Tuy nhiên, điều này không có nghĩa chúng ta đã làm chủ được dịch mà thậm chí còn đang trở nên khó kiểm soát bởi tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam có quan hệ tình dục đồng giới tăng liên tục từ năm 2013 trở lại đây. Điều này cảnh báo dịch HIV đang lây lan ra cộng đồng và tình dục vẫn đang là con đường lây truyền phổ biến nhất hiện nay.
Vẫn tiềm ẩn trong cộng đồng
Tính đến tháng 5/2017, cả nước có 209.754 người nhiễm HIV còn sống. Cũng trong 5 tháng đầu năm, có 1959 người nhiễm HIV chuyển sang giai đoạn AIDS và 90.882 trường hợp tử vong do HIV/AIDS tính từ đầu vụ dịch đến nay.
Số liệu thống kê của Cục Phòng chống HIV/AIDS cho thấy, trường hợp HIV dương tính mới phát hiện khoảng 3.546 ca, số tử vong khoảng 641 ca. So với cùng kỳ năm 2016, số nhiễm HIV mới giảm 11%, số bệnh nhân AIDS giảm 21%, số tử vong giảm 34%. Như vậy nhìn chung dịch HIV vẫn đang có xu hướng giảm ở 3 tiêu chí là số người nhiễm mới HIV, số người chuyển sang giai đoạn AIDS và số người tử vong do AIDS.
Con đường lây truyền hiện vẫn chủ yếu qua quan hệ tình dục (48%), qua đường máu là 33%, mẹ sang con là 3%. Như vậy đường tình dục vẫn đang là con đường lây truyền phổ biến nhất hiện nay. Điều này cũng cảnh báo dịch HIV đang lây lan ra cộng đồng, đặc biệt ở nhóm quan hệ đồng tính. Tỷ lệ này là 7,36% theo nguồn giám sát trọng điểm năm 2016.
Mặc dù, dịch HIV có xu hướng giảm ở 3 tiêu chí nhưng có tới 20 tỉnh phát hiện HIV tăng so với cùng kỳ năm 2016, đặc biệt là tại Hà Nội, Tây Ninh, Yên Bái, Tiền Giang, Kiên Giang, TP Hồ Chí Minh và Phú Thọ. Riêng Hà Nội và TPHCM có số nhiễm HIV mới phát hiện chiếm 25% tổng số người nhiễm HIV mới phát hiện trong cả nước. Điều đáng lưu ý là một số tỉnh như Tây Ninh, Tiền Giang, Kiên Giang, Phú Thọ, Yên Bái, Lai Châu khi triển khai mạnh các hoạt động tư vấn xét nghiệm HIV thì số mới nhiễm HIV được phát hiện vẫn gia tăng. Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) - TS Hoàng Đình Cảnh nhận định: Dịch HIV vẫn đang tiềm ẩn trong cộng đồng, nếu chúng ta không đầu tư và làm tốt công tác truyền thông, tư vấn xét nghiệm sẽ dẫn đến ảo tưởng dịch HIV đã được khống chế.
Còn nhiều việc phải làm
Báo cáo mới đây của UNAIDS cho thấy, Việt Nam và toàn thế giới đã có những bước tiến tích cực trong việc thực hiện các mục tiêu 90 - 90 - 90, nhưng công việc phía trước vẫn còn nhiều. Dịch AIDS vẫn chưa kết thúc bởi số mắc mới tuy có giảm nhưng với tốc độ như hiện nay thì không đủ để đạt được mục tiêu toàn cầu đến năm 2020 về giảm số nhiễm mới.
Việt Nam cũng đang ở trong tình thế tương tự. Số nhiễm HIV mới ở Việt Nam đã giảm từ 28.000 ca mỗi năm vào đầu thập niên 2.000 xuống còn khoảng 11.000 ca vào năm 2016. Tuy nhiên, dịch HIV đang tăng trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới sinh sống tại các đô thị và tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm người tiêm chích ma túy là 11% cho thấy Việt Nam sẽ cần mở rộng nhanh chóng hơn nữa các can thiệp dự phòng đã chứng minh có hiệu quả cũng như tăng thêm đầu tư trong nước cho công tác dự phòng, bao gồm cho chương trình bơm kim tiêm và bao cao su, để có thể thực hiện thành công các mục tiêu quốc gia về dự phòng lây nhiễm HIV.
Lấp đầy khoảng thiếu hụt trong chuỗi dịch vụ từ xét nghiệm tới điều trị cũng là khuyến nghị mà các chuyên gia của UNAIDS dành cho Việt Nam. Mặc dù đã nỗ lực rất nhiều để phân cấp điều trị HIV xuống các tuyến cơ sở, cải thiện việc kết nối người bệnh từ xét nghiệm sang điều trị và cho phép điều trị ngay không phụ thuộc vào CD4 cho mọi người nhiễm HIV, nhưng trong số 70% người nhiễm HIV ở Việt Nam đã biết tình trạng nhiễm của bản thân vẫn còn đến 1/3 chưa tham gia điều trị. Kỳ thị và phân biệt đối xử vẫn còn là một trong những rào cản chính ngăn tiếp cận đến các dịch vụ phòng chống HIV và tiếp tục làm suy yếu ứng phó của quốc gia với dịch HIV.