Đừng để trẻ có HIV bị tẩy chay bởi những lời đồn ác ý

GD&TĐ - Hiện nay nước ta có 168.000 trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, trong đó có 5.000 trẻ bị nhiễm, 70.000 trẻ bị ảnh hưởng, và hơn 90.000 trẻ có nguy cơ nhiễm HIV. Công tác bảo vệ sức khỏe của trẻ đang là vấn đề của toàn xã hội.

Xóa bỏ rào cản đối với người nhiễm HIV là việc làm quan trọng-Ảnh minh họa
Xóa bỏ rào cản đối với người nhiễm HIV là việc làm quan trọng-Ảnh minh họa

Đã có hàng ngàn thông điệp về việc chống, giảm kỳ thị đối với trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV nhưng dường như nhận thức của một số bộ phận người dân vẫn còn hạn chế, thậm chí vẫn tồn tại ngay cả trong đội ngũ cán bộ cấp chính quyền, giáo viên.

Cách đây hai năm, một đại diện của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho rằng, vẫn còn nhiều khó khăn vướng mắc như hạn chế về nhận thức của một số chính quyền các cấp và cộng đồng về công tác phòng, chống HIV/AIDS, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.

Nhận thức của cán bộ, giáo viên và học sinh đã được nâng cao nhưng chưa đầy đủ; chưa có nhiều các dịch vụ tại cộng đồng, thiếu đội ngũ cán bộ xã hội trong chăm sóc tư vấn tâm lý cho trẻ em nói chung, trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS nói riêng…

Có lẽ đó chính là điều đau lòng nhất xảy ra khi các em phải “chiến đấu” một mình trong môi trường khắc nghiệt để mong có được sự cảm thông từ chính cộng đồng của mình.

Trẻ em ở nông thôn chẳng may nhiễm HIV sẽ khó được chia sẻ hơn bởi nhận thức của một số người dân còn hạn chế, đồng thời việc “đồn thổi” cũng sẽ khiến cho nhiều trẻ bị “tẩy chay” khỏi nhà trường, bạn bè, khiến trẻ bị cô lập.

Không được đến trường, không bạn bè, không tương lai… trẻ dễ rơi vào bế tắc và kéo theo hàng loạt hệ lụy với cả gia đình. Tiếng đồn xấu làm vui miệng cộng đồng những người thiếu hiểu biết nhưng lại làm thay đổi cuộc đời của một đứa trẻ.

Bà Marie-Odile Emond, Giám đốc UNAIDS Việt Nam (Chương trình Phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS nhằm mục đích phối hợp các nỗ lực và nguồn lực của mười tổ chức thuộc hệ thống Liên Hợp Quốc trong công cuộc ứng phó với đại dịch AIDS trên toàn cầu) cho biết:

“Những bước tiến mạnh mẽ của Việt Nam trong việc mở rộng cung cấp các dịch vụ phòng chống HIV đã tạo ra những tác động rất rõ ràng trong việc khống chế dịch.

Đến cuối năm 2016 một nửa tổng số người nhiễm HIV ở Việt Nam đã được điều trị kháng HIV và ước tính số người tử vong do AIDS đã đạt mức thấp nhất kể từ năm 2014. Số nhiễm HIV mới cũng giảm dần trong những năm gần đây".

Theo Chinhphu.vn/báo Gia đình VN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ