Phòng chống HIV/AIDS: Vẫn còn khoảng trống

GD&TĐ - Theo đánh giá của Chương trình phối hợp của Liên Hiệp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS), các mục tiêu 90-90-90 trên phạm vi toàn cầu đang được thúc đẩy mạnh mẽ. 

Phòng chống HIV/AIDS: Vẫn còn khoảng trống

Nhờ được phát hiện sớm, tư vấn và điều trị kịp thời, nhiều sinh mạng đã được cứu sống. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh chưa được kiểm soát bền vững như hiện nay, các chuyên gia dịch tễ cho rằng, thế giới cũng như Việt Nam vẫn cần nỗ lực nhiều hơn nữa.

Số người mắc mới giảm nhưng chậm

Báo cáo mới của UNAIDS cho thấy, trên toàn thế giới số nhiễm HIV mới đang giảm dần, nhưng nếu với tốc độ này thì không đủ để đạt được mục tiêu toàn cầu đến năm 2020 về giảm số nhiễm mới. Việt Nam cũng đang ở trong tình thế tương tự. Số nhiễm HIV mới ở Việt Nam đã giảm từ 28.000 ca mỗi năm vào đầu thập niên 2000 xuống còn khoảng 11.000 ca vào năm 2016.

Còn theo số liệu của Bộ Y tế, tính tháng 6/2017, cả nước có hơn 220.000 người nhiễm HIV. Số người nhiễm mới được phát hiện trong nửa đầu năm nay khoảng 3.546 ca, số tử vong khoảng 641 ca. So với cùng kỳ năm 2016, số nhiễm HIV mới giảm 11%.

Trong số người nhiễm HIV phát hiện mới, tỷ lệ lây qua đường tình dục chiếm 48%, qua đường máu là 33%, mẹ sang con là 3%. Như vậy đường tình dục vẫn đang là con đường lây truyền phổ biến nhất hiện nay. Điều này cũng cảnh báo dịch HIV đang lây lan ra cộng đồng, cảnh báo dịch HIV ở Việt Nam ngày càng trở nên khó kiểm soát

Một vấn đề khác nữa cần quan tâm là trong khi tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm người nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm có xu hướng giảm dần trong những năm gần đây thì tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam có quan hệ tình dục đồng giới tăng liên tục từ năm 2013 trở lại đây. Tỷ lệ này là 7,36% theo nguồn giám sát trọng điểm năm 2016.

Nhìn tổng thể, số người nhiễm HIV mới ở nước ta đang giảm dần. Tuy nhiên, tốc độ giảm không cao. Mặt khác, trong 63 tỉnh, thành thì có tới 20 địa phương phát hiện HIV tăng so với cùng kỳ năm 2016, đặc biệt là các tỉnh, thành như Hà Nội, Tây Ninh, Yên Bái, Tiền Giang, Kiên Giang, TPHCM và Phú Thọ. Riêng Hà Nội và TPHCM có số nhiễm HIV mới phát hiện chiếm 25% tổng số người nhiễm HIV mới phát hiện trong cả nước.

Những tỉnh còn lại sau khi triển khai mạnh các hoạt động tư vấn xét nghiệm HIV thì số mới nhiễm HIV được phát hiện vẫn gia tăng. Điều này cho thấy, HIV vẫn đang tiềm ẩn trong cộng đồng, nếu chúng ta không đầu tư và làm tốt công tác truyền thông, tư vấn xét nghiệm sẽ dẫn đến ảo tưởng dịch HIV đã được khống chế.

Lấp đầy những thiếu hụt

Theo Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) Nguyễn Hoàng Long, hiện các cơ sở đã điều trị thuốc ARV cho 119.555 bệnh nhân (66% trong số này có bảo hiểm y tế). Việc mở rộng điều trị bằng ARV tại trạm y tế để bệnh nhân dễ dàng tiếp cận giúp gần 8.000 bệnh nhân nhận thuốc ARV tại địa phương. Hiện ngành y tế đang mở rộng triển khai xét nghiệm tải lượng virus như một xét nghiệm thường quy.

Mặc dù Việt Nam đã nỗ lực rất nhiều để phân cấp điều trị HIV xuống các tuyến cơ sở, cải thiện việc kết nối người bệnh từ xét nghiệm sang điều trị và cho phép điều trị ngay không phụ thuộc vào CD4 cho mọi người nhiễm HIV, nhưng trong số 70% người nhiễm HIV ở Việt Nam đã biết tình trạng nhiễm của bản thân vẫn còn đến một phần ba chưa tham gia điều trị.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó thiếu kinh phí là rào cản lớn khiến người bệnh không thể tự mua bảo hiểm y tế chứ chưa nói đến tự mua thuốc điều trị. Tính trung bình, cả nước mới có khoảng 40% người nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm y tế.

Điều này đồng nghĩa với việc khi thuốc điều trị HIV/AIDS bị các tổ chức viện trợ cắt giảm hoàn toàn thì lượng bệnh nhân đang dùng thuốc cũng sụt giảm theo. Hơn nữa, kỳ thị và phân biệt đối xử vẫn còn là một trong những rào cản chính ngăn tiếp cận đến các dịch vụ phòng chống HIV và tiếp tục làm suy yếu ứng phó của quốc gia với dịch HIV.

Các biện pháp dự phòng lây nhiễm như bơm kim tiêm, bao cao su cũng mới chỉ đáp ứng được chừng 30% nhu cầu và nay lại tiếp tục giảm do nguồn viện trợ quốc tế cắt giảm. Dịch vụ dự phòng và chăm sóc HIV/AIDS ở miền núi, vùng sâu, xa còn rất hạn chế…

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, dịch HIV/AIDS ở nước ta đang có xu hướng giảm nhưng chưa đảm bảo tính bền vững, còn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát nếu không tiếp tục triển khai những biện pháp can thiệp mạnh mẽ và hiệu quả.

Đó là việc mở rộng nhanh chóng hơn nữa các can thiệp dự phòng đã chứng minh có hiệu quả cũng như tăng thêm đầu tư trong nước cho công tác dự phòng, bao gồm cho chương trình bơm kim tiêm và bao cao su, đưa thuốc điều trị HIV/AIDS vào bảo hiểm y tế và hỗ trợ người nhiễm mua thẻ… để có thể thực hiện thành công các mục tiêu quốc gia về dự phòng lây nhiễm HIV như cam kết.

Hiện có 296 cơ sở đã ký hợp đồng khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế với bảo hiểm xã hội và 221 cơ sở đã thanh toán dịch vụ khám chữa bệnh cho người nhiễm HIV/AIDS.

Tuy nhiên, tại một số địa phương vẫn còn tình trạng hiểu chưa đúng về khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho người bệnh HIV/AIDS nên không ký hợp đồng với cơ quan bảo hiểm xã hội. Vì vậy, các bệnh viện sẽ không thanh toán được công khám bệnh HIV/AIDS, không chỉ định trực tiếp bệnh nhân làm xét nghiệm hoặc cấp thuốc nhiễm trùng cơ hội với chẩn đoán là bệnh HIV/AIDS.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ