Phòng gym miễn phí giúp người bệnh phục hồi sức khoẻ

GD&TĐ - Gần 30 năm mở phòng tập phục hồi miễn phí cho người bị tai biến, ông Dũng không thể nhớ mình đã giúp bao nhiêu bệnh nhân khỏe mạnh.

Ông Trần Văn Dũng tập phục hồi cho người tai biến.
Ông Trần Văn Dũng tập phục hồi cho người tai biến.

Gần 30 năm qua, ông Trần Văn Dũng (63 tuổi, TP Đà Nẵng) đã mở phòng tập gym miễn phí để giúp những người không may gặp vấn đề về cột sống, tai biến, tiểu đường, tai nạn… hồi phục sức khoẻ.

Phòng tập của sự sẻ chia

Ông Trần Văn Dũng - chủ phòng tập gym phục hồi sức khỏe miễn phí cho người tai biến trên đường Ngô Gia Tự (TP Đà Nẵng) từng là trưởng bộ môn kiêm HLV trưởng đội tuyển thể dục thể hình TP Đà Nẵng.

Năm 1995, trong một lần thăm người bạn bị tai biến, thấy bạn đi lại khó khăn ông Dũng nảy sinh ý tưởng mở phòng tập gym để trợ giúp cho người bị tai biến phục hồi sức khoẻ và chức năng vận động.

Nói là làm, ông bắt tay vào mở phòng gym, sau đó ông vừa làm công tác huấn luyện ở đội tuyển thể dục thể hình TP Đà Nẵng vừa làm HLV trợ giúp các học viên nơi phòng tập.

Thời điểm năm 2022, khi nhận sổ hưu, ông không lựa chọn cuộc sống nghỉ ngơi, an nhàn bên gia đình, con cháu mà chuyên tâm tập trung chăm lo phòng tập gym mà ông đã tâm huyết gây dựng lên.

Ông Dũng cho hay, sở dĩ ông mở trung tâm bởi vì trước đây ông có thời gian tập võ tại chùa và may mắn được một sư thầy chỉ dạy những phương pháp chữa bệnh bằng cách tập vận động.

Nên khi có ý tưởng, ông liền đem kiến thức mà mình đã học được mở một phòng tập với hy vọng giúp người bệnh có thể từng bước đi lại, vượt qua khó khăn bệnh tật.

“Những bệnh nhân đến phòng tập đều là những người bị tai biến để lại di chứng lớn, thậm chí có người khi tìm đến tôi hỗ trợ bị liệt nửa người. Đặt mình trong hoàn cảnh của những người bị tai biến, mới thấu hiểu được sự đau đớn và nỗi cô độc của người bệnh”, ông Dũng tâm sự.

Chính vì thấu hiểu nỗi đau đớn, khó khăn đó, hằng ngày từ 5 giờ 30 phút đến 20 giờ 30 phút, ông Dũng đã tận tình hướng dẫn hàng chục người bệnh và đồng hành trong suốt quá trình hỗ trợ phục hồi cho họ.

“Khác với việc tập luyện cho vận động viên, việc tập luyện cho người bị di chứng sau tai biến khó hơn nhiều. Trước hết phải tập giãn gân giãn cốt, tập luyện cử động tay chân linh hoạt và tăng dần mức độ phức tạp. Tùy vào cơ địa và mức độ nặng nhẹ của mỗi người, tôi sẽ có bài tập riêng”, ông Dũng chia sẻ.

Được người thân giới thiệu, sau 4 năm chăm chỉ tập luyện phục hồi, đến nay ông Đặng Dũng (60 tuổi, TP Đà Nẵng) đã có thể đi lại bình thường thậm chí có thể tự đạp xe.

Ông Đặng Dũng bị tai biến mạch máu não, bị di chứng liệt vận động. Dù đã điều trị ở nhiều bệnh viện nhưng bệnh chỉ cải thiện chút ít. Sau 4 năm nghiêm túc và kiên trì thực hiện theo phương pháp ông Dũng chỉ dẫn, sức khỏe ông Đặng Dũng đã tốt hơn nhiều.

“Vui nhất là chân tay cử động tốt, tôi có thể tự mình đạp xe. Nếu không có ông Dũng điều trị cho, không biết bây giờ tôi còn đi đứng khỏe khoắn như thế này được không?”, ông Đặng Dũng bộc bạch.

Nhiều người đến điều trị thấy hiệu quả nên truyền miệng với nhau. Đến nay, số lượng người đến điều trị tại phòng gym của ông Dũng lên đến gần 30 học viên mỗi ngày.

Với ông Dũng, dù phải đôn đáo hướng dẫn và điều trị cho vài chục bệnh nhân mỗi ngày nhưng ông cảm thấy rất vui, bởi ông biết người bệnh đã chịu quá nhiều khó khăn, bệnh tật hành hạ, chỉ cần sức khỏe được cải thiện là tinh thần họ sẽ phấn chấn, lạc quan hơn.

Ông Dũng tâm sự: “Tập phục hồi đòi hỏi quá trình điều trị lâu dài, mỗi người bệnh cần có sự kiên trì. Vì vậy tôi luôn tìm cách tạo không khí vui vẻ, động viên để mọi người có động lực đến phòng tập thường xuyên. Có những trường hợp người bệnh không đi được thì tôi chạy xe đến tận nhà để hỗ trợ miễn phí”.

Nhìn ông Dũng hướng dẫn tận tình cho bệnh nhân, chúng tôi thấy được quyết tâm trên khuôn mặt của người bệnh, quyết không đầu hàng với số phận.

Phòng gym của ông Dũng bây giờ không chỉ là nơi giúp đỡ những bệnh nhân đặc biệt mà còn là không gian hội tụ để mọi người gặp gỡ chia sẻ, động viên nhau trong những vấn đề cuộc sống. Nhờ phòng tập, rất nhiều người bệnh đã tìm được những người bạn thân thiết, cùng nhau cố gắng và tiến bộ.

Phòng gym mien phi giup nguoi benh phuc hoi suc khoe (1).JPG
Ông Dũng thuê mặt bằng trong khuôn viên cũ của sân vận động Chi Lăng để xây dựng phòng gym.

Người truyền cảm hứng

Gần 30 năm mở phòng tập phục hồi miễn phí cho người bị tai biến, ông Dũng không thể nhớ mình đã giúp bao nhiêu bệnh nhân khỏe mạnh.

Từng là một bệnh nhân bị tai nạn, nhờ sự hỗ trợ của bác sĩ và những bài tập của ông Dũng, giờ đây ông Nguyễn Văn Hậu (50 tuổi, TP Đà Nẵng) đã hoàn toàn bình phục và có thể đi lại được. Thấu hiểu và cảm thông với những người có cùng cảnh ngộ, ông Hậu quyết định ở lại phòng gym vừa tiếp tục tập luyện, vừa giúp đỡ những người kém may mắn.

Ông Hậu kể, ban đầu đến đây ông không tin mình có thể phục hồi, nhưng sau một thời gian ông tin tưởng hơn vì thấy sức khỏe được cải thiện rõ rệt. “Sau khi bị tai nạn vỡ bánh chè đầu gối và phải trải qua 2 lần mổ, tôi phải ngồi xe lăn. Năm 2019, được người thân giới thiệu tôi bắt đầu tập luyện tại phòng gym, bây giờ đã đi lại bình thường”, ông Hậu phấn khởi cho hay.

Phòng gym mien phi giup nguoi benh phuc hoi suc khoe (3).JPG
Ông Nguyễn Văn Hậu vừa hướng dẫn, vừa động viên người bệnh.

Vừa hướng dẫn, ông Hậu vừa động viên tinh thần người bệnh. Hiểu rõ tập phục hồi là quá trình dài đầy gian nan, ông Hậu đã không ngần ngại truyền dạy những điều ông học được trong quá trình phục hồi của mình để giúp đỡ các bệnh nhân khác.

“Ngày trước, ông Dũng tận tâm hướng dẫn tôi tập luyện, gần 4 năm nay tôi dùng những kiến thức tôi nhận được để giúp đỡ cho người khác. Ông Dũng là tấm gương, là người truyền cảm hứng để tôi quyết định ở lại giúp đỡ những người đồng bệnh”, ông Hậu chia sẻ.

Tại địa chỉ này, những con người xa lạ dần trở nên thân thiết, họ giúp nhau thoát khỏi sự đau đớn của căn bệnh mang lại. Tiếng nói cười rộn ràng khắp căn phòng, sự quan tâm, những lời động viên của ông Dũng cũng như những người đã hồi phục là nguồn động lực giúp người bệnh khác kiên trì và quyết tâm tập luyện.

Sau một ngày hỗ trợ người bệnh luyện tập, ông Dũng bộc bạch rằng: “Tiếng nói cười rộn ràng trong những giây phút nghỉ ngơi, lời hỏi thăm sức khỏe và động viên nhau để cùng tiến bộ là liều thuốc quý giá, giúp những người bệnh có thêm động lực vượt qua khó khăn. Cùng với đó là niềm khích lệ cho tôi có thể cống hiến nhiều hơn, giúp đỡ cộng đồng nhiều hơn”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.