Phong trào sư phạm phê phán

GD&TĐ - Giáo dục là cột trụ thiết yếu nhất của xã hội mọi thời đại song, không phải lúc nào nó cũng tiến bộ.

Kiểu giảng dạy 'cô đọc trò chép' là nguyên nhân dẫn đến sự hình thành của phong trào sư phạm phê phán. Ảnh: Thecollector.com
Kiểu giảng dạy 'cô đọc trò chép' là nguyên nhân dẫn đến sự hình thành của phong trào sư phạm phê phán. Ảnh: Thecollector.com

Giáo dục là cột trụ thiết yếu nhất của xã hội mọi thời đại song, không phải lúc nào nó cũng tiến bộ. Sau thời kỳ cách mạng công nghiệp, giáo dục thậm chí còn không khác gì công cụ rập khuôn tư duy, ép học sinh phải thành những lao động không suy nghĩ.

Phản “cô đọc trò chép”

Có một mối quan hệ vô cùng mật thiết giữa giáo dục và triết học. Mọi triết gia đều từng đề cập đến vấn đề giáo dục ít nhất một lần. Những triết gia nổi tiếng như Socrates (470 - 399 TCN, Hy Lạp), Plato (427 hay 424 - 347 TCN, Hy Lạp), Kant (1724 - 1804, Đức), Schopenhauer (1788 - 1860, Ba Lan)… còn đồng thời là các nhà sư phạm.

Từ thời cổ đại, giáo dục đã hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức, khơi dậy sự sáng tạo. Tuy nhiên, kể từ khi trở thành phương tiện giảng dạy chính quy áp dụng lên toàn dân sau cách mạng công nghiệp (thế kỷ XVIII - XIX), giáo dục đột ngột cắt tính chất mở.

Giáo viên trở thành những “robot chuyên bộ môn”, chỉ ra rả giảng dạy những gì được giao trong phạm vi chuyên ngành, còn học sinh thì là những người tiếp nhận thụ động. Các em không được khuyến khích tư duy sáng tạo, đổi mới, phản biện, mà bị ép phải thuộc lòng cũng như chỉ áp dụng theo những gì được dạy.

Mục đích của giáo dục thời đại này rất rõ ràng là đào tạo ra những lao động hiệu suất nhất. Về mặt kinh tế, nó cực kỳ hữu ích nhưng về mặt nhận thức, nó đóng khung tư duy. Nói như nhà giáo dục Paulo Freire (1921 - 1997, Brazil) thì đây là kiểu giảng dạy “cô đọc, trò chép”, không quan tâm đến suy nghĩ, trình độ của học sinh mà chỉ cố kiết nhồi nhét kiến thức.

Chẳng bao lâu sau khi chào đời, “cô đọc, trò chép” đã bị các triết gia phê phán. Trường phái đầu tiên đứng ra chống lại phương pháp giáo dục này là Trường Frankfurt được thành lập năm 1923 bởi triết gia người Đức, Carl Grunberg (1861 – 1940). Nó tập hợp đông đảo các nhà triết học, nhà lý thuyết học chán ghét tư bản và xem “cô đọc, trò chép” như phương tiện thống trị, tẩy não của giai cấp này.

Năm 1937, triết gia Mark Horkheimer (1895 - 1947), thành viên của Trường Frankfurt tung ra ấn phẩm Lý thuyết Truyền thống và Phê phán (Traditional and Critical Theory), mở đầu cho lý thuyết phê phán. Ông thiết lập mục đích trọng yếu của phê phán là nâng cao nhận thức, giải phóng trí tuệ con người.

Lập tức, giáo dục vốn đang bị ngộp thở bởi “cô đọc, trò chép” nắm lấy “sợi rơm Horkheimer”, khởi động phong trào sư phạm phê phán, hướng tới phát triển mô hình giáo dục mới.

Nhà tiên phong giáo dục phê phán Paulo Freire (1921 - 1997). Ảnh: Thecollector.com

Nhà tiên phong giáo dục phê phán Paulo Freire (1921 - 1997). Ảnh: Thecollector.com

Những nhà tiên phong

Mặc dù, triết gia Horkheimer là nhân vật khơi dậy ý tưởng cho phong trào sư phạm phê phán, nhưng người tiên phong áp dụng nó vào giáo dục là “bộ óc sư phạm vĩ đại nhất” - Paulo Freire.

Lớn lên trong hoàn cảnh cực kỳ nghèo túng và bị chính quyền địa phương lạm dụng, Freire sớm nhận thức được sự áp đặt cũng như tác hại của “cô đọc, trò chép”. Năm 1963, ông chứng minh bằng cách dạy 300 công nhân mù chữ biết chữ chỉ trong vòng 45 ngày.

“Con người có tiềm năng và khả năng thay đổi bản thân cũng như thế giới xung quanh theo chiều hướng tốt đẹp hơn”, Freire tuyên bố. Và, theo ông, để khơi dậy tiềm năng này cần “một nền giáo dục mang tính giải phóng” chứ không phải kiểu giảng dạy nhồi nhét như giáo dục chính quy đương thời.

Mô hình giáo dục lý tưởng mà Freire đề xuất là khuyến khích, thúc đẩy học sinh theo đuổi tự khám phá, phát hiện, hoàn thiện bản thân, tư duy phản biện và nhận thức xã hội.

Ông giới thiệu cuốn sách sẽ trở thành nền tảng cho giáo dục tương lai, Giáo dục của người bị áp bức (Pedagogy of the Oppressed), phân tích cặn kẽ nguồn gốc, khuyết điểm của “cô đọc, trò chép” và khơi gợi giáo dục mở.

Sau Freire, hàng loạt các triết gia, nhà giáo ủng hộ và phổ biến sư phạm phê phán. Người đáng chú ý nhất có lẽ là học giả người Mỹ, Henry Giroux (1943), tác giả của cuốn sách Trường học và cuộc đấu tranh cho đời sống công cộng (Schooling and the Struggle for Public Life).

Ông lên tiếng chỉ trích “cô đọc, trò chép” nặng nề và nói “trường học nên là nơi của những học sinh biết tư duy phản biện chứ không phải một đám vẹt máy móc lặp lại những nội dung giống nhau”.

“Học sinh, sinh viên phải được khuyến khích để vượt qua cả thầy cô, các lớp người đi trước và tin tưởng bản thân có quyền mang lại những thay đổi cho xã hội”, Giroux khẳng định. Cách tiếp cận mang tính cách mạng của ông khiến nền giáo dục Mỹ và cả toàn cầu như bừng tỉnh, đến nay vẫn còn học theo.

Tiếp bước Giroux là Peter McLaren (1948), nhà xã hội học người Canada. McLaren từng tham gia các cuộc biểu tình phản đối chiến tranh ở Việt Nam, làm việc với các nhóm cách mạng tích cực như Quân đội Giải phóng Dân tộc Zapatista ở Mexico và MST ở Brazil, giảng dạy nhiều năm ở các vùng trẻ em bị thiệt thòi của Canada…

Chủ đề được McLaren tập trung nhiều nhất là sự phản kháng thường nhật và chủ nghĩa đa văn hóa. Theo ông, giáo dục không chỉ là hình thức phản kháng quan trọng nhất của con người trước sự áp bức của các cơ cấu quyền lực trong xã hội, mà còn là phương tiện để con người thấu hiểu lẫn nhau.

Các nền văn hóa khác nhau sẽ xung đột với nhau nhưng, nhờ vào sự hiểu biết được tích lũy từ giáo dục, con người có thể giải quyết xung đột, “gạn đục khơi trong” và xóa bỏ những “vẩn đục” như tư tưởng phân biệt chủng tộc, bài ngoại…

Nếu đánh giá thì McLaren chính là thành viên thú vị nhất của phong trào sư phạm phê phán. Các trải nghiệm cuộc sống phong phú và ấn tượng của ông là nền tảng cho các phân tích, đề xuất mới mẻ, khiến người khác phải ngưỡng mộ, đồng tình.

Nhờ Trường Frankfurt và các nhà tiên phong của phong trào sư phạm phê phán, giáo dục được giải phóng triệt để và ngày càng sáng tạo hơn. Giờ đây, nó đa dạng phương pháp và hiệu quả hơn bất cứ giai đoạn nào trước đó trong lịch sử. Trên tất cả, đây mới chỉ là khởi đầu chứ không phải kết thúc.

Nhân loại vẫn còn chặng đường dài phía trước mà ở đó, dưới sự hỗ trợ của tư duy phản biện, hệ thống giáo dục sẽ ngày càng hoàn thiện hơn, tốt đẹp hơn, thúc đẩy con người vươn lên, sáng tạo, đổi mới trong mọi lĩnh vực.

Theo Thecollector

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.