Ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội chủ trì Hội thảo. Tham dự có đại diện Bộ GD&ĐT, Bộ Công an, lãnh đạo Cục Trẻ em, Bộ LĐ,TB&XH, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
Báo cáo tại Hội thảo, ông Bùi Văn Linh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) cho biết: Trong thời gian vừa qua, Đảng, Nhà nước, Quốc hội đặc biệt quan tâm đến giáo dục, đào tạo; xem giáo dục là quốc sách hàng đầu.
Bộ GD&ĐT và các bộ, ngành, địa phương đã cùng nỗ lực, chung tay để triển khai thực hiện sự nghiệp giáo dục, đào tạo và chăm sóc, bảo vệ thế hệ trẻ; nhất là công tác giáo dục toàn diện, xây dựng trường học an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng, chống bạo lực học đường trong các cơ sở giáo dục; trong đó đã chú trọng công tác phòng, chống vi phạm pháp luật, phòng, chống xâm hại trẻ em trong trường học.
Bộ GD&ĐT đã chủ trì, phối hợp tham mưu Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành và ban hành theo thẩm quyền đầy đủ, kịp thời hệ thống văn bản pháp luật nhằm phòng chống tội phạm và xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng, chống bạo lực học đường; gồm 15 Nghị định, Đề án và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; nhiều Thông tư, Chỉ thị, Quyết định cá biệt, văn bản chỉ đạo của Bộ trưởng.
Ngay sau khi Luật Trẻ em có hiệu lực, Nghị định số 56/2017/NĐ-CP hướng dẫn một số điều của Luật Trẻ em, Nghị định số 80/2017/NĐ-CP quy định môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng chống bạo lực học đường được ban hành, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện, tuyên truyền, phổ biến đến toàn bộ CBQL giáo dục các cấp, giáo viên, nhân viên, người lao động, học sinh và gia đình người học.
Bộ GD&ĐT đã tổ chức sinh hoạt chuyên đề đối với toàn bộ lãnh đạo Bộ và các vụ, cục thuộc Bộ về quy định môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; Tổ chức tuyên truyền trên Cổng thông tin điện tử của Bộ GDĐT, trên Báo Giáo dục và Thời đại về các quy định của pháp luật liên quan đến quyền của trẻ em, công tác xây dựng và bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường.
Tổ chức các hội nghị, hội thảo, tập huấn về công tác an ninh trật tự, phòng chống bạo lực học đường, triển khai công tác tư vấn tâm lý học đường, công tác xã hội trường học, xây dựng văn hóa học đường, quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học, công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh.
Bộ GD&ĐT đã tiến hành hoạt động thanh tra, kiểm tra tại nhiều địa phương về triển khai công tác xây dựng an toàn trường học, phòng, chống bạo lực học đường, phòng, chống xâm hại trẻ em. Chỉ đạo các nhà trường triển khai công tác Ban Đại diện cha mẹ học sinh, công tác phối hợp các lực lượng để bảo vệ, giáo dục trẻ em. Các nhà trường tổ chức các buổi nói chuyện, tuyên truyền kiến thức pháp luật về phòng chống xâm hại, xâm hại tình dục trẻ em, đến gia đình người học thông qua các buổi họp phụ huynh...
Phát biểu tại Hội thảo, ông Phan Thanh Bình cho rằng, không thể phủ nhận vai trò của công nghệ số đối với đời sống trẻ em, khi đã mang lại cho trẻ em cơ hội học tập, giáo dục tốt hơn. Dẫu vậy, vẫn cần quan tâm đến những nguy cơ, rủi ro với trẻ em.
Ông Phan Thanh Bình cho rằng, các cơ quan chức năng, tổ chức đoàn thể và mỗi gia đình cần ý thức sâu sắc về 6 hình thức xâm hại trẻ em thể hiện trên môi trường mạng trong Luật Trẻ em năm 2016, để chủ động có biện pháp ngăn ngừa những ảnh hưởng tiêu cực trong khi vẫn khai thác tiện ích thiết thực của môi trường mạng với trẻ em; đồng thời, cần quan tâm nâng cao năng lực thực hiện bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng cho các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và cộng đồng (bao gồm cả kiến thức, kỹ năng về công nghệ thông tin và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng).