Cũng giống như vết thương cần thời gian để lành, bệnh nhân cần thời gian để thích nghi với tác động về mặt cảm xúc của chấn thương. Một trong những tác động đó có thể là thay đổi về ngoại hình.
Biến chứng về thể chất và tâm lý
Một nghiên cứu đã xác định mối liên hệ giữa chấn thương do bỏng và nguy cơ mắc các rối loạn tâm thần ở những bệnh nhân không có tiền sử tâm thần. Nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu hành chính được trích xuất từ Cơ sở dữ liệu nghiên cứu bảo hiểm y tế Đài Loan (NHIRD) từ năm 2000 - 2013.
Tổng cộng, 10.045 người sống sót sau bỏng đã được so sánh với một nhóm tham chiếu gồm 40.180 bệnh nhân không bị chấn thương do bỏng. Những người này được theo dõi để xác định xem có bất kỳ rối loạn tâm thần nào hay không.
Kết quả cho thấy, những người sống sót sau chấn thương do bỏng có nguy cơ mắc các rối loạn tâm thần mới cao gấp 1,21 lần so với người khác. Các vết thương do bỏng có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc chứng rối loạn tâm thần.
Bỏng là một vấn đề sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng. Ước tính, có 11 triệu ca bỏng mỗi năm, dẫn đến hơn 300 nghìn trường hợp tử vong. Những tiến bộ mới trong điều trị bỏng đã mở đường cho tỷ lệ sống sót cao hơn ở các bệnh nhân.
Tuy nhiên, những người sống sót sau chấn thương bỏng phải trải qua thời gian điều trị và phục hồi kéo dài, cùng với các biến chứng về thể chất cũng như tâm lý. Việc nhập viện kéo dài thường liên quan đến cảm giác căng thẳng gia tăng, mất tự chủ, cô lập xã hội, lo lắng về việc trở lại nơi làm việc và các vấn đề tài chính.
Những tác nhân gây căng thẳng này có thể góp phần gây ra tình trạng sức khỏe tâm thần kém ở những người sống sót sau bỏng.
Mối quan hệ giữa sức khỏe tâm thần kém và chấn thương bỏng đã là chủ đề nghiên cứu trong những năm gần đây. Theo các nhà nghiên cứu, người sống sót sau bỏng thường phải đối mặt với những thách thức về tâm lý, bao gồm trầm cảm, lo lắng, đau khổ về mặt cảm xúc, rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD).
Lấy lại sự tự tin
Giáo sư trợ lý Jeffrey S. Grand - Trường Y khoa Lewis Katz tại Đại học Temple (Mỹ) cho biết, mọi người cần có một số phương pháp để ứng phó với tâm trạng tồi tệ sau khi bị bỏng.
Dù đôi khi có thể khó khăn, nhưng điều rất quan trọng là bệnh nhân phải thoát ra và kết nối với mọi người ngay khi sẵn sàng. Việc tự cô lập có thể khiến bệnh nhân bế tắc về mặt cảm xúc trong khi đang cố gắng chữa lành. Điều đó ngăn cản mọi người thích nghi với cuộc sống bình thường.
GS Jeffrey S. Grand cho biết, bệnh nhân bị bỏng có thể thực hiện một số phương pháp để chuẩn bị cho các tương tác với người khác, đặc biệt là nếu lo lắng về cách họ sẽ phản ứng với những thay đổi về ngoại hình của mình. Trước hết, nạn nhân cần sử dụng lời tự nói tích cực.
Hãy đưa ra những lời khẳng định tích cực về bản thân dưới dạng câu nói ngắn. Thói quen tự nói với bản thân có thể giúp cải thiện sự tự tin và kiểm soát sự lo lắng xung quanh các tình huống xã hội, chẳng hạn như tham dự một buổi gặp mặt đông người.
Mọi người nên điều chỉnh những câu nói theo ý mình. Trong đó, chuyên gia khuyến khích bệnh nhân thử một số câu như: “Tôi mạnh mẽ và kiên cường”; “Tôi có thể làm được điều này”; “Tôi thuộc về nhóm người này”; “Tôi là người tốt”. Bên cạnh đó, hãy luyện tập trả lời các câu hỏi về vết bỏng.
“Những người khác chắc chắn sẽ hỏi về vết bỏng của bạn. Tuy nhiên, ngay cả khi họ không hỏi, việc tự mình nêu ra vấn đề có thể giúp bệnh nhân cảm thấy thoải mái hơn để giảm bớt sự lo lắng. Bạn có thể thấy việc luyện tập sẽ hữu ích”, GS Jeffrey S. Grand chia sẻ.
Ngoài ra, bệnh nhân không cần đi sâu vào chi tiết về vụ tai nạn nếu không muốn, có thể từ chối trả lời câu hỏi về vết bỏng. Thay vào đó, bệnh nhân có thể chọn tập trung vào quá trình hồi phục của mình. Ví dụ, có thể nói điều gì đó như: “Tôi đã gặp tai nạn và bị bỏng, nhưng tôi đã vượt qua được” hoặc “Tôi đang làm rất tốt, cảm ơn bạn”.
Cố gắng tìm cách nói về vết thương sẽ giúp bệnh nhân cảm thấy mạnh mẽ và sẵn sàng tiến về phía trước theo cách tích cực. Vì vậy, khi tập trả lời về phản ứng của mình, hãy chú ý đến cảm giác cá nhân.
Bệnh nhân có cảm thấy mạnh mẽ và kiên cường không? Hay, bệnh nhân cảm thấy thụ động? Bên cạnh đó, GS Jeffrey S. Grand gợi ý, bệnh nhân cũng có thể tập nói về một chủ đề thay đổi cuộc trò chuyện. “Bạn cũng cần biết giới hạn của mình và thoải mái thay đổi chủ đề khi mọi người đặt những câu hỏi không phù hợp, hoặc bạn không muốn trả lời.
Tôi thường gợi ý cho bệnh nhân của mình chuyển hướng cuộc trò chuyện bằng cách hỏi người kia một câu về bản thân họ. Như vậy, họ sẽ không còn tập trung vào bạn nữa”, chuyên gia cho biết.
Bệnh nhân cũng được khuyến khích viết về những lo lắng của mình. Mọi người có thể sử dụng nhật ký để giải quyết những lo lắng xung quanh các hoạt động xã hội cụ thể, chẳng hạn như tham dự một bữa tiệc hoặc buổi hẹn hò sắp tới. Đây là lý do tại sao: Thông thường, nỗi sợ hãi của chúng ta là những suy nghĩ mơ hồ, chưa hoàn thiện. Bằng cách viết về nỗi sợ, chúng ta có thể định nghĩa chúng tốt hơn.
Ví dụ, GS Jeffrey S. Grand gợi ý, mọi người có thể viết: “Tôi sợ rằng tình huống này sẽ xảy ra”. Khi hiểu được nỗi sợ cụ thể của mình, chúng ta sẽ thực sự có thể giải quyết vấn đề xung quanh nó. “Cho đến lúc đó, nỗi sợ hãi của bạn đang lấn át. Tuy nhiên, khi viết ra những từ đó, bạn có thể nhìn vào nỗi sợ hãi đó và nói: ‘Nó có một số tính hợp lý, nhưng tôi có chiến lược để đối phó’. Sau đó, sức mạnh của đám mây sợ hãi mơ hồ đó có thể bắt đầu tan biến”, GS Jeffrey S. Grand chia sẻ.
Một vết bỏng nghiêm trọng, như bất kỳ trải nghiệm đau thương nào khác, có thể gây ảnh hưởng lớn lúc đầu. Tuy nhiên, theo GS Jeffrey S. Grand, chúng ta không thể duy trì trạng thái sốc vô thời hạn. Chúng ta bắt đầu tiến về phía trước, thường là bằng cách học hỏi và điều chỉnh từng chút một.
Ông trích dẫn lời của Viktor Frankl - bác sĩ tâm thần và người sống sót sau thảm sát Holocaust: “Tự do lớn nhất của con người là tự do lựa chọn cách ứng phó với mọi tình huống. Bất kể thế nào, chúng ta đều có sức mạnh - sức mạnh tuyệt vời - để lựa chọn cách chúng ta sẽ ứng phó. Và không ai có thể lấy đi điều đó khỏi chúng ta”.