Tháng 9/1989, tôi làm hồ sơ vào biên chế, đến ngày 1/12/1991 tôi nhận quyết định của UBND huyện về việc xếp lương cho cán bộ, công nhân viên, hưởng lương mới từ ngày 1/9/1991. Căn cứ vào Nghị định số: 54/2011/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư liên tịch số: 68/2011/TTLT - BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH và Thông tư liên tịch số: 29/2015/TTLT - BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH, thời điểm tính hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo của tôi từ ngày 1/9/1991 có không đúng? Tổng các thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo của tôi đến ngày 1/9/2018 là ở mức bao nhiêu phần trăm? Nguyễn Thanh Nhã (nhannguyen***@gmail.com)
Trả lời: Thời điểm bạn được vào biên chế là khi nào, bạn cần hỏi Phòng Nội vụ để được giải đáp thỏa đáng. Theo Nghị định số: 54/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 của Chính phủ quy định: Nhà giáo đang giảng dạy, giáo dục ở các cơ sở GD công lập và các học viện, trường, trung tâm làm nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng thuộc cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội đã được chuyển, xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ được hưởng phụ cấp thâm niên.
Theo đó, nhà giáo có thời gian giảng dạy, giáo dục đủ 5 năm thì được tính hưởng phụ cấp thâm niên. Thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên là: Thời gian giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục; Thời gian hưởng phụ cấp thâm niên ở các ngành nghề khác được cộng dồn với thời gian quy định tại điểm a khoản này để tính hưởng phụ cấp thâm niên.
Thời gian tập sự, thử việc hoặc thời gian hợp đồng làm việc lần đầu; Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương liên tục từ 1 tháng trở lên sẽ không tính hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo.
Như vậy, căn cứ vào quy định nêu trên và theo thư bạn viết, nếu bạn có quyết định hết tập sự và chính thức vào biên chế kể từ ngày 1/9/1991 thì phụ cấp thâm niên nhà giáo của bạn cũng được tính từ thời điểm này.
Mọi ý kiến thắc mắc về chế độ chính sách đối với nhà giáo, bạn đọc gửi về chuyên mục: Hộp thư bạn đọc - Báo Giáo dục & Thời đại: 29B, Ngô Quyền (Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Email: bandocgdtd@gmail.com.