Phụ nữ có nên dùng thuốc bổ trứng?

GD&TĐ - Mặc dù những thành phần trong thuốc bổ trứng có thể ít nhiều có lợi cho sức khỏe, nhưng không chứng minh điều trị được vô sinh, hiếm muộn.

Khi phụ nữ trên 30 tuổi, trứng cũng 'già đi', dẫn đến bộ máy di truyền dễ bị 'sai lỗi' hơn. Ảnh minh họa
Khi phụ nữ trên 30 tuổi, trứng cũng 'già đi', dẫn đến bộ máy di truyền dễ bị 'sai lỗi' hơn. Ảnh minh họa

Theo các chuyên gia, môi trường sống như rượu, thuốc lá và thuốc kích thích gây tăng các gốc tự do, ảnh hưởng đến sức khỏe của trứng.

Hiệu quả chưa được chứng minh

Gần đây, trên thị trường xuất hiện nhiều loại thuốc được quảng cáo có tác dụng bổ trứng, tốt cho phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, hỗ trợ khả năng thụ thai cho người hiếm muộn, vô sinh. Giá mỗi hộp thuốc dao động trong khoảng 500.000 đến hơn 1 triệu đồng tùy loại.

Bên cạnh đó, khi xã hội phát triển, nhiều phụ nữ có xu hướng trì hoãn việc lập gia đình, sinh con muộn. Đến khi có tuổi khó mang thai, nhiều người tìm mua thuốc bổ trứng, tăng trứng với hy vọng những loại thuốc này sẽ giúp dễ thụ thai.

Tuy nhiên, trao đổi về vấn đề này, bác sĩ Hồ Mạnh Tường, Tổng Thư ký Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TPHCM cho biết, một số thuốc quảng cáo bổ trứng thực chất là thực phẩm chức năng.

Do không phải là thuốc nên không có tác dụng điều trị làm thay đổi buồng trứng, không có tác dụng điều trị hiếm muộn, vô sinh. Nếu thực phẩm chức năng thực sự giúp bổ trứng, mang lại hiệu quả trong điều trị vô sinh thì cơ quan chuyên môn đã khuyến cáo sử dụng.

Mặc dù những thành phần trong thuốc bổ trứng có thể ít nhiều có lợi cho sức khỏe, nhưng không chứng minh điều trị được vô sinh, hiếm muộn mà chỉ tạo hiệu ứng về mặt tâm lý. Tuy nhiên, điều này dẫn tới nhiều hệ lụy.

Song, theo chuyên gia này, người dùng có thể tốn tiền vì thuốc bổ trứng không rẻ do chi phí quảng cáo cao và phải sử dụng lâu dài. Buồng trứng đối mặt nguy cơ ngày càng có chiều hướng tệ hơn, trong thời gian chờ đợi trứng tốt lên thì bệnh nhân vô tình bị mất khoảng thời gian vàng điều trị sớm.

Mới đây, Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã tiếp nhận trường hợp người phụ nữ 30 tuổi, kiêng tiêu thụ tinh bột, chủ yếu ăn rau củ quả trong 10 năm, bị rối loạn kinh nguyệt, suy buồng trứng. Bệnh nhân cho biết chỉ ăn rau củ, hạn chế cơm suốt chục năm để giữ dáng.

Khi bị rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, hai ba tháng mới có kinh nhưng chị chủ quan, không đi khám. Sau kết hôn ba năm nhưng không có con, hai vợ chồng đi kiểm tra. Kết quả là khả năng sinh sản của chồng bình thường, còn chị được chẩn đoán bị buồng trứng đa nang.

Bác sĩ Phan Chí Thành, Chánh Văn phòng Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, người bệnh suy giảm buồng trứng không chỉ làm hạn chế khả năng mang thai, mà còn dẫn đến mãn kinh sớm.

Mãn kinh sớm là do tình trạng 2 buồng trứng hết sạch nang trứng nên không sản xuất được nội tiết tố nữa. Do đó, nồng độ estrogen giảm mạnh gây thiếu hụt estrogen trầm trọng. Phụ nữ mãn kinh sớm sẽ có cơ thể lão hóa như độ tuổi 60 trong cơ thể 30 tuổi. Điều này khiến sức khỏe bị giảm sút, có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch, xương khớp, ung thư…

“Dự trữ buồng trứng được coi như kho tài sản về mặt sinh sản của chị em phụ nữ. Do đó, việc đánh giá và khảo sát dự trữ buồng trứng có ý nghĩa vô cùng quan trọng giúp tư vấn và định hướng cho chị em có kế hoạch tối ưu cho tương lai sinh sản của mình. Nếu những cặp đôi đang có ý định trì hoãn việc sinh con, trước khi quyết định cần đi khám và kiểm tra chỉ số dự trữ buồng trứng. Từ đó, sẽ có lời khuyên chân thành của bác sĩ và quyết định trì hoãn hay không”, bác sĩ Thành khuyến cáo.

Trứng kém chất lượng khi tuổi càng tăng

Theo bác sĩ Trịnh Văn Du, Bệnh viện Bưu Điện, khi còn là bào thai trong bụng mẹ, bé gái có khoảng 6 triệu quả trứng. Đến khi sinh ra, bé gái còn 1 – 2 triệu trứng, số còn lại mất đi.

Các quả trứng này trong trạng thái nghỉ ngơi chờ đợi đến tuổi trưởng thành. Khi dậy thì, cô gái còn lại 300.000 – 400.000 quả trứng và chúng bắt đầu chịu sự tác động hormone sinh dục. Hằng tháng, các quả trứng bắt đầu trưởng thành và chỉ một quả trứng chất lượng tốt nhất rụng xuống, có khả năng thụ thai, còn lại sẽ bị thoái hóa.

Theo chuyên gia này, trứng chỉ mất đi và không sinh ra thêm. Khi phụ nữ trên 30 tuổi, trứng cũng đã tồn tại cùng hàng ấy năm, nên cũng “già đi”, dẫn đến bộ máy di truyền dễ bị “sai lỗi” hơn. Ngoài ra, khi chúng ta còn trẻ, buồng trứng sẽ ưu tiên sử dụng trứng chất lượng tốt trước.

Do đó, càng lớn tuổi thì chỉ còn lại những quả trứng chất lượng kém. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng hiếm muộn, tạo phôi chất lượng kém, sẩy thai, dị tật thai nhi ở phụ nữ lớn tuổi. Trong đó, môi trường sống như rượu, thuốc lá và thuốc kích thích gây tăng các gốc tự do, ảnh hưởng đến sức khỏe của trứng.

Chu kỳ phát triển trứng là 3 tháng. Do đó, cần cải thiện, duy trì đều đặn ít nhất 3 tháng trước khi chuẩn bị mang thai và bước vào quá trình điều trị (bơm tinh trùng, thụ tinh ống nghiệm).

Chia sẻ về các chất tốt cho trứng, bác sĩ Du cho biết, CoQ10 giúp sản xuất năng lượng cung cấp năng lượng cho trứng, cải thiện sự trưởng thành của trứng và chất lượng phôi. Trong khi đó, vitamin D tăng đáp ứng kích thích buồng trứng, cải thiện tỷ lệ đậu thai, giảm nguy cơ sảy thai.

Ngoài ra, chất Inositol giúp điều chỉnh lượng đường trong máu, tăng đáp ứng kích thích buồng trứng, cải thiện chất lượng của cả trứng và phôi, cũng như phù hợp với bệnh nhân mắc hội chứng buồng trứng đa nang. Chất DHEA có tác dụng hỗ trợ chức năng tuyến thượng thận và buồng trứng, cải thiện cả số lượng và chất lượng trứng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trẻ em học từ tấm gương của người lớn, vì vậy chúng ta cần lưu tâm đến phản ứng của chính mình trước những sai lầm và thất bại. (Ảnh: ITN).

Giúp con vượt qua nỗi sợ thất bại

GD&TĐ - Để làm dịu đi sự lo lắng, con cần một danh sách các chiến lược đối phó, và điều quan trọng nhất là con cần sự hỗ trợ của người lớn.