù hợp, thầy Trần Văn Hân, Hiệu trưởng Trường THPT Mỹ Quý, Đồng Tháp cho biết: Để đạt kết quả tốt trong điều kiện rất khó khăn vì dịch bệnh, nhà trường tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp nhằm bảo đảm về điều kiện tổ chức và hiệu quả của dạy học trực tuyến. Đồng thời, triển khai đến giáo viên định hướng của Bộ GD&ĐT trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022:

Nội dung thi nằm trong chương trình giáo dục THPT hiện hành, chủ yếu là lớp 12; không bao gồm các nội dung được tinh giản nhằm phục vụ dạy và học ứng phó Covid-19 mà Bộ GD&ĐT đã công bố. Nhà trường cũng xây dựng kế hoạch dạy học, để khi có điều kiện dạy học trực tiếp tăng cường bồi dưỡng những nội dung kiến thức, chuyên đề mới hoặc nội dung chưa thể triển khai được khi dạy trực tuyến.

Giáo viên xây dựng kế hoạch dạy học với phương pháp, nội dung, kiểm tra, đánh giá phù hợp với hình thức trực tuyến. Từng bước giúp học sinh tiếp cận định hướng đề thi bảo đảm độ phân hóa phù hợp và hạn chế học tủ, học lệch, khuyến khích sáng tạo của thí sinh.

“Trường THPT Mỹ Quý sớm tuyên truyền để phụ huynh và học sinh yên tâm tránh lo lắng về những xáo trộn trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Tuy nhiên, mong rằng, việc xây dựng cấu trúc, định dạng đề thi, đề tham khảo sớm được Bộ GD&ĐT công bố để các nhà trường chủ động định hướng thực hiện và điều chỉnh kịp thời nội dung, hình thức ôn tập.

Đề thi chính thức của các môn cần bảo đảm cấu trúc tương ứng với đề thi tham khảo, vì việc dạy trực tuyến còn khó khăn trong truyền đạt kiến thức, khả năng tiếp thu của học sinh, nếu thay đổi đột ngột, học sinh sẽ không thích ứng được” – thầy Trần Văn Hân nêu kiến nghị.

Để đạt được kết quả tốt trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 trong điều kiện khó khăn vì dịch bệnh, ông Phùng Quốc Lập, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ thông tin: Sở GD&ĐT sẽ tuyên truyền, quán triệt các văn bản, hướng dẫn về tổ chức thi của Bộ GD&ĐT tới cán bộ, giáo viên, cha mẹ học sinh và học sinh kịp thời; tổ chức hội nghị tập huấn cho giáo viên và cán bộ quản lý các trường về công tác ôn thi tốt nghiệp THPT.

Cùng với việc tổ chức xây dựng cấu trúc đề, đề tham khảo trên cơ sở kế thừa những năm trước và nội dung định hướng thi năm 2022 của Bộ GD&ĐT. Sở GD&ĐT cũng sẽ chỉ đạo việc nâng cao dạy học chương trình chính khóa, chú trọng công tác ôn tập cho học sinh.

“Phú Thọ sẽ tổ chức khảo sát học sinh lớp 12 (dự kiến 2 đợt); phân tích đánh giá kết quả khảo sát để có điều chỉnh trong công tác dạy học, ôn tập. Sở GD&ĐT tổ chức kiểm tra việc dạy học, ôn tập; tư vấn cho các trường trong việc tổ chức dạy học, nâng cao kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022” - ông Phùng Quốc Lập chia sẻ.

“Phương án thi là hợp lý, thầy cô đều phấn khởi, yên tâm”, chia sẻ thông tin này, cô Nguyễn Phương Lan, Hiệu trưởng Trường THPT Lục Nam, Bắc Giang, thông tin: Nhà trường đã xây dựng nhiều kịch bản để có thể ứng phó với dịch bệnh. Học sinh đang học trực tiếp, nên thời điểm này, trường tranh thủ để rà soát kiến thức và tích cực hướng dẫn ôn tập, dạy học kiến thức mới, bảo đảm học sinh có kiến thức cơ bản, chắc chắn, chuẩn bị tốt cho kỳ thi sắp tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hệ thống THAAD của Mỹ.

Kích hoạt vụ phóng Oreshnik mới

GD&TĐ - Theo Reuters, lực lượng tên lửa Nga có thể phóng tiếp tên lửa Oreshnik vào Ukraine, sau khi bị Kiev tập kích lãnh thổ bằng ATACMS.

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.