(GD&TĐ) - Nhiều phụ huynh học sinh do hoàn cảnh gia đình nên phải tìm cho con một ngôi trường gần nhà thuận lợi trong việc đưa rước. Nhưng cũng có không ít người quá kỳ vọng vào con cái và mang tâm lý chọn nơi học tốt nên cứ lao vào vòng xoáy chạy trường. Tuy nhiên không phải ai “chạy” cũng sẽ về tới đích dù có đủ các yếu tố “quen - tiền - quyền - thế”.
Đủ cách “chạy”
Cách đây 3 năm mặc dù có hộ khẩu và sống ở P. Hiệp Bình Chánh, Q. Thủ Đức, TPHCM nhưng vợ chồng anh Nguyễn Tấn P. lại muốn “gửi gắm” cô con gái đầu lòng vào học một trường TH ở ngay giữa quận 1. Tuy nhiên, do thuộc diện trái tuyến nên ngay ở vòng sơ tuyển, hồ sơ của cháu Nguyễn Thu H. đã vị “văng” ra ngoài.
Rút được bài học kinh nghiệm xương máu, ngay sau năm đó vợ chồng anh đã tìm được dịch vụ chạy hộ khẩu theo diện nhập nhờ tại một gia đình người quen trong P. Đa Kao, Q. 1. Chính vì thế năm học này đứa con trai út đã được vào học một trường TH ngay giữa quận trung tâm một cách “thuận buồm xuôi gió”. Đây cũng là “sách lược” của anh Đặng Sĩ D. ngụ ở P. Hiệp Thành, Q. 12 khi tạo mọi cơ hội tốt nhất để cho đứa con gái đầu lòng vào học được trường TH ngay ở P.4, Q. Gò Vấp. Tuy không có hộ khẩu chính thức nhưng “tấm vé” KT3 vừa mới khô mực cũng đã giúp con họ vượt qua được “cửa ải” một cách trót lọt.
Điều đó cho thấy chuyện chạy trường những năm gần đây không phải cứ có tiền là được. Năm nay vợ chồng anh Lê Văn K. - công nhân may ở khu chế xuất công nghiệp xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh muốn cho cậu con trai vào học Trường TH Vĩnh Lộc A nhưng mà không có “cửa” với lý do là hộ khẩu tạm trú ở ấp 1 chứ không phải ấp 6 như theo quy định của nhà trường.
Cô Nguyễn Thị Thu Lan – Hiệu trưởng Trường TH Vĩnh Lộc A trao đổi: “Nhiều năm nay trường phải chịu rất nhiều về áp lực tuyển sinh nhất là lớp 1 đầu cấp. Mặc dù trường chưa tổ chức lớp bán trú nhưng vẫn không đủ chỗ học cho con em trong xã”. Đây thực sự là một bài toán nan giải cho BGH nhà trường vì cả 2 dãy lầu chỉ có 20 phòng học mà trong lúc đó hồ sơ nộp vào học lớp 1 của người dân có năm con số cả 4, 5 trăm. Do không còn cách nào hơn và nghe một số người rỉ tai bày mưu tính kế, anh K. nhờ một người quen trong phường chạy nhập hộ khẩu KT3.
Tuy nhiên sau một tuần chạy mướt mồ hôi “con đường máu” của anh cũng không còn cửa thoát hiểm. Anh K. tiết lộ: “Nếu cách đây 1 tháng chạy hộ khẩu KT3 chi phí chỉ triệu nhưng bây giờ đã nhảy lên 3 triệu”. Mặc dù 2 vợ chồng là công nhân nghèo thu nhập cả nhà chỉ khoảng 5 triệu đồng tháng nhưng vì tương lai con em nên anh cũng đành đâm lao phải theo lao. Thế nhưng theo quy định của nhà trường, hộ khẩu KT3 sau ngày 30/5 không còn giá trị nữa. Vợ chồng anh đành chịu cảnh “tiền mất tật mang”.
Vòng xoáy chạy trường vẫn là cuộc chơi của phụ huynh |
“Chạy” bằng lực học
Con trai chị Đặng Tiểu L. ngụ ở P. An Lạc A, Q. Bình Tân vừa hoàn thành chương trình TH tại Trường TH Minh Đạo, Q5 đang chuẩn bị lên lớp 10. Theo đúng tuyến cháu sẽ được vào học tại Trường THCS Trần Hữu Trang nhưng theo lời khuyên của người cậu, chị tìm cách cho cháu vào học Trường Trung học thực hành của trường Đại học sư phạm TPHCM trên đường An Dương Vương, Q5.
Tuy nhiên, theo chị được biết đây là trường phải thi tuyển hơn nữa trong trường không có cấp THCS nên chị chạy sang cầu cứu tại Trường Thực hành sư phạm của Trường Đại học Sài Gòn trên đường Trần Bình Trọng. Mặc dù biết số tiền chạy có thể lên đến 9 - 10 “chai” (triệu) nhưng chị coi đó là chuyện nhỏ vì cứ cho cậu quý tử vào học được trường “chất lượng cao” là được rồi.
Cũng giống như các năm trước, năm học 2013 – 2014, ngoài hồ sơ đúng tuyến, Trường THCS Trường Chinh, Q. Tân Bình còn tuyển thêm 1 lớp học sinh đầu cấp trái tuyến. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thu Thuỷ - Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Tân Bình cho biết, những hồ sơ trái tuyến thì phải đủ điều kiện học lực đạt hoặc xấp xỉ 20 điểm cho 2 môn Tiếng Việt và Toán. Đó là cách “chạy trường” của anh C. nhà ở P. 13 khi xin cho con vào học Trường TH Nguyễn Đình Chiểu, Q. Bình Thạnh. Dù trái tuyến nhưng điểm của cậu con trai là con số 20 tròn trĩnh và đầy hãnh diện nên vợ chồng anh chẳng mất một đồng xu nào để “chạy” cả.
Như vậy tạo điều kiện cho con em mình học tập tốt có kết quả cao là nhiệm vụ đầu tiên của các bậc làm cha làm mẹ chứ không phải cứ để cho con học sao cũng được tới lúc chuyển cấp lên lớp mới lo chạy trường chạy lớp.
Nguyễn Dung