Phụ nữ Afghanistan: Gian nan con đường đại học

GD&TĐ - Giáo dục đại học là khái niệm xa xỉ tại Afghanistan mãi tới năm 2002. Trong giai đoạn Taliban nắm quyền cai trị đất nước từ 1996 đến 2001 (khi bị lật đổ), phụ nữ bị cấm ở mọi cấp học, và chỉ một số ít nữ sinh phải học trong các lớp học bí mật. Cộng với nhiều năm nội chiến và bất ổn trước thời kì Taliban khiến nữ sinh học hết lớp 12 đã là “của hiếm”.

Phụ nữ Afghanistan:  Gian nan con đường đại học

Tỉ lệ nữ sinh viên thấp

Khi cánh cổng trường đại học mở lại với nữ sinh vào năm 2002, trên cả nước chỉ có tổng cộng 1.746 nữ sinh được tuyển, trong đó phần lớn là nữ sinh trở về từ các quốc gia mà họ tị nạn như Pakistan, Iran…

Tỉ lệ nữ sinh vào đại học đã tăng nhanh các năm tiếp theo với mức tăng 156% năm 2003 và 86% năm sau đó, nâng tổng số nữ sinh viên lên khoảng 8.300 vào năm 2004.

Tuy nhiên thời gian tiếp theo, từ năm 2005 – 2014, tỉ lệ tăng rất khiêm tốn trung bình 19%/năm, chủ yếu do thiếu nơi ở cho nữ sinh viên khi 80% nhà trọ dành cho nam sinh. Nhiều gia đình không cho con gái học đại học vì không bảo đảm an toàn nơi ở.

Bộ trưởng Giáo dục Đại học đã phát động một chiến dịch lớn xây nhà nội trú cho nữ sinh viên vào năm 2012. Kết quả là 5 khu nội trú dành cho nữ được xây trong giai đoạn 2013 - 2016 từ ngân sách nhà nước và tài trợ, một số khu nội trú đang tiếp tục được xây dựng.

Tổng số nữ sinh viên đã tăng lên hơn 45.000 trong năm 2016, chiếm 22,8% tổng số sinh viên. Đây được coi là một thành công lớn trong điều kiện quá nhiều khó khăn. Mục tiêu của Bộ Đại học là 25% nữ sinh viên vào năm 2020.

Nhiều trở ngại

Thiếu nữ giảng viên đại học là một nguyên nhân chính gây khó khăn cho việc tuyển sinh nữ sinh viên. Năm 2001, số nữ giảng viên chỉ là con số 0. Đến năm 2016, với sự nỗ lực của Bộ Đại học, tỉ lệ nữ đã chiếm 14% giảng viên đại học và mục tiêu đến năm 2020 là 20%.

Hiện tỉ lệ nữ giảng viên có bằng Thạc sĩ đã tăng từ 22% năm 2008 lên 35% năm 2015 so với 33% đối với nam giới. Không giống như bằng Thạc sĩ có thể được đào tạo ở nhiều trường đại học tại Afghanistan, giảng viên muốn có bằng Tiến sĩ phải ra nước ngoài nghiên cứu.

Tỉ lệ nữ giảng viên có bằng Tiến sĩ chỉ là 1,4% và tỉ lệ này vẫn giữ nguyên từ năm 2008. Tỉ lệ này ở nam giới là 4,1%.

Trong khi xã hội có sự đồng thuận cao về việc cần cải thiện điều kiện an toàn cho nữ sinh viên thì vấn đề này không hề được ưu tiên trong lịch trình làm việc của hầu hết các trường đại học. Chỉ có một số ít trường đang có chính sách quan tâm tới nữ sinh viên. Như Đại học Kabul tăng cường an toàn cho nữ giới vào buổi tối bằng cách “thắp sáng đèn” trong khuôn viên trường.

Một số trường cung cấp phương tiện vận chuyển cho nữ sinh trong khuôn viên trường như ĐH Khost. Hay một số chương trình đặc biệt khuyến khích phụ nữ đăng kí học đại học như tại ĐH Balkh và ĐH Nangarhar. Tại ĐH Kandahar có các khu vực truy cập Internet dành riêng cho nữ giới. ĐH Takhar ban hành bộ quy tắc ứng xử với nữ cho nam sinh viên, trong đó đặc biệt chống quấy rối nữ. Trong năm học 2005 - 2006, kế hoạch chiến lược của 2 trường ĐH (Nangarhar và Kabul) là đưa bình đẳng giới thành mục tiêu.

Định kiến xã hội cũng là rào cản lớn trên con đường đại học của phụ nữ Afghanistan. Số người dân Afghanistan tin tưởng mạnh mẽ rằng phụ nữ cần có cơ hội bình đẳng tiếp nhận GD đã giảm từ 58,5% năm 2006 xuống 37,8% năm 2015 – theo nghiên cứu của Quỹ Châu Á.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ