Phương án thi tốt nghiệp từ năm 2025: Trường đại học không rơi vào thế 'bị động'

GD&TĐ - Với những thay đổi dự kiến trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, các trường ĐH sẽ tăng cường đổi mới tuyển sinh và giảm phụ thuộc.

Kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt của Trường Đại học Sư phạm TPHCM năm 2022. Ảnh: Mạnh Tùng
Kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt của Trường Đại học Sư phạm TPHCM năm 2022. Ảnh: Mạnh Tùng

Chủ động với kỳ thi đánh giá năng lực

Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT nhằm lấy ý kiến đóng góp của cơ sở giáo dục và giáo viên trên cả nước. Theo đó, Bộ GD&ĐT dự kiến tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 chung đề, đợt, cho học sinh tự quyết định chọn môn học để dự thi tốt nghiệp trong số các môn học lựa chọn.

ThS Phùng Quán - Trưởng phòng Tổ chức – Hành chính, chuyên gia tuyển sinh Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TPHCM cho rằng, những thay đổi trên không ảnh hưởng nhiều đến công tác tuyển sinh của trường đại học. Bởi các trường hiện sử dụng đa dạng phương thức xét tuyển, không phụ thuộc nhiều vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Trong bối cảnh tự chủ đại học, các trường sẽ đưa ra phương thức phù hợp nhất để chọn người học phù hợp.

Theo kinh nghiệm cá nhân, ThS Phùng Quán cho rằng, cách tuyển sinh dựa vào tổ hợp môn phù hợp với các ngành truyền thống. Tuy nhiên, phương án sử dụng kỳ thi đánh giá năng lực sẽ chiếm ưu thế, phù hợp hơn để tuyển chọn những thí sinh toàn diện. Bởi trong giai đoạn này, cần những người học vừa có kiến thức chuyên môn lẫn hiểu biết xã hội, khả năng học tiếng Anh, tin học. “Thời gian qua, tôi gặp nhiều phụ huynh cho rằng con học Toán, Lý, Hóa ở bậc phổ thông rất giỏi nên khi xét tuyển dễ dàng vào đại học. Song môi trường đại học cần ngoại ngữ, các kỹ năng khác khiến nhiều em theo học không nổi, rơi vào tình trạng đuối sau 1 - 2 năm theo học. Cho nên, học sinh có kiến thức toàn diện sẽ đáp ứng môi trường đại học tốt hơn”, ông Phùng Quán giải thích.

Nhận định của ThS Phùng Quán phản ánh đúng thực tế tuyển sinh ở các trường đại học trong nhiều năm qua khi có xu hướng đa dạng phương thức tuyển sinh, ít phụ thuộc vào kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Với Đại học Quốc gia TPHCM, trung bình 40 - 50% chỉ tiêu mỗi trường đại học thành viên được dành cho phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực. Tỷ trọng này tăng dần qua từng năm.

Chẳng hạn, tại Trường Đại học Bách khoa, có 5 phương thức tuyển sinh cho hơn 5 nghìn chỉ tiêu, trong đó phương thức xét tuyển kết hợp nhiều tiêu chí chiếm tỷ trọng lớn nhất (60 - 90% tổng chỉ tiêu). Phương thức này kết hợp nhiều tiêu chí gồm: Kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM hoặc Đại học Quốc gia Hà Nội (trọng số 75%), Kỳ thi tốt nghiệp THPT (trọng số 20%), quá trình học tập THPT (trọng số 5%) và các tiêu chí khác như thành tích cá nhân, hoạt động xã hội, văn thể mỹ… Có thể thấy, trường không phụ thuộc nhiều vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT trong tuyển sinh.

Hay tại Đại học Kinh tế TPHCM, với hơn 8 nghìn chỉ tiêu tại cơ sở TPHCM và phân hiệu Vĩnh Long, nhà trường sử dụng 6 phương thức xét tuyển. Trong đó, phương thức xét tuyển học sinh giỏi, quá trình học tập theo tổ hợp môn; dựa vào kết quả thi đánh giá năng lực… chiếm 60 - 80% tổng chỉ tiêu tùy chương trình. Phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT chỉ còn lại tỷ lệ khiêm tốn.

Là một trong những trường đại học công bố phương án tuyển sinh đại học dự kiến năm 2024 sớm nhất, Trường Đại học Nha Trang sử dụng 3 phương thức xét tuyển. Trong đó, 2 phương thức có lượng chỉ tiêu lớn nhất là xét tuyển dựa vào điểm đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM và Đại học Quốc gia Hà Nội; xét điểm tổ hợp các môn xét tuyển căn cứ vào học bạ và điểm thi tốt nghiệp THPT. Theo TS Tô Văn Phương - Trưởng phòng Đào tạo đại học, Trường Đại học Nha Trang, tùy theo phương án chính thức của Kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhà trường sẽ có điều chỉnh về tổ hợp môn xét tuyển. “Tuy nhiên, dù phương án thi tốt nghiệp THPT thế nào, trường cũng không bị ảnh hưởng vì có nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau, phù hợp định hướng đào tạo”, ông Tô Văn Phương cho biết.

Kỳ thi đánh giá năng lực năm 2022 do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức. Ảnh: TG

Kỳ thi đánh giá năng lực năm 2022 do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức. Ảnh: TG

Thêm nhiều kỳ thi riêng

ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công Thương TPHCM cho rằng, Kỳ thi tốt nghiệp THPT nên tổ chức theo hướng đơn giản, gọn nhẹ. Ngành Giáo dục sẽ có nhiều thời gian, nguồn lực tập trung cho dạy và học, phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Về việc xét tuyển đại học, nhìn chung, các trường không bị động và phụ thuộc vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Theo ông Phạm Thái Sơn, tùy theo nguồn lực, các trường có thể tổ chức thi đánh giá năng lực riêng hoặc phối hợp với nhau tổ chức thi và dùng chung kết quả; bên cạnh việc sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TPHCM.

Trong giai đoạn 2021 - 2023, có thêm nhiều trường đại học đã tổ chức kỳ thi riêng, ngoài kỳ thi đánh giá năng lực của 2 đại học quốc gia, kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội.

Năm 2023, Trường Đại học Sài Gòn tổ chức kỳ thi đánh giá đầu vào đại học trên máy tính, chia thành 3 đợt thi. Tương tự, Trường Đại học Ngân hàng TPHCM cũng tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực riêng với nội dung bám sát chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, có tính phân loại cao. Đồng thời, Trường Đại học Sài Gòn, Trường Đại học Ngân hàng TPHCM, Trường Đại học Mở TPHCM và Trường Đại học Tài chính - Marketing ký biên bản ghi nhớ hợp tác về việc công nhận và sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá đầu vào đại học trên máy tính trong tuyển sinh của 2 kỳ thi trên. Còn tại Trường Đại học Sư phạm TPHCM, từ năm 2022, kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt được tổ chức nhằm đa dạng hóa các phương thức tuyển sinh, chọn được những thí sinh có năng lực phù hợp với yêu cầu đầu vào của ngành học mang tính đặc thù.

Giải thích về sự cần thiết và lý do tổ chức khi công bố kỳ thi đánh giá riêng, PGS.TS Nguyễn Đức Trung - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TPHCM, cho biết: Kỳ thi tốt nghiệp THPT có mục đích chủ yếu là xét tốt nghiệp THPT. Do đó, các trường đại học cần chủ động phương thức tuyển sinh để lựa chọn người học phù hợp với lĩnh vực, mục tiêu, phương pháp đào tạo của trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

GD&TĐ - Gã thuộc mẫu người hướng ngoại: Ưa bay nhảy, thích gặp gỡ kết giao, trà dư tửu hậu với bạn bè hơn đoàn tụ chuyện trò cùng anh em, cha mẹ, vợ con.