Ngày... tháng... năm...

'Phù thủy' billiards

GD&TĐ - Một trong những điều làm nên thương hiệu “phù thủy” của ông chính là lối đánh hoa mĩ cống hiến cho người xem.

'Phù thủy' billiards

Thân gửi ông Efren Reyes!

Cho dù có hâm mộ hay chỉ theo dõi qua bộ môn billiards thì không ai là không biết đến ông. Cháu thì chưa có cơ hội để chơi bộ môn này nhưng từ lâu cháu đã bị cuốn hút bởi những đường cơ không tưởng đậm chất nghệ thuật và khéo léo hay các vận động viên luôn có cho mình một bộ trang phục thật lịch lãm khi thi đấu.

Trong kì SEA Games 31 năm 2021 được tổ chức tại Việt Nam, tin tức “ông lão” 68 tuổi vẫn đại diện cho đội tuyển billiards của Philippines tham gia kì đại hội thể thao lớn nhất khu vực Đông Nam Á đã làm mọi người thích thú xen lẫn ngạc nhiên.

Ông đã không chọn nội dung pool sở trường mà tham gia carom 1 và 3 băng. Tuy không phải là nội dung thế mạnh nhưng người hâm mộ billiards không chỉ ở Đông Nam Á, mà còn trên toàn thế giới vẫn mong muốn được chứng kiến những đường cơ ma thuật từ “phù thủy”.

Cháu khi đấy cũng đã biết đến billiards và có nghe đến tên của ông như là một trong những người xuất sắc nhất ở bộ môn này, nhưng cháu chưa có thời gian để xem lại các video cũ ghi lại khoảnh khắc ông thi đấu.

Thật sự, cháu cứ nghĩ một huyền thoại như ông, đã tung hoành ngang dọc trên khắp những giải đấu danh giá nhất thế giới, khi đến SEA Games, hay được gọi vui là giải “ao làng” thì khi xuất hiện hẳn là sẽ phải thật “sang chảnh”, “bóng bẩy”. Nhưng không, ông xuất hiện thật giản dị tại sân bay và đáp lại tình cảm nồng nhiệt của người hâm mộ một cách nhiệt thành như mọi khi đi thi đấu.

Sau kì SEA Games mà đất nước cháu đã cầm quyền đăng cai, cháu mới có cơ hội được ngồi và tìm hiểu sâu hơn về câu chuyện cuộc đời ông.

Xuất thân từ một khu vực nghèo và thiếu thốn trăm bề tại Philippines, ở một gia đình có 9 người mà ông là con thứ 5, ngay từ lúc lên 5 ông đã lên thủ đô Manila để làm việc kiếm sống.

Ông ơi! Chắc hẳn với một cậu bé 5 tuổi non nớt và nghèo khổ đã phải sớm rời khỏi vòng tay của cha mẹ để kiếm tiền thì thật nhọc nhằn cũng như nguy hiểm phải không ạ. Công việc của ông là sắp xếp trang tại xưởng in truyện tranh và sau đó là tham gia thu dọn bàn billiards tại quán Lucky 13 của chú mình.

Cháu rất thích thú khi ông đã có một tuổi thơ gắn bó với billiards theo đúng nghĩa đen, dọn dẹp xong ông leo ngay trên mặt bàn và ngủ.

Trước khi quán mở cửa cũng như đóng cửa, cậu bé Efren Reyes lại hăng hái luyện tập từng đường cơ. Và khi biết rằng, do quá bé nên ông phải đứng trên cả những thùng carton hay Coca-cola để có thể với tới được bi ở xa để tập bắn thì cháu lại càng khâm phục ông hơn nữa.

Có lẽ được sinh ra và lớn lên ở một đất nước có niềm đam mê cuồng nhiệt với billiards như Philippines cùng việc nhận ra mình có thể kiếm tiền trang trải cho cuộc sống nhờ đường cơ đã giúp ông gắn bó với bộ môn này phải không ạ?

Theo như ông chia sẻ thì khi 11 hay 12 tuổi ông đã kiếm được 100 USD đầu tiên từ niềm đam mê của mình và ngay lập tức gửi 90 USD về cho gia đình. 100 USD thực sự là một số tiền rất lớn kể cả ở thời điểm hiện tại với một học sinh như cháu.

Cháu đã bật cười khi đọc được mẩu tin rằng, vào năm 1999 khi nhận được chiếc cup danh giá “Master of the Table” cùng 25 nghìn USD tiền thưởng ông đã từ chối nhận cup mà chỉ nhét tấm séc vào túi và tuyên bố: “Tôi chơi vì tiền thôi”.

Nhiều người cho rằn, ông đã quá thực dụng qua câu nói ấy nhưng đối với cháu điều này lại khẳng định được mục đích chính của ông khi chơi billiards từ thuở còn bé.

Khác với nhiều người khác, luôn tìm kiếm danh vọng, sự nổi tiếng, ông coi những điều trên thật phù phiếm và đã chơi billiards vì tiền bạc để nuôi sống được chính bản thân cũng như gia đình của mình.

Tuy vậy sau đó, cháu thấy ông cũng đã chia sẻ rằng ngoài tài chính, ông còn muốn tận hưởng trọn vẹn những đường cơ tuyệt diệu của bộ môn billiards. Một trong những điều làm nên thương hiệu “phù thủy” của ông chính là lối đánh hoa mĩ cống hiến cho người xem.

Cháu cũng biết trong một giải đấu “độ” với số tiền khổng lồ, lớn hơn cả giải chuyên nghiệp của thế giới, trong khi các tay cơ khác xử lí một cách thực dụng đến tiêu cực thì ông vẫn thản nhiên thổi hồn vào từng đường cơ giữa những tràng pháo tay nồng nhiệt của khán giả.

Có lẽ, vì vậy người ta luôn bắt gặp một nụ cười thật hồn nhiên luôn thường trực trên môi khi ông thi đấu, không cay cú và hòa mình vào những viên bi trên bàn. Thực dụng nhưng không để cho đồng tiền chi phối mình đó là những gì mà cháu có thể học được từ câu chuyện cuộc sống của ông.

Cháu năm nay mới gần bước sang tuổi 18 và may mắn khi sinh ra và lớn lên ở một điều kiện tốt hơn ông. Cháu vẫn có điều kiện để đến trường thường xuyên và khi tan học có thể về nhà và làm bài tập, không giống như ông đã bắt đầu kiếm tiền giúp gia đình từ năm lên 11, 12.

Cháu rất ngưỡng mộ cách ông dùng tiền của mình khi không bao giờ tỏ ra là mình giàu có mặc dù số tiền kiếm được từ billiards vào khoảng hơn 2 triệu USD.

Ông luôn xuất hiện giản dị tại Philippines với chiếc áo sơ mi hơi nhàu cùng chiếc điện thoại “cục gạch” cổ lỗ, sống trong một ngôi nhà nhỏ truyền thống và luôn hòa đồng với mọi người xung quanh, nhất là trẻ con. Với thế hệ trẻ như chúng cháu, ông sẽ luôn là một hình tượng lớn để có thể phấn đấu, không chỉ trong thể thao, mà còn trong cuộc sống.

Thôi thư cũng dài rồi, cháu dừng bút đây. Cháu kính chúc ông luôn mạnh khỏe và có thêm dịp đến Hà Nội - quê hương của cháu - để trình diễn những đường cơ tuyệt mỹ như tại giải Hanoi Open Pool Championship 2023 vừa rồi. Cháu hy vọng khi đó sẽ được tận mắt chứng kiến “phù thủy” Efren Reyes tiếp tục mang phép màu của mình lan tỏa đến các bàn billiards khắp nơi trên thế giới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ