Phòng dịch Covid-19: Vắc-xin vẫn hữu hiệu nhất

GD&TĐ - Có thể nói, vắc-xin phòng Covid-19 được nghiên cứu, sản xuất và đưa vào sử dụng nhanh nhất, rộng rãi nhất trong lịch sử y học của nhân loại.

Phòng dịch Covid-19: Vắc-xin vẫn hữu hiệu nhất

Mặc dù ra đời trong một thời gian rất ngắn sau khi đại dịch Covid-19 hoành hành, nhưng tất cả các tiêu chí về mặt khoa học vẫn được bảo đảm ở mức tốt nhất.

Cho đến nay, biện pháp phòng chống Covid-19 hữu hiệu nhất vẫn là tiêm vắc-xin, đồng thời với việc nâng cao ý thức phòng bệnh của mọi người.

Phân loại vắc-xin phòng dịch Covid-19

Để chế tạo ra một loại vắc-xin phòng bệnh Covid-19, các nhà nghiên cứu có nhiều cách thiết kế ra chúng. Nhìn chung có 4 loại hình thiết kế hay 4 nhóm công nghệ chính để sản xuất vắc-xin sau đây:

1. Vắc-xin virus toàn phần (Whole virus): Loại này sử dụng toàn bộ virus nhưng làm cho bất hoạt. Các loại vắc-xin như Vero Cell, Hayat-Vax, Sinopharm của Trung Quốc được sản xuất theo công nghệ này.

2. Vắc-xin tiểu đơn vị protein (Protein subunit): Loại vắc-xin này chỉ sử dụng một phần nhỏ con virus hoặc phân đoạn của protein thay vì sử dụng toàn bộ con virus. Vắc-xin Novavax (Mỹ), Abdala (Cuba) sản xuất theo công nghệ này.

3. Vắc-xin mã di truyền (Nucleic acid - DNA và Mrna): Loại vắc-xin này chỉ sử dụng một đoạn mã di truyền mRNA hoặc DNA để cung cấp cho các tế bào hướng dẫn tạo ra kháng nguyên. Vắc-xin Pfizer và Moderna do Mỹ sản xuất theo công nghệ này.

4. Vắc-xin vector virus (Viral vector): Công nghệ sản xuất vắc-xin loại này là sử dụng một loại virus an toàn. Nó khác với loại virus mà vắc-xin đang nhắm mục tiêu để đưa những chỉ dẫn tạo miễn dịch cho tế bào cơ thể. Tiêu biểu cho nhóm này là AstraZeneca và Sputnik V.

Các loại vắc-xin phòng bệnh Covid-19 lưu hành

Ở Việt Nam, cho đến thời điểm này có 8 loại vắc-xin đã được Bộ Y tế cấp phép sử dụng. Bao gồm: AstraZeneca (Anh - cấp phép ngày 1/2/2021); Sputnik V (Nga - cấp phép ngày 23/3/2021); Janssen (Johnson & Johnson) (Bỉ & Hà Lan -  cấp phép ngày 15/7/2021);  Moderna (Mỹ - cấp phép ngày 28/6/2021); Pfizer (Mỹ - cấp phép ngày 16/6/2021); Vero Cell (Trung Quốc - cấp phép ngày 3/6/2021); Hayat-Vax (Trung Quốc - cấp phép ngày 10/9/2021); Abdala (Cuba- cấp phép ngày 17/9/2021).

Số mũi tiêm và khoảng cách tiêm vắc-xin an toàn

1. AstraZeneca: Cần 2 mũi tiêm, cách nhau 8 - 12 tuần.

2. Sputnik V: Cần 2 mũi tiêm, cách nhau 3 tuần.

3. Janssen: Chỉ cần một mũi tiêm duy nhất.

4. Moderna: Cần tiêm 2 mũi tiêm cách nhau 4 tuần.

5. Pfizer: Cần 2 mũi tiêm, cách nhau 3 - 4 tuần.

6. Vero Cell: Cần tiêm 2 mũi, cách nhau 3 - 4 tuần.

7. Hayat-Vax: Cần tiêm 2 mũi, cách nhau 3 - 4 tuần.

8. Abdala: Cần tiêm 3 mũi và mũi tiêm này cách mũi tiêm kia 2 tuần.

Nhìn chung, số mũi tiêm cần thực hiện để đạt được miễn dịch hiệu quả và khoảng cách thời gian giữa các mũi tiêm phụ thuộc vào quy định của nhà sản xuất. Hiện, đại đa số các quốc gia chỉ tiêm phổ biến cho người từ 18 tuổi trở lên.

Hiệu quả và vấn đề tiêm nhắc lại

Phòng dịch Covid-19: Vắc-xin vẫn hữu hiệu nhất ảnh 1

Sau khi đưa vắc-xin vào cơ thể, điều đó không có nghĩa là ngay lập tức cơ thể có được sự miễn dịch chống lại tác nhân gây bệnh. Khả năng miễn dịch chỉ có thể đạt ở một mức độ nào đó nhờ có một khoảng thời gian nhất định để cơ thể “tập luyện”.

Đối với các loại vắc-xin phòng bệnh Covid hiện nay, khoảng thời gian để mũi tiêm thứ nhất “có ý nghĩa” là sau 14 ngày. Người đã được tiêm mũi thứ nhất nếu mắc bệnh Covid ở thời điểm mũi tiêm thứ nhất bắt đầu “có ý nghĩa” thì các biểu hiện bệnh cũng nhẹ hơn và nguy cơ chuyển nặng hay tử vong cũng thấp hơn người chưa được tiêm rất nhiều.

Mũi tiêm thứ hai hoặc thứ 3 sau đó nhằm củng cố và tăng cường tác dụng của mũi tiêm trước qua việc kích thích hệ thống miễn dịch của cơ thể sản xuất ngày càng nhiều hơn kháng thể chống lại tác nhân gây bệnh đã được vắc-xin chủng ngừa hướng đến.

Sau khi nhận được đủ số mũi tiêm có hiệu quả: 1, 2 hoặc 3 mũi tiêm tùy loại vắc-xin (đa số các loại vắc-xin hiện nay là 2 mũi tiêm), vấn đề tiêm mũi nhắc lại chưa được khuyến cáo một cách rộng rãi do tình hình khan hiếm vắc-xin hiện nay trên toàn thế giới.

Lưu ý quan trọng: Với các loại vắc-xin tiêm 2 mũi, các nhà sản xuất và các chuyên gia khuyến cáo người tiêm vắc-xin mũi 2, cần đúng thời gian quy định là tốt nhất, không nên tiêm liều thứ 2 sớm hơn quy định, vì sẽ không tạo miễn dịch tốt.

Trong trường hợp không thể tiêm đúng thời hạn vì lý do nào đó thì thời điểm tiêm mũi 2 có thể chậm hơn. Với các loại vắc-xin có thời gian quy định tiêm mũi thứ hai của nhà sản xuất là cách 4 tuần, thì thời gian chấp nhận sự trễ hạn tiêm tốt nhất không được quá 6 tuần (tức 42 ngày) và thời gian thực hiện tiêm mũi 2 trễ hạn trước ngày thứ 42 càng sớm càng tốt.

Với loại vắc-xin tiêm 3 mũi, khoảng cách tối đa giữa 2 mũi tiêm hiện chưa có thông tin đánh giá. Cho nên tốt nhất vẫn là theo đúng quy định của nhà sản xuất. Hoặc cùng lắm là chậm 1 vài ngày hay tối đa là 1 - 2 tuần mà thôi.

Cách tiêm kết hợp vắc-xin

Theo khuyến cáo của các nhà sản xuất vắc-xin và các chuyên gia phòng chống bệnh tật, để cho an toàn nhất và tốt nhất thì lần trước tiêm loại vắc-xin nào thì lần sau tiêm lại đúng loại vắc-xin đó.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do, việc tiêm kết hợp các loại vắc-xin được cân nhắc và được quyết định bởi cơ quan chuyên môn có thẩm quyền cao nhất tại quốc gia đó.

Tiêm kết hợp vắc-xin nghĩa là mũi thứ nhất tiêm loại vắc-xin này, mũi thứ hai tiêm loại vắc-xin khác. Điều đáng lưu ý là không phải “cặp đôi” loại vắc-xin nào với nhau để tạo thành một “cặp đôi hoàn hảo” cũng được.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO/OMS) đến nay vẫn khuyến cáo việc tiêm kết hợp vắc-xin phòng Covid-19 cần thận trọng tại các quốc gia, vì chưa đủ số liệu khoa học tin cậy. Tuy nhiên, để đạt được sự tin cậy thì một số quốc gia đã tiến hành thực hiện việc tiêm kết hợp này. Sau đây là công thức các loại vắc-xin tiêm kết hợp tại một số nước:

- Mỹ: Mũi 1 là Pfizer và mũi 2 là Moderna. Khoảng cách giữa 2 mũi tiêm là 28 ngày.

- Nga: Mũi 1 là AstraZeneca (Anh) và mũi 2 là Sputnik V hoặc mũi 1 là Sputnik V và mũi 2 là một vắc-xin Covid-19 khác của Trung Quốc.

- Thái Lan: Mũi 1 là Sinovac (Trung Quốc) và mũi 2 là AstraZeneca (Anh). Khoảng cách giữa 2 mũi tiêm là 28 ngày.

- Singapore: Mũi 1 là Pfizer hay Moderna (Mỹ), nhưng nếu bị dị ứng thì mũi 2 sẽ là Sinovac (Trung Quốc). Nhưng cần thêm mũi 3 cũng là Sinovac.

- Cuba: Mũi 1 là Sinopharm (Trung Quốc) và mũi 2 là vắc-xin nội địa Soberana Plus.

- Hàn Quốc: Mũi 1 là AstraZeneca (Anh) và mũi 2 là Pfizer (Mỹ).

- Argentina: Mũi 1 là Sputnik V (Nga) và mũi 2 là Moderna (Mỹ) hoặc AstraZeneca (Anh)

- Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha và Thụy Điển: Mũi 1 là AstraZeneca (Anh) và mũi 2 là một vắc-xin Covid-19 khác.

- Belarus, Azerbaijan và UAE: Mũi 1 là AstraZeneca và mũi 2 là Sputnik V (Nga).

- Việt Nam: Ngày 8/9/2021, Bộ Y tế đã đưa ra khuyến cáo: Trong trường hợp bất khả kháng, không có đủ cùng loại vắc-xin cho cả 2 mũi tiêm, nếu mũi 1 là AstraZeneca, mũi 2 là Pfizer; nếu mũi 1 là Moderna, mũi 2 là Pfizer và ngược lại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ