Phụ cấp thâm niên dùng để tính đóng bảo hiểm thất nghiệp

GD&TĐ - Hỏi: Chúng tôi là những giáo viên ở An Giang, trực tiếp tham gia giảng dạy và có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được hơn 10 năm. 

Phụ cấp thâm niên dùng để tính đóng bảo hiểm thất nghiệp

Vậy chúng tôi có phải đóng bảo hiểm thất nghiệp không? Phụ Cấp thâm niên của chúng tôi có phải trừ % bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp không? - Thái Thị Hải (thaihai***@gmail.com)

* Trả lời:

Ngày 12/12/2008 Chính phủ ban hành Nghị định số: 127/2008/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm thất nghiệp.

Theo đó, tại Khoản d, Điều 2 Nghị định này quy định: Người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo Khoản 3 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội như sau: 

"Lao động hợp đồng làm việc không xác định thời hạn, kể cả những người được tuyển dụng vào làm việc tại các đơn vị sự nghiệp của nhà nước trước ngày Nghị định số 116/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong các đơn vị sự nghiệp Nhà nước".

Còn tại Điều 3, Nghị định số 54/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 của Chính phủ về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo có quy định về mức phụ cấp như sau:

“Nhà giáo đủ 5 năm (60 tháng) giảng dạy, giáo dục được tính hưởng mức phụ cấp thâm niên bằng 5% của mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có); từ các năm sau trở đi, phụ cấp thâm niên mỗi năm được tính thêm 1%.

Phụ cấp thâm niên được tính trả cùng kỳ lương hàng tháng và được dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp”.

Như vậy, căn cứ vào các quy định nêu trên, trường hợp của các bạn phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp và phụ cấp thâm niên được tính trả cùng kỳ lương hàng tháng và được dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ