Phòng chống bạo lực học đường: Bắt đầu từ văn hóa trường học

GD&TĐ - Nhiều năm gần đây, vấn đề bạo lực học đường có sự gia tăng về số lượng, diễn biến phức tạp về hình thức. Điều đó không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng tới tâm lý, sức khỏe, tính mạng học sinh mà truyền thống văn hóa, kỉ cương trường lớp cũng đầy xáo trộn. 

Hoạt động trải nghiệm giúp HS có thêm kĩ năng sống và gắn bó đoàn kết.  Ảnh: Thanh Long
Hoạt động trải nghiệm giúp HS có thêm kĩ năng sống và gắn bó đoàn kết. Ảnh: Thanh Long

Ngăn chặn bạo lực học đường cần được tiến hành trên nhiều phương diện, trong đó đẩy mạnh văn hóa trường học cũng vô cùng cần thiết và quan trọng.

Bạo lực bắt đầu từ lệch chuẩn văn hóa

Thấy được tính chất nguy hiểm nghiêm trọng của bạo lực học đường đang diễn ra ngày càng phức tạp, nên hầu hết các trường học đã tích cực trong công tác giáo dục đạo đức, văn hóa học đường cho học sinh. Tuy nhiên, khi giáo dục đạo đức, văn hóa trường học chưa được học sinh thấu hiểu, ngấm sâu trong từng lời nói, hành động, tư tưởng thì bạo lực học đường khó được đẩy lùi triệt để.

Do ảnh hưởng từ gia đình, xã hội và đồng thời muốn tự khẳng định cái tôi nên không ít học sinh đã dính vào các hình thức bạo lực học đường với những lý do phi văn hóa đơn giản: Kéo bè cánh, đánh đập hành hạ bạn vì bạn ấy xinh hơn, học giỏi hơn, có đồ dùng cá nhân đẹp, có nhiều bạn quý mến hơn. Bạn bè vô tình chạm vào nhau trong quá trình đùa nghịch, giải lao ở trường lớp hay đổ kéo xe lên nhau lúc tham gia giao thông trên đường đi học… nếu không nhận được lời xin lỗi kịp thời, câu cảm ơn khi được giúp đỡ cũng dẫn tới chửi mắng, đánh đập bạn.

Đáng nói, nếu như trước đây bạo lực học đường chỉ diễn ra giữa những học sinh nam với học sinh nam, học sinh nam với học sinh nữ thì giờ đây bạo lực giữa học sinh nữ với học sinh nữ cũng đáng kể. Bạo lực học đường có thể xuất phát từ những hành động phi văn hóa nhỏ nhất đến lớn nhất.

Thậm chí, có học sinh sẵn sàng bài xích, bắt nạt bạn cả trên lớp lẫn trên đường đi học về vì những lời nói, bình luận vu vơ. Hoặc vài bạn cùng thích một bạn khác giới nên nảy sinh mâu thuẫn và chọn cách giải quyết bạo lực.

Đã nhiều em gái bị các bạn nam hoặc các anh lớp lớn hơn dồn vào phòng vệ sinh giờ ra chơi giữa giờ hoặc cuối buổi để giở trò sàm sỡ. Và một số học sinh nam muốn tỏ rõ vai trò thủ lĩnh đã bắt các bạn phải làm theo yêu cầu của mình. Khi bị bạn phản ứng lại thì tìm cách đánh chửi, cô lập bạn với tập thể…

Thiếu chuẩn mực trong đạo đức, thiếu văn hóa học đường, trống kĩ năng ứng xử… đã và đang dẫn tới kết cục cuối cùng là những vụ bạo lực học đường. Người gây bạo lực là học sinh, nạn nhân chịu hậu quả cũng là học sinh. Bạo lực vẫn xảy ra ngày càng phức tạp đòi hỏi các nhà trường trang bị đầy đủ những nguyên tắc ứng xử, văn hóa giao tiếp học đường và trau dồi đạo đức kĩ càng nhiều hơn cho học sinh. Văn hóa học đường cần được mở rộng, sáng tạo linh hoạt trong hình thức giảng dạy để học sinh tiếp cận một cách linh động phù hợp.

Bên cạnh kiến thức, học sinh cần được trang bị kĩ năng phòng chống bạo lực học đường. Ảnh: Thanh Long
Bên cạnh kiến thức, học sinh cần được trang bị kĩ năng phòng chống bạo lực học đường. Ảnh: Thanh Long 

Tăng cường văn hóa học đường

Nói tới văn hóa học đường tưởng như là những điều đơn giản nên đôi khi nhận thức của giáo viên về vấn đề này chưa đúng mức và sự quan tâm thiếu hiệu quả. Cùng đó, đội ngũ giáo viên chưa được đào tạo bài bản để tăng cường nghiệp vụ, kỹ năng trong công tác liên quan đến văn hóa học đường.

Chống bạo lực học đường cũng đồng nghĩa với việc cần tăng cường các hoạt động giáo dục đạo đức, văn hóa trường học, giáo dục kĩ năng sống qua lăng kính văn hóa.

Chẳng hạn như, nhiều giáo viên nhận thức các vấn đề về bình đẳng giới, chăm sóc sức khỏe vị thành niên, tâm sinh lý lứa tuổi chưa đầy đủ, do vậy khi giáo viên tổ chức các hoạt động cho học sinh, làm công tác chủ nhiệm chưa thể lồng ghép với văn hóa học đường, không thể tư vấn dưới góc độ văn hóa trường học nên dẫn tới hiệu quả công việc không cao.

Hiện nay ở nhiều trường học đã tổ chức các hoạt động ngoại khóa, các tiết học tập thể, các câu lạc bộ văn hóa nghệ thuật… vừa tạo sân chơi lành mạnh giúp học sinh có cơ hội thể hiện mình, giao lưu chia sẻ, đồng thời tăng mối đoàn kết trong cộng đồng học sinh từ đó từng bước ngăn chặn bạo lực học đường.

Mặt khác, các nhà trường cũng đẩy mạnh tổ chức các câu lạc bộ: Tiếng Anh giao tiếp; giáo dục kĩ năng sống; TDTT; Tin học… Những câu lạc bộ với hình thức hoạt động phong phú sẽ kéo các em ra khỏi thế giới ảo của game online và hạn chế đáng kể những tác động xấu từ các trò chơi bạo lực.

Để tích cực phòng chống bạo lực học đường, nhiều nhà trường còn chú trọng tổ chức các CLB Khéo tay hay làm; Cắm hoa nghệ thuật; dân ca… hướng tới những giá trị truyền thống, khơi dậy ở các em học sinh những nét đẹp duyên dáng, thùy mị, nết na; những nét thanh lịch, nền nã của con gái. Đó là cách giáo dục cái “Mỹ” một cách nhẹ nhàng, sâu sắc.

Trường THCS Tô Hoàng (Hà Nội) đặc biệt chú trọng trang bị kĩ năng tự vệ - biện pháp hữu hiệu chống bạo lực học đường cho học sinh. Trường đã phối hợp với các cơ quan tổ chức tốt các chương trình giáo dục kĩ năng sống như: Giao lưu chia sẻ kinh nghiệm: “Tôi tài giỏi”; “Tình bạn - tình yêu tuổi học trò”; “Phát huy năng lực bản thân”… Các em đã được rèn luyện kĩ năng làm chủ công nghệ thông tin, kĩ năng làm chủ và xử lý tình huống, kĩ năng giải quyết mâu thuẫn… để tỉnh táo, bình tĩnh hơn trong giao tiếp và cuộc sống hàng ngày.

Với những biện pháp đồng bộ và toàn diện, trường xây dựng một môi trường thân thiện và an toàn cho học sinh, đặc biệt với học sinh nữ. Với hàng loạt nỗ lực xây dựng văn hóa học đường đã bước đầu ghi nhận sự chuyển biến rõ rệt trên nhiều mặt như đạo đức, văn hóa của học sinh nhà trường.

Lệch chuẩn trong đạo đức, thiếu văn hóa học đường, trống kĩ năng ứng xử… đã và đang dẫn tới kết cục là những vụ bạo lực học đường. Người gây bạo lực là học sinh, nạn nhân chịu hậu quả bạo lực cũng là học sinh. Bạo lực xảy ra ngày càng phức tạp đòi hỏi các nhà trường trang bị đầy đủ những nguyên tắc ứng xử, văn hóa giao tiếp học đường và trau dồi đạo đức kĩ càng nhiều hơn cho học sinh. Văn hóa học đường cần được mở rộng, sáng tạo linh hoạt trong hình thức giảng dạy để HS tiếp cận một cách phù hợp. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.