Hiện tại, Sở GD&ĐT Hà Nội chưa công bố số lượng môn thi của Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024-2025. Việc chưa rõ môn thi cộng với tỉ lệ chọi vào lớp 10 rất cao đang khiến cho nhiều phụ huynh có con chuẩn bị tham gia kỳ thi thấp thỏm.
Chị Nguyễn Thị Hương - phụ huynh có gái con đang học lớp 9 tại quận Hà Đông cho biết, gia đình vẫn đang động viên cháu cố gắng học đều các môn. Lực học của con thuộc tốp khá của lớp nhưng chị vẫn lo con bị trượt suất trường công. Để chắc chân, chị đã chủ động đăng ký dự tuyển cho con vào Trường THPT Lê Lợi - Hà Đông.
"Qua nắm bắt thông tin từ website nhà trường và tư vấn từ các thầy cô, tôi quyết định đăng ký dự tuyển vào lớp 10 cho con vào đây. Mức phí ban đầu phải đóng chỉ là 200.000 đồng kèm học bạ THCS, giấy khai sinh. Nếu sau này cháu đủ điều kiện đỗ vào trường là cái tốt, còn không thì sẽ chờ ở các nguyện vọng sau", chị Hương nói.
Thầy Lê Xuân Trung - Hiệu trưởng Trường THPT Lê Lợi, quận Hà Đông. |
Thầy Lê Xuân Trung - Hiệu trưởng Trường THPT Lê Lợi nhấn mạnh, nhà trường luôn tuân thủ nghiêm túc chỉ đạo của Sở GD&ĐT về công tác tuyển sinh. Trường đã đạt tiêu chí trường chất lượng cao nên ngày càng có nhiều phụ huynh đăng ký cho con theo học. Năm nay, trường dành từ 75 - 80% chỉ tiêu theo kết quả học tập từ lớp 6 - lớp 8 và học kỳ 1 của lớp 9.
Chị Phạm Thị Lan (trú tại quận Thanh Xuân) cũng vừa đăng ký cho con vào lớp 10 trường tư thục trên địa bàn. Cả phí hồ sơ và lệ phí xét tuyển là 15 triệu đồng, chị Lan cũng sẵn sàng đầu tư để mua lấy sự yên tâm cho cậu con trai đang học lớp 9 của mình. Sau này nếu không theo học tại trường, khoản cọc 15 triệu đồng này sẽ không được trả lại.
Nữ phụ huynh này mong muốn, lãnh đạo thành phố cần sớm công bố phương án tổ chức thi vào lớp 10 để học sinh, phụ huynh khỏi hoang mang. Áp lực của một kỳ thi được ví như "nóng" hơn cả thi đại học khiến người làm cha làm mẹ vô cùng lo lắng.
Phụ huynh tới nộp hồ sơ dự tuyển vào Trường THPT Lê Lợi, Hà Đông. |
Nhiều năm nay, các trường THPT ngoài công lập và trường công lập tự chủ có thể chủ động xây dựng phương thức tuyển sinh với nhiều lựa chọn. Họ có thể tuyển sinh theo điểm thi của kỳ thi chung toàn thành phố, xét học bạ, kết hợp cả hai hình thức để tuyển sinh. Chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm vẫn do Sở GD&ĐT thành phố phê duyệt.
Tuy nhiên, một số trường THPT ngoài công lập hiện nay yêu cầu ngoài khoản phí mua hồ sơ, phụ huynh phải nộp thêm phí đặt cọc giữ chỗ có thể từ vài triệu đồng đến hàng chục triệu đồng. Điều này sẽ giúp các trường này tuyển sinh được thuận lợi, giảm lượng hồ sơ ảo và lựa chọn được những học sinh có nhu cầu thực sự.
"Nếu không ghi danh, đặt chỗ, sau khi thành phố tổ chức kỳ thi và công bố kết quả, các trường tuyển sinh sớm đã chốt hồ sơ thì phụ huynh khó có cơ hội tiếp tục đăng ký học cho con. Do đó, thà rằng đầu tư một khoản phí nhất định để cho con có chỗ học trong bối cảnh học sinh thì đông, trường thì ít", anh Nguyễn Văn Hiệp, trú quận Đống Đa bày tỏ.
Hiện nhiều trường đã công bố phương án tuyển sinh và mở cửa cho phụ huynh nộp hồ sơ. Trong đó, Trường phổ thông liên cấp Archimedes Academy cơ sở Đông Anh có mức phí đặt cọc 23 triệu đồng, học phí trường này là 8 triệu đồng/ tháng/học sinh; Trường Hà Nội Academy (Tây Hồ) có mức phí đặt cọc là 20 triệu đồng, học phí 15 triệu đồng/tháng/em…
Năm học 2024-2025, Hà Nội có gần 135.000 học sinh tốt nghiệp THCS và thi tuyển vào lớp 10 THPT, tăng hơn 5.000 em so với năm trước. Toàn thành phố hiện có 237 trường THPT, trong đó có 121 trường THPT công lập, hơn 100 trường THPT ngoài công lập. Tỉ lệ học sinh học trường công lập hàng năm chỉ chiếm khoảng 60% khiến cả học sinh, phụ huynh cảm thấy áp lực.
Bình luận