Khi Cha Ji-won quyết định ném hết đồ trang điểm và cắt tóc ngắn, mẹ cô trêu: "Ôi, giờ tôi có con trai rồi".
Suốt hơn một thập kỷ, bắt đầu từ lúc 12 tuổi, Cha Ji-won đã kỳ công dùng mỹ phẩm, theo đuổi chuẩn đẹp khắt khe thịnh hành trong xã hội Hàn Quốc. Lên trung học, cô dùng phấn nền để làm da sáng lên. Cô học các kỹ năng trang điểm trên Youtube và khi mới chớm đôi mươi, cô chi tới 100.000 won mỗi tháng cho mỹ phẩm. Nhưng khi phong trào nữ quyền được đánh thức ở Hàn Quốc, Cha Ji-won đã chọn vứt hết đồ trang điểm, son, và nhuộm tóc vàng.
"Tôi cảm thấy như mình được hồi sinh. Mỗi ngày, tôi có thêm thật nhiều năng lượng khi không còn phải lo làm sao thật xinh đẹp. Bây giờ, tôi dành thời gian đó để đọc sách và tập luyện", Ji-won nói.
Cô là thành viên trong một phong trào đang phát triển tại Hàn Quốc nhằm chống lại chuẩn đẹp phi thực tế đòi hỏi phải dành nhiều giờ tô vẽ và thực hiện chế độ chăm sóc da gồm 10 bước trở lên cuối mỗi ngày. Nhiều chị em đã kể rằng họ phải mất 2 tiếng trang điểm trước khi đi làm để có vẻ ngoài hoàn hảo, rồi lại tỉ mẩn tẩy da chết, xông mặt trước khi bắt đầu các bước dưỡng tối.
Cha Ji-won trước (ảnh trái) và sau khi cắt tóc, vứt hết đồ trang điêm. |
Theo Theguardian, nhiều phụ nữ ngán ngẩm với thói quen mệt mỏi này đã lên mạng xã hội đăng các video cảnh phá những hộp mỹ phẩm và giơ cao khẩu hiệu "dứt bỏ áo chẽn" - một trong những món trang phục hằng ngày giúp họ định hình cơ thể để có dáng đồng hồ cát.
Xu hướng này nằm trong phong trào chống lại xã hội gia trưởng, cùng sự xuống đường của vô số phụ nữ muốn đòi hỏi công bằng và chống lại các vấn nạn như quay phim trái phép và tấn công tình dục.
Đây là một bước ngoặt thú vị tại Hàn Quốc, một quốc gia tích cực khuếch trương đỉnh cao về phẫu thuật thẩm mỹ - khi có tới một phần ba số phụ nữ trẻ từng trải qua dao kéo và các nhãn hiệu mỹ phẩm phủ khắp thế giới với giá trị ngành này khoảng 12,5 tỷ USD, theo Euromonitor.
"Chúng không còn sức mạnh gì với tôi"
Cha Ji-won hiện dành khoảng 4.000 won mỗi tháng vào mỹ phẩm dưỡng ẩm và dưỡng môi và cô lập một kênh Youtube để nâng cao ý thức về nữ quyền.
Các tiêu chuẩn về vẻ đẹp hoàn mỹ ở Hàn Quốc là hệ quả của một số yếu tố, bao gồm việc khích lệ phụ nữ có làn da trắng, mắt to, sống mũi cao, chân gầy thẳng, môi như trái anh đào, mặt nhỏ và tỷ lệ cơ thể 9-1 (tức chiều dài cơ thể gấp 9 lần gương mặt). Mặc dù mỗi nước có định nghĩa riêng về vẻ đẹp lý tưởng, các tiêu chuẩn kiểu này ở Hàn Quốc đã dẫn tới nét đẹp kiểu "muôn người như một".
Vẻ đẹp ai cũng giống ai của các cô gái Hàn Quốc khi cố trang điểm, phẫu thuật để có vẻ ngoài hoàn hảo. |
Nhưng qua vài tháng vừa rồi, xu hướng này bắt đầu thay đổi, với hàng ngàn chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy sự vùng lên của phụ nữ. Chủ đề xuyên suốt phong trào này là coi chế độ làm đẹp như một dạng lao động mà chỉ phụ nữ phải thực hiện và chẳng bao giờ được trả công.
Trong một video, hai phụ nữ đã đập những hộp màu mắt, phấn nền, má hồng, sơn móng tay vào một tấm vải trắng, tạo thành một bức tranh trừu tượng. "Trước đây tôi xấu hổ nếu ra ngoài mà thiếu những thứ này. Giờ chúng chẳng còn sức mạnh gì với tôi nữa khi quá dễ dàng bị đập bỏ", một trong hai người nói.
Trong một bài đăng khác trên Twitter, một phụ nữ nhấn mạnh: "Tôi không thể tin mình từng trát những thứ này lên mặt".
Mặc dù chưa có thống kê nào xác định việc tụt giảm lượng bán mỹ phẩm, các bằng chứng cho thấy phong trào này đã đánh thằng vào vấn đề cốt lõi.
Theo truyền thông trong nước, một quan chức giấu tên trong ngành bán lẻ mỹ phẩm Hàn Quốc đã lo ngại về xu hướng mới này và lên kế hoạch tập trung đẩy mạnh bán hàng cho nam giới. Một nhân viên đơn vị kinh doanh đồ trang điểm khác cho biết, công ty mình đang e ngại và thậm chí thừa nhận phong trào này có thể ảnh hưởng tới họ.
Chối bỏ đồ trang điểm chỉ là một phần trong chiến dịch chống lại các tiêu chuẩn làm đẹp hiện thời. Một phát thanh viên tin tức ở kênh truyền hình chính thống Hàn đã làm dấy lên cuộc tranh luận gay gắt hồi tháng 5 khi cô trở thành người phụ nữ đầu tiên đeo kính lên sóng.
"Phong trào này không chỉ nhằm thách thức định kiến giới với phụ nữ mà còn thay đổi vị thế phụ thuộc của phụ nữ với đàn ông", Lee Na-Young, một giáo sư nghiên cứu phụ nữ tại Đại học Chung-Ang ở Seoul nói. "Hệ quả là, chúng ta không chỉ thấy sự thay đổi về trang điểm và mỹ phẩm mà cả cách phụ nữ ăn mặc. Những chị em này đang giành lấy tự do, và khi họ đã trải nghiệm điều đó, họ sẽ không quay lại lối cũ", vị này nói.