Học sinh càng lớn thì tỷ lệ bạo lực càng nhiều
Phát biểu đề dẫn, GS.TS Phạm Quang Trung – Giám đốc Học viện nêu vấn đề: Buổi Tọa đàm là cơ hội để cán bộ giảng viên, giáo viên, sinh viên lắng nghe ý kiến của các chuyên gia về giải pháp phòng chống bạo lực học đường, với cách tiếp cận khoa học và toàn diện.
Theo GS Phạm Quang Trung, nếu như 7-8 năm về trước, bạo lực học đường dường như không ai chú ý tới nhưng giờ đây, chỉ một sự việc nhỏ cũng có thể trở thành hiện tượng trong xã hội với tốc độ lan truyền rất nhanh.
Vì thế, trước mỗi sự việc, chúng ta cần bình tĩnh để có nhìn nhận khách quan, đánh giá thỏa đáng về thực trạng. Qua đó có thể kiểm soát và kiềm chế bạo lực học đường, để môi trường sư phạm ngày càng an toàn và lành mạnh.
GS.TS Phạm Quang Trung phát biểu tại buổi Tọa đàm |
Thảo luận tại Tọa đàm, PGS.TS Trần Thị Minh Hằng – nguyên Chủ nhiệm khoa Giáo dục, Trưởng phòng Sau đại học (Học viện Quản lý giáo dục) nhận định: học sinh càng lớn thì tỷ lệ bạo lực càng nhiều, hình thức càng ngày càng nặng nề và có sự liên kết, với nhau để cùng đánh 1 người hoặc nhóm này đánh nhóm khác.
Theo PGS.TS Trần Thị Minh Hằng, không chỉ có nam mà nữ học sinh cũng tham gia bạo học đường. Khi nữ đã tham gia thì tính chất bạo lực có phần nặng nề hơn. Hậu quả là dẫn đến tổn thương cả tinh thần và thể chất.
Cho rằng bạo lực học đường có nhiều biểu hiện khác nhau, PGS.TS Trần Thị Minh Hằng trao đổi, có thể là gây hấn, đánh nhau, miệt thị và hành hung. Tất cả biểu hiện này đều gây thương tích cho người bị bạo lực.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường trong đó xuất phát từ bản thân mỗi học sinh, môi trường nhà trường và môi trường giáo dục của gia đình, xã hội.
PGS.TS Trần Thị Minh Hằng thảo luận nhiều về nguyên nhân và giải pháp phòng chống bạo lực học đường |
Để phòng chống bạo lực học đường, PGS.TS Trần Thị Minh Hằng đề xuất, về phía gia đình gia đình cần chung tay với nhà trường trong việc giám sát giáo dục trẻ, nếu gia đình không tham gia giáo dục thì đổi mới GD không thể thành công.
Đối với nhà trường, từ lãnh đạo đến giáo viên, các đoàn thể, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm cần giáo dục kỹ năng sống và tư vấn tâm lý cho học sinh. Về phía xã hội, cần tăng cường truyền thông gương người tốt, việc tốt và cùng chung tay với giáo dục. Ngoài ra, cần tăng cường giáo dục giá trị sống; giáo dục nhân văn cho học sinh.
Ngăn ngừa là chính
Theo PGS.TS Trần Thị Minh Hằng, cần nhận thức đúng đắn về bạo lực học đường và có sự quyết tâm cao độ của ngành Giáo dục, của lực lượng xã hội trong phòng chống bạo lực học đường. Cần xây dựng cơ chế phối hợp giữa gia đình, nhà trường xã hội và chúng ta xác định ngăn ngừa tình trạng bạo lực học đường là chính.
Nhấn mạnh về việc phải kiểm soát bạo lực học đường, TS Hoàng Trung Học – Trưởng khoa Giáo dục, Học viện quản lý Giáo dục cho rằng, cần thay đổi nhận thức tổng thể, đầy đủ và khoa học. Sự vào cuộc của cả hệ thống xã hội và đặc biệt là đẩy mạnh mô hình hỗ trợ tâm lý học đường.
Theo đó, cần có định biên chính thức trong nhà trường về nhân viên tâm lý học đường; đồng thời xây dựng mạng lưới, đẩy mạnh đào tạo và chuyên nghiệp hóa về tâm lý học đường.
TS Hoàng Trung Học: Cần đẩy mạnh mô hình hỗ trợ tâm lý học đường |
Chia sẻ kinh nghiệm về triển khai các giải pháp phòng chống bạo lực học đường, bà Lê Thị Thúy Hồng – Phó Trưởng phòng GD&ĐT Gia Lâm (Hà Nội) cho hay: Ngay từ đầu năm học, phòng GD&ĐT đã ban hành kế hoạch thực hiện quy tắc ứng xử trong nhà trường.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, Phòng GD&ĐT đã chỉ đạo các nhà trường tổ chức tư vấn tâm lý học sinh. Chúng tôi phối hợp với các cơ quan chức năng, đoàn thể, tổ chức xã hội và phụ huynh học sinh để tuyên truyền, tư vấn giảm thiểu bạo lực.
Đồng thời tổ chức tốt Ngày hội pháp luật theo các hình thức sôi nổi, phong phú phù hợp với tâm sinh lý của học sinh… Kết quả, đã góp phần đáng kể trong phòng chống bạo lực học đường.
“Bạo lực học đường không chỉ là vấn đề trong nhà trường mà còn là vấn đề xã hội. Bạo lực học đường không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà có ở nhiều nước trên thế giới và khá phổ biến. Cần có nhìn thấu đáo, mang tính chất toàn diện; không nên thổi phồng, cường điệu hóa sự việc nhưng chúng ta cũng không lạnh lùng với nó. Cần có nhìn thấu đáo để có giải phải căn cơ, vừa trước mắt, vừa lâu dài để chấm dứt tình trạng này. Theo đó, truyền thông, mạng xã hội, gia đình và xã hội có vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu tình trạng bạo lực học đường”- GS Phạm Quang Trung.