Mọi điểm mới đều được lưu ý, chuẩn bị kỹ lưỡng
- Một điểm mới trong kỳ thi năm nay là thí sinh tự do, thí sinh học chương trình GDTX được bố trí dự thi chung với thí sinh học chương trình giáo dục THPT. Điều này tăng tính khách quan nhưng cũng nảy sinh khó khăn trong công tác tổ chức. Phú Thọ đã lưu ý như thế nào đến nội dung này?
- Việc cho thí sinh tự do, thí sinh học chương trình GDTX được bố trí dự thi chung với thí sinh học chương trình giáo dục THPT sẽ tăng tính khách quan trong công tác coi thi, tránh được tình trạng những thí sinh tự do, thí sinh học chương trình GDTX ngồi phòng thi riêng thì có nguy cơ vi phạm quy chế.
Tuy nhiên, đúng là với việc sắp xếp như vậy, tại điểm thi có đối tượng học sinh này, phần lớn phòng thi có thí sinh chỉ thi 1 hoặc 2 môn thành phần trong bài thi tổ hợp, vì vậy có khó khăn cho công tác tổ chức như:
Việc phát đề sẽ không liên tục ở một số môn thành phần, dễ nhầm lẫn; quản lý bài thi với những thí sinh ra trước; bố trí phòng chờ cho thí sinh (chờ trước khi thi và chờ sau khi thi); việc hướng dẫn và giám sát các em từ phòng thi đến phòng chờ và cán bộ giám sát cũng phải bố trí khoa học mới tránh được việc mất trật tự, ảnh hưởng đến các thí sinh khác.
Về vấn đề này, Phú Thọ đã rà soát thực tế tất cả các điểm thi có thí sinh tự do, thí sinh học chương trình GDTX, tính theo từng buổi thi để bố trí các phòng chờ thuận lợi cách xa các phòng thi và đủ để cho các thí sinh chờ trong phòng.
Mặt khác, Sở GD&ĐT Phú Thọ tập huấn kỹ cho cán bộ, giáo viên kể cả học sinh về nội dung này; sẽ tăng số lượng giám sát, chọn cử cán bộ, giáo viên có nhiều kinh nghiệm tham gia; đồng thời, tăng số lượng lực lượng công an, bảo vệ (nhất là tại điểm có thí sinh tự do).
Qua kỳ khảo sát chất lượng, Phú Thọ đã thực hiện việc thu bài, việc bố trí học sinh tại phòng chờ để giáo viên, học sinh làm quen trước khi tổ chức kỳ thi.
- Việc lắp camera tại phòng bảo quản đề thi, bài thi ở điểm thi đã được Phú Thọ thực hiện thế nào?
- Chúng tôi cho rằng, nhằm tăng hiệu quả việc giám sát, quản lý, bảo quản đề thi và bài thi thì đây là nhiệm vụ hết sức thiết thực.
Để thực hiện tốt việc này, Sở GD&ĐT Phú Thọ chỉ đạo các nhà trường chọn camera đảm bảo thông số kỹ thuật đáp ứng yêu cầu và lắp đặt chạy thử (thành lập tổ kiểm tra việc lắp đặt, chạy thử). Tất cả các điểm thi đều có máy phát dự phòng để phòng khi mất điện lưới và có người trực (kể cả đêm) để chạy máy phát điện ngay, kịp thời cung cấp nguồn điện.
Đối với yêu cầu, tại phòng bảo quản đề thi, bài thi ở điểm thi cũng có ít nhất 2 người (công an và 1 cán bộ Phó Trưởng điểm hoặc thư ký của trường ĐH phối hợp) làm tăng vai trò giám sát của trường ĐH phối hợp, tránh gian lận, tiêu cực có thể xảy ra.
Để thực hiện nội dung này, Phú Thọ chỉ đạo, rà soát tất cả các điểm thi, ưu tiên chuẩn bị phòng bảo quản đề thi, bài thi đủ rộng, lắp đủ trang thiết bị để công an và cán bộ trường ĐH, CĐ thường trực tại phòng này.
Ông Nguyễn Minh Tường |
Đặc biệt chú trọng nhân sự
- Năm nay, trường ĐH được giao chủ trì chấm bài thi trắc nghiệm, đơn vị sở tại chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, hệ thống máy tính, máy quét ảnh và các thiết bị phụ trợ. Ông có thể chia sẻ cách làm của Phú Thọ?
- Đây là điểm mới của năm nay, nhằm tăng tính khách quan trong việc tổ chức chấm bài trắc nghiệm. Việc chấm bài trắc nghiệm có nhiều khâu có thể diễn ra tiêu cực; nay giao cho trường ĐH chủ trì cùng các trường ĐH, CĐ khác (Phú Thọ có 4 đơn bị về phối hợp). Ngoài ra, còn lực lượng thanh tra cùng giám sát để thực hiện sẽ đảm bảo tính khách quan.
Về vấn đề này, Phú Thọ đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cơ sở vật chất như phòng chấm, tủ bảo quản bài thi và các trang thiết bị phục vụ chấm bài trắc nghiệm; đồng thời cũng lựa chọn máy tính, máy quét... đủ số lượng và chất lượng tốt nhất phục vụ chấm bài trắc nghiệm.
Có thể nói, tất cả các giải pháp đều do con người triển khai thực hiện, vậy để tổ chức tốt kỳ thi phải làm tốt việc công tác quán triệt đầy đủ Quy chế và các văn bản chỉ đạo để cán bộ, giáo viên triển khai; mặt khác phải rà soát lại tất cả các khâu, rà soát đội ngũ và tổ chức học tập nghiệp vụ thi, trên cơ sở đó lựa chọn cán bộ, giáo viên,
giảng viên bố trí vào các công việc cụ thể; đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử ký kịp thời phát hiện thiếu sót (nếu có).
- Ông vừa nói đến yếu tố con người - yếu tố quan trọng quyết định thành công của Kỳ thi THPT quốc gia. Ông có thể chia sẻ chi tiết hơn điều này được quán triệt thực hiện như thế nào tại Hội đồng thi Sở GD&ĐT Phú Thọ?
- Kỳ thi THPT quốc gia 2019, Bộ GD&ĐT đã có những điều chỉnh kỹ thuật trong quy trình tổ chức thi hết sức chặt chẽ, tuy nhiên, Phú Thọ đặc biệt chú trọng đến yếu tố con người trong làm thi.
Chúng tôi chủ động rất sớm trong lựa chọn cán bộ quản lý, giáo viên tham gia làm thi; đưa ra các tiêu chí, điều kiện cụ thể như đảm bảo có năng lực, đạo đức nghề nghiệp và đặc biệt là tinh thần trách nhiệm cao. Phối hợp với công an tỉnh tổ chức phổ biến, quán triệt về Quy chế thi và tập huấn nghiệp vụ làm thi cho đội ngũ cán bộ, giáo viên tham gia làm thi, tách theo từng đối tượng. Đồng thời, phối hợp với các trường: ĐH Thương mại, Học viện Ngoại giao, ĐH Tân Trào, CĐ Sư phạm Trung ương tập huấn cho hơn 700 cán bộ, giảng viên đến làm thi tại Phú Thọ.
Xin nói thêm, đến thời điểm này, Sở GD&ĐT Phú Thọ cũng đã phối hợp với công an tỉnh và lãnh đạo 4 trường ĐH, CĐ đến làm thi tại Phú Thọ thành lập 3 đoàn kiểm tra chuẩn bị các điều kiện ở 36 điểm thi và tại địa điểm chấm thi từ ngày 28/5 - 3/6/2019. Đồng thời, phối hợp với các huyện, công an tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh xây dựng các phương án để đưa thí sinh đi thi nếu xảy ra mưa lớn, lũ, bão, ngập úng và địa hình bị chia cắt, đồng thời chỉ đạo các trường rà soát toàn bộ học sinh có hoàn cảnh khó khăn để hỗ trợ cho các em có chỗ ăn, ở miễn phí trong thời gian thi, không để trường hợp nào vì hoàn cảnh khó khăn mà các em phải bỏ thi.
- Xin cảm ơn ông!