Phụ huynh cũng cần được hướng nghiệp

GD&TĐ - Là cha mẹ, ai cũng mong muốn giúp con chọn được một nghề nghiệp, một ngành học phù hợp và hứa hẹn tương lai tốt đẹp. Kỳ thi THPT quốc gia đang đến gần, đây là thời điểm quan trọng trong việc lựa chọn ngành nghề cho con. 

Phụ huynh cũng cần được hướng nghiệp

Nhưng làm sao để biết đâu là ngành phù hợp cho con? Làm sao để biết nghề cha mẹ muốn có phải là nghề con sẽ thành công và cảm thấy hạnh phúc lâu bền hay không là băn khoăn của nhiều gia đình.

Chọn nghề theo cha mẹ

Hội Tâm lý - giáo dục TPHCM đã từng điều tra trên khoảng 1.000 hộ gia đình, kết quả 90% cha mẹ phát hiện sai năng khiếu, thiên hướng bẩm sinh của trẻ.

Thực tế, sai lầm lớn nhất của cha mẹ khi chọn trường cho con là chỉ quan tâm chọn cho con trường tốt nhất, giảng viên tốt nhất, môi trường tốt nhất, việc con chọn ngành gì không quan trọng. Cha mẹ thường khuyên con chọn ngành hot, nghề hot để học mà không tìm hiểu kỹ về ngành học con chọn có khó khăn, thuận lợi gì; không tìm hiểu xem con mình có hợp với ngành học không... Chính từ sự hiểu biết chưa thấu đáo đó, nhiều cha mẹ đã tư vấn sai, hoặc tạo áp lực thúc ép con phải học ngành không phù hợp với tố chất. Chọn sai ngành, tất yếu sẽ dẫn đến việc con chán nản, không có động lực học tập, thành tích đi xuống.

Lâu nay, công tác hướng nghiệp thường tập trung vào đối tượng học sinh mà bỏ quên đi vai trò của các bậc phụ huynh. Họ cũng cần được hướng nghiệp chuyên sâu và đầy đủ để thay đổi quan niệm cởi mở hơn khi tư vấn chọn nghề cho con. Có trường hợp, bản thân phụ huynh do thiếu kiến thức hướng nghiệp hoặc dùng quan điểm cá nhân chủ quan đã tạo áp lực lên con cái trước ngưỡng cửa vào đời.

Làm sao chọn đúng nghề cho con?

Cha mẹ nào cũng thương con, nhưng không thể vì thế mà quyết định nghề nghiệp tương lai của con theo ý muốn của mình. Chọn sai nghề là một sự hoài phí khó lấy lại được.

Theo TS Phạm Mạnh Hà, Phó trưởng Khoa Công tác thanh niên, Học viện Thanh Thiếu niên Việt Nam, khi con chọn đúng ngành mình yêu thích, con sẽ phát huy tối đa được thế mạnh của bản thân, có thái độ học tập tích cực, dành thời gian tìm hiểu và nghiên cứu về lĩnh vực đó, có động lực mạnh mẽ để vượt qua những khó khăn trong nghề, tinh thần vui vẻ, hạnh phúc.

Cha mẹ cần quan tâm đến con để khám phá tố chất nổi trội của con, biết rõ các hình mẫu nghề nghiệp phù hợp với con, cũng như với năng lực học tập của con. Điều quan trọng là nắm vững phương pháp hướng nghiệp khoa học để vạch ra kế hoạch hành động, đạt được mục tiêu nghề nghiệp.

TS Phạm Mạnh Hà ví chọn nghề cho con cũng giống như chiếc áo mà bố mẹ dành cho mỗi bạn trẻ. Tuy nhiên, nếu chiếc áo quá rộng hoặc quá chật, dù có cố mặc, các em sẽ không thoải mái. Bố mẹ có thể hỗ trợ việc làm hay các điều kiện khác khi mỗi người mới bước vào đời, nhưng công việc lại gắn liền với chúng ta cả cuộc đời phía sau. Nếu các em phải làm công việc mình không thích thì rõ ràng, bản thân sẽ không thể gặt hái nhiều thành công.

Cha mẹ luôn muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho con, họ cũng là người hiểu nhất về con em mình. Nếu công việc gia đình định hướng xuất phát từ năng lực, sở thích thì đây có thể là sự lựa chọn tốt nhất. Tuy nhiên, nếu định hướng đi ngược lại khả năng của bản thân, các em hãy cẩn thận. Trong tình huống này, TS Phạm Mạnh Hà khuyên các bạn trẻ nên tìm hiểu kĩ công việc mà mình sẽ lựa chọn, sau đó tư vấn ngược trở lại với gia đình để tìm được sự ủng hộ của mọi người.

TS Phạm Mạnh Hà nhấn mạnh: “Sự thành công không bao giờ đến ngay khi các em vừa có được việc làm mà chỉ đến sau khi đã tích lũy đủ kinh nghiệm và kĩ năng. Vì vậy, nếu chọn công việc theo ý của gia đình, chúng ta khởi điểm đã có việc làm, nhưng thành công trong lĩnh vực đó hay không là điều không chắc chắn”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ