Về phía tỉnh Phú Thọ có các ông: Hoàng Dân Mạc – Bí thư tỉnh ủy, Bùi Minh Châu – Chủ tịch UBND tỉnh, Nguyễn Minh Tường – Giám đốc Sở GD&ĐT cùng lãnh đạo các Sở, ngành của tỉnh.
Tiếp tục dành nguồn lực đầu tư cho giáo dục
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã đánh giá rất cao lãnh đạo tỉnh Phú Thọ trong những năm qua đã dành sự quan tâm chăm lo, đầu tư, phát triển sự nghiệp Giáo dục của tỉnh.
Bộ trưởng đề nghị trong năm học mới và những năm tiếp theo, tỉnh Phú Thọ tiếp tục dành nguồn lực đầu tư, tạo cơ chế để XHH nguồn lực từ xã hội đầu tư cho giáo dục, quan tâm tạo cơ chế chính sách của tỉnh đãi ngộ giáo viên … và những điều kiện khác để GD&ĐT Phú Thọ chuẩn bị các điều kiện cho việc đưa CT-SGK mới vào thực hiện.
Gắn với những nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục, Bộ trưởng đề nghị tỉnh Phủ Thọ tiếp tục rà soát, quy hoạch lại mạng lưới trường lớp học. Hiện Bộ đang xây dựng và chuẩn bị ban hành điều lệ trường liên cấp học ở Phổ thông, do vậy tỉnh cần rà soát lại mạng lưới trường lớp một cách khoa học, đồng bộ với hệ thống hạ tầng giao thông, khu đô thị để tạo được sức bật của giáo dục.
Về đội ngũ giáo viên, đề nghị tỉnh tiếp tục có cơ chế đãi ngộ giáo viên hợp đồng, giáo viên tiếng Anh, giáo viên có hoàn cảnh khó khăn để đáp ứng tốt nhất vị trí việc làm, đáp ứng nhu cầu giảng dạy của các trường Mầm non, Phổ thông.
Trong công tác khuyến học, khuyến tài, Bộ trưởng đánh giá cao tỉnh Phú Thọ phát triển mạnh mẽ phong trào khuyến học, khuyến tài tạo động lực rất lớn cho giáo dục phát triển, nhất là giáo dục mũi nhọn. Bộ trưởng đề nghị: Trong thời gian tới tỉnh tiếp tục phát triển sâu rộng công tác này, dành quỹ học bổng cho công tác khen thưởng, động viên những học sinh đạt giải tỉnh, quốc gia và quốc tế, những học sinh có hoàn cảnh khó khăn biết vươn lên trong học tập… để tạo động lực cho các em phấn đấu, vươn lên.
Với Trường Đại học Hùng Vương, Bộ trưởng đề nghị nhà trường tiếp tục củng cố các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo, có kế hoạch phối hợp với Sở GD&ĐT để đào tạo, đào tạo lại đội ngũ giáo viên cho tỉnh và cho các tỉnh trong vùng.
Tạo cơ chế thu hút đầu tư cho mô hình giáo dục chất lượng cao
Với đề xuất của tỉnh về thực hiện Mô hình chuyển trường công lập sang cơ sở giáo dục do cộng đồng, doanh nghiệp quản lý đầu tư, Bộ trưởng cho biết Bộ đang nghiên cứu cơ chế để chuyển mô hình trường công lập sang dân lập ở bậc học phổ thông; tới đây Nghị định tự chủ ở bậc học phổ thông được ban hành, tỉnh cần nghiên cứu xây dựng Trường THPT Chuyên có chất lượng tốt;
Đồng thời đẩy mạnh XHH giáo dục, khuyến khích đầu tư tư nhân; Với quan điểm là hệ thống công lập chăm lo cho giáo dục cơ bản, khuyến khích các nhà đầu tư tư nhân đầu tư vào trường có chất lượng giáo dục cao; tránh trường hợp trong trường công có khối chất lượng cao, sẽ rất khó quản lý.
Với mô hình trường học thông minh, Bộ trưởng cho rằng đây là hướng đi đúng. Thủ tướng đã ban hành Đề án về CNTT. Việc 20 trường học của tỉnh mong muốn phát triển theo mô hình trường học thông minh phải được thực hiện có lộ trình, gắn với việc đầu tư đồng bộ từ cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên.
Với công tác tập huấn giáo viên, theo Bộ trưởng, hiện Bộ đang xây dựng chương trình tổng thể và chương trình môn học, trong quá trình này có sự tham gia của đội ngũ giáo viên cốt cán các tỉnh để các thầy, cô giáo vừa tham gia xây dựng chương trình vừa nâng cao năng lực cho mình và làm nhân tố cho quá trình tập huấn giáo viên của tỉnh, chuẩn bị cho đổi mới CT-SGK.
Với đề nghị của tỉnh về hỗ trợ, nâng cao năng lực Trường THPT Chuyên Hùng Vương, Bộ trưởng cho biết: trong khả năng nguồn lực của mình, Bộ sẽ có hỗ trợ về thiết bị và nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên. Tới đây Bộ sẽ nhập về một số chương trình nước ngoài cho các trường THPT, vì thế hướng đi của Trường THPT Chuyên Hùng Vương cần theo hướng mô hình giáo dục chất lượng cao, có hội nhập quốc tế.
Tháo gỡ khó khăn để GD&ĐT phát triển vững chắc
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Minh Tường Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh đã nêu bật tình hình thực hiện phát triển sự nghiệp giáo dục, kết quả thực hiện Nghị quyết số 29 của tỉnh. Trong những năm qua, quy mô, mạng lưới trường lớp tiếp tục củng cố và phát triển; chất lượng GD&ĐT được nâng lên, luôn đạt kết quả cao trong các kỳ thi quốc gia, khu vực và quốc tế, nhiều năm nay đã được xếp vào nhóm các tỉnh, thành phố có thành tích giáo dục khá của cả nước;
Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cơ bản đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, trình độ đào tạo được nâng lên, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đào tạo; Cơ sở vật chất, trang thiết bị được cải thiện và từng bước hiện đại; phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được chú trọng; xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh; công tác quản lý giáo dục có nhiều chuyển biến tích cực, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giảng dạy bước đầu phát huy hiệu quả.
Tuy nhiên, Giáo dục Phú Thọ vẫn còn những tồn tại, hạn chế đang là những khó khăn, rào cản để giáo dục tỉnh nhà phát triển; Cụ thể: trang thiết bị dạy học của một số trường mầm non, phổ thông còn thiếu và xuống cấp, đội ngũ giáo viên mầm non còn thiếu nhiều;
Chất lượng dạy và học ngoại ngữ còn nhiều hạn chế. Triển khai dạy học tiếng Anh chương trình mới còn thấp so với Kế hoạch của UBND tỉnh do thiếu giáo viên tiếng Anh đạt chuẩn năng lực theo quy định; Chất lượng đào tạo trong các trường đại học còn hạn chế so với nhu cầu nguồn nhân lực của tỉnh và khu vực; công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS và THPT chưa có kết quả rõ nét…
Chính vì vậy, tại buổi làm việc, tỉnh Phú Thọ đã có những đề xuất, kiến nghị cụ thể với Chính phủ, với Bộ GD&ĐT hỗ trợ tỉnh tháo gỡ khó khăn để tạo đà cho giáo dục phát triển theo hướng vững chắc, tạo nguồn đào tạo nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH của tỉnh.