“Thu - Thi - Tâm - Tuyết - Lan - Phương - Thuận - Thẹp - Chung - Oánh”, đó là tên của 10 nữ dân quân - những “bông hoa thép” đã ngã xuống trên mâm pháo Lam Hạ (Phủ Lý, Hà Nam).
Mảnh đất anh hùng
Nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, nhóm họa sĩ của Tổ chức Trái tim người lính Việt Nam phối hợp với câu lạc bộ Mãi mãi tuổi 20 đã phục dựng thành công ảnh màu chân dung của 10 cô gái Lam Hạ. Dự kiến vào ngày 23/7, những bức ảnh này sẽ được tặng cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.
Nhắc đến Lam Hạ là nhắc tới những ký ức không thể quên về một thời đạn bom khốc liệt trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước. Xã Lam Hạ xưa (nay là phường Lam Hạ) là một trọng điểm giao thông quan trọng trên tuyến đường huyết mạch từ hậu phương miền Bắc chi viện cho tiền tuyến miền Nam, đã trở thành mục tiêu đánh phá ác liệt của kẻ thù.
Để bảo vệ thị xã Phủ Lý và những vùng lân cận, ngày 5/8/1965, Đại đội dân quân phòng không xã Lam Hạ được thành lập gồm 87 người. Họ là những thiếu nữ dân quân đã không sợ gian khó, chiến đấu kiên cường, góp phần bẻ gãy ý đồ của đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc.
Trận địa pháo Lam Hạ năm xưa là tuyến phòng thủ vô cùng quan trọng, giữ cho giao thông thông suốt bởi cây cầu sắt bắc ngang sông Châu và một ga tàu lửa ở giữa thị xã Phủ Lý. Trong những ngày đầu cuộc chiến, các nữ dân quân tuổi đời từ 16 đến 24 của 2 thôn Đình Tràng - Đường Ấm, đã anh dũng chiến đấu và hi sinh ngay trên mâm pháo.
Ở vùng đất Lam Hạ bây giờ, tên tuổi 10 cô gái anh hùng đã trở thành biểu tượng thiêng liêng, là “10 bông hoa thép” bất tử trong lòng người dân.
Thế nhưng có một sự thật rằng, mảnh đất anh hùng Lam Hạ suýt bị lãng quên. Ngay cả ở thời điểm năm 2008, khi thành phố Phủ Lý được thành lập trên cơ sở thị xã cũ, Lam Hạ vẫn vô danh nép mình bên dòng sông Châu, lặng lẽ thu mình sau lũy tre làng tách biệt với đường Quốc lộ 1 ồn ào xe cộ.
Năm 2016, bằng sự khởi xướng, đề xuất của Thiếu tướng Đào Trọng Hùng, nhà văn Đặng Vương Hưng và bà Trần Hồng Dung. Với sự quan tâm đặc biệt của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, nhiều cơ quan tổ chức đã tích cực vào cuộc, tôn vinh sự hi sinh anh dũng của 10 nữ dân quân Lam Hạ.
Trong đó có câu lạc bộ Mãi mãi tuổi 20, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Viện Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc. Cùng sự ủng hộ tích cực của các cơ quan, chính quyền tỉnh Hà Nam, 10 nữ liệt sĩ dân quân Lam Hạ đã được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Cuối năm 2011, sau hơn 2 năm khởi công, đền thờ Liệt sĩ tỉnh Hà Nam được hoàn thành trên nền trận địa pháo cao xạ phòng không năm xưa. Toàn bộ công trình tọa lạc trên diện tích 2,5ha, cùng với khu đền 10 cô gái Lam Hạ đã tạo nên khu tưởng niệm khang trang, trở thành “địa chỉ đỏ” bồi đắp lòng yêu nước và giáo dục lịch sử cho thế hệ trẻ.
Sau 58 năm, vẫn không quên khoảnh khắc ấy!
Nhiều người ví Lam Hạ giống như một Đồng Lộc thứ 2 của Việt Nam. Tuy nhiên, ít ai biết chuyện đời, chuyện chiến đấu gan góc đã diễn ra như thế nào của 10 cô gái Lam Hạ. Trong số đó, có cô mới lấy chồng, lại có cô chưa bao giờ yêu, có cô mới chỉ xuất đội được 2 ngày.
Nguyễn Thị Thi chính là nữ dân quân trẻ nhất, mới 16 tuổi. Khi vừa xuất đội, Thi xin bố mẹ cho gia nhập dân quân du kích. Cô bảo: “Xin bố mẹ đừng lo lắng gì. Chúng con chiến đấu, dù có hi sinh thì để lại cho đất nước hòa bình”. Thế rồi cô bỏ qua tất cả những trò chơi con trẻ để đi cùng chị gái là Nguyễn Thị Thu. Hôm sau, ngày 1/10/1966 bom Mỹ dội xuống trận địa pháo Lam Hạ.
Ông Nguyễn Văn Thăng, anh trai 2 liệt sĩ Thu - Thi kể rằng, sau trận bom đầu, hai em Thu - Thi bơi thuyền về nhà và thông báo dự đoán của đơn vị về việc Mỹ sẽ còn dội bom tiếp. Bà mẹ nghe vậy thì đưa cho mỗi cô một bắp ngô ăn đỡ đói, nhưng hai cô chưa kịp ăn đã chèo thuyền ra trận địa pháo. Lần dội bom thứ 2, hai chị em hi sinh.
Trận dội bom hôm ấy, 6 cô gái Lam Hạ đã ngã xuống. Đám tang được cử hành theo cách giản đơn nhất, không khăn trắng, không vòng hoa, chỉ có những tiếng khóc rả rích giữa tiếng gầm rú của máy bay Mỹ đang oanh tạc trên bầu trời.
Đau thương chưa nguôi, vài tháng sau đế quốc Mỹ tiếp tục dội bom xuống trận địa pháo Lam Hạ hòng tiêu diệt đến người cuối cùng. 4 cô gái còn lại trong đội Quang Trung đã chiến đấu với pháo 37 ly. Nhiều lúc, các cô chưa kịp ngụy trang, chưa kịp thay pháo đã phải dồn đạn bắn tiếp khiến nòng pháo đỏ rực như bễ lò rèn.
Nhưng rồi một quả rocket nhắm trúng pháo của các cô mà lao xuống. Tiếng nổ lớn vang dậy cả góc trời hất văng các cô và khẩu pháo khỏi vị trí. Bà Nguyễn Thị Tình là Trung đội trưởng phụ trách đã chứng kiến tất cả. Bà Tình chia sẻ, cho đến bây giờ, chưa lúc nào bà quên khoảnh khắc anh dũng ấy.
“Nếu không gan dạ thì không ai dám đứng giữa trận địa để điều khiển pháo 37 ly. Lúc ấy, bom đạn trên máy bay vãi xuống như vỏ trấu. Tôi nhìn vào ống kính mà còn cảm giác như có bom rơi trước mặt mình. Các cô gái cuối cùng trong đội du kích Quang Trung đã hi sinh như thế”, bà Tình nhớ lại.
Theo mốc thời gian tính từ năm 1966 đến nay, đã 58 năm trôi qua nhưng người dân Lam Hạ chưa bao giờ quên được cái ngày “máu nhuộm đỏ những mái đầu xanh”, để làm nên một Lam Hạ mãi trường tồn như một huyền thoại.
Theo nhà văn Đặng Vương Hưng, với lòng biết ơn vô hạn và để góp phần tri ân những người đã ngã xuống vì quê hương đất nước, trong đó có những người mẹ, người chị. Tổ chức Trái tim người lính Việt Nam phối hợp với câu lạc bộ Mãi mãi tuổi 20 và một số đơn vị tổ chức giới thiệu di ảnh màu 10 nữ dân quân Lam Hạ. Bên cạnh đó cũng giới thiệu tác phẩm “Nhật ký tình yêu người lính” của liệt sĩ Trần Minh Tiến và trao tặng tủ sách Đặng Thùy Trâm cho một trường học ở Bắc Giang.