Sự việc lần này còn nghiêm trọng hơn nữa khi cô giáo đang mang thai và mặc cho cô van xin thảm thiết, nữ phụ huynh vẫn hung hăng "bầu thì bầu, tao đánh cho chết luôn".
Theo lời kể của cô N thì nữ phụ huynh Phan Thị Nghĩa đưa con đến lớp, hỏi cô có đánh con của người này thâm chân không? Dù cô giáo đã trả lời “không đập” nhưng phụ huynh vẫn khẳng định “em đập, em đừng có cãi” rồi xông vào lôi tóc, kéo cô từ ngoài cửa sổ, đấm đá vào bụng và lưng.
Dù cô H. nài nỉ và nói rằng mình đang mang bầu, nhưng bà Nghĩa vẫn nói “bầu thì bầu, tao đánh cho chết luôn”.
Không những thế vị phụ huynh này còn quát lớn: ""Mi có quỳ xuống xin lỗi con tao không?”. Và để bảo vệ đứa con trong bụng của mình, cô giáo đã quỳ xuống xin lỗi.
Đã đến lúc chúng ta phải gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng bạo lực học đường, không còn chỉ là những cuộc ẩu đả giữa học sinh với nhau mà còn chuyển biến theo hướng đáng lo sợ hơn, đó là bạo lực giữa phụ huynh học sinh với giáo viên.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà ông cha ta xưa có câu "Muốn sang thì bắc cầu kiều, muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy", "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư",...
Trước kia, vai trò của người thầy luôn được xã hội tôn trọng, những bậc làm cha, làm mẹ luôn dành sự tôn kính nhất đối với thầy giáo của con em. Chắc chắn chúng ta, những bậc phụ huynh vẫn nhớ hình ảnh chính mình thời thơ ấu đã bị đòn roi, bị phạt quỳ, bị bạo hành.
Nhiều người sẽ nhận ra rằng mình trưởng thành, nên người vì sợ bị la mắng, sợ đòn roi. Bản thân tôi cũng vậy, chúng ta dễ tha thứ cho người giáo viên khi phạt quỳ học sinh trong lớp.
Các bậc phụ huynh thử nghĩ xem, có phải mỗi khi về nhà, các bé thường nghêu ngao hát câu “Lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo, khi đến trường cô giáo như mẹ hiền…”. Ở trường, các cô giáo dục trẻ là thế.
Vậy nhưng, những vị phụ huynh này thì sao? Họ tự cho mình cái quyền xưng “mày - tao”, lăng mạ người dạy dỗ con mình, ép cô giáo phải quỳ. Họ có biết rằng, với việc làm này, cô giáo đau 1 nhưng người gánh chịu hậu quả nặng nề hơn cả chính là con cái họ.
Với việc làm này, họ không lường được rằng chính mình đang reo rắc mầm bạo lực vào đầu con cái mình. Nhà trường là nơi giáo dục nhân cách con người, không phải là chỗ để ai muốn làm gì thì làm.
Hai đối tác có trách nhiệm đồng hành cùng nhau giáo dục đứa trẻ lại quay sang bạo hành, hạ nhục lẫn nhau. Liệu đứa trẻ sẽ nhìn nhận thế nào?
Trong sự việc này, điều đáng buồn hơn còn là việc quyết thực hiện tới cùng hành vi bạo lực, hạ nhục cô giáo tới cùng của nữ phụ huynh. Mặc cho cô giáo nài nỉ vì sợ ảnh hưởng đến thai nhi trong bụng, nữ phụ huynh vẫn hung hăng dọa “bầu thì bầu, tao đánh đến chết” và tiếp tục đánh đập, trong đó có đánh vào vùng bụng nạn nhân.
Về hành vi của bà Nghĩa, trên báo Lao Động, luật sư Luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Đoàn Luật sư Nghệ An) phân tích, căn cứ điểm e, khoản 1, Điều 134 Bộ Luật hình sự 2015, chỉ cần kết quả giám định có phần trăm thương tích, là đủ căn cứ khởi tố vụ án hình sự. Đó là hành vi cố ý gây thương tích, tổn hại sức khỏe đối với: “Người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ”.
Về hành vi bà Nghĩa buộc cô giáo phải quỳ gối xin lỗi, LS Tuấn cho hay, có thể xem xét về tội danh “Làm nhục người khác”. Ngoài ra, hành vi bà Nghĩa xông vào lớp học, to tiếng rồi đánh cô giáo, cũng cần xem xét về hành vi “Gây rối trật tự công cộng”.
Đã đến lúc phải gióng lên tiếng chuông báo động, ngăn chặn tình trạng phụ huynh hành xử thô bạo, đánh đập, xúc phạm thân thể, danh dự, nhân phẩm, nghề nghiệp của thầy cô giáo.
Chỉ trong thời gian ngắn, các vụ bạo hành giáo viên ngay trong nhà trường liên tục xảy ra với mức độ nghiêm trọng ngày càng tăng.
Pháp luật phải nghiêm khắc, có những bản án thích đáng đối với những phụ huynh có hành động thô bạo đối với thầy cô giáo để răn đe và để làm gương. Truyền thống mất đi là điều không thể sám hối!