(GD&TĐ)-Hiện nay, đào tạo nhân lực Việt Nam đang tiến gần hơn đến nhu cầu doanh nghiệp, tuy nhiên, để đáp ứng được nhu cầu doanh nghiệp thì vẫn còn rất nhiều việc cần phải làm.
Sinh viên trường ĐH Sao đỏ thực hành trên máy tiện CNC |
Mặc dù sự phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp trong thời gian gần đây đã được chú trọng; một số nội dung phối hợp đào tạo giữa cơ sở đào tạo ĐH và doanh nghiệp đã và đang được thực hiện như: phối hợp xây dựng mục tiêu, nội dung chương trình, kế hoạch đào tạo, phương pháp đào tạo. Tuy nhiên, thực tế có thể thấy, nhiều nội dung phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp còn chưa đồng bộ, cam kết chưa rõ ràng dẫn đến chất lượng đào tạo chưa thỏa đáng như mong đợi của hai bên...
TS.Phạm Thế Hưng – Viện trưởng Viện SISME – Hiệp hội DNNVV Việt Nam cho rằng, các trường ĐH cần chủ động phối hợp với bộ phận nhân sự của các doanh nghiệp để đánh giá nhu cầu đào tạo, phát triển nguồn nhân lực của doanh nghiệp.Kinh nghiệm thành công của nhiều trường ĐH trên thế giới cho thấy, việc đánh giá này phải được làm thường xuyên và do một bộ phận chuyên trách đảm nhận.
Bên cạnh đó, trường ĐH cũng rất cần các nghiên cứu tình huống sống động từ thực tiễn của doanh nghiệp và doanh nghiệp hoàn toàn có thể tham gia được việc này. Các dịch vụ đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp cũng đóng vai trò quan trọng. Quản lý đào tạo là thành tố cuối cùng như đóng vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định thành công hoặc thất bại việc vận hành công nghệ đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp. Nội dung này bao gồm các quy định có liên quan đến tất cả các nội dung của quy trình đào tạo...
Để đẩy mạnh sự phối hợp giữa trường ĐH và doanh nghiệp, PGS.TS.Hà Thế Truyền – Học viện quản lý giáo dục đưa ra một số định hướng. Theo đó, cơ sở đào tạ ĐH cần phối hợp với doanh nghiệp khảo sát, xác định sát thực, cụ thể nhu cầu về nhân lực của các doanh nghiệp; xây dựng mục tiêu, nội dung chương trình, kế hoạch đào tạo theo hướng gắn với các ngành nghề mà doanh nghiệp cần lao động; mở rộng liên kết đào tạo và đa dạng hóa loại hình đào tạo để vừa tăng quy môn đào tạo vừa đảm bảo chất lượng đáp ứng nhu cầu nhân lực các doanh nghiệp; phối hợp trong việc nâng cao và phát huy các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo; đổi mới và phối hợp với các doanh nghiệp trong việc đánh giá kết quả học tập trong quá trình đào tạo và đánh giá sinh viên; tạo việc làm cho sinh viên tốt nghiệp theo hướng xây dựng cam két giữa nhà trường với doanh nghiệp.
Thực hiện khảo sát ngẫu nhiên trên 320 doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh và thu được kết quả sinh viên ra trường chưa đáp ứng được đòi hỏi của doanh nghiệp, tác giả Trần Văn Quyền - Khoa Tài chính – Ngân hàng, Trường ĐH Lạc Hồng đề xuất mô hình hợp tác NCKH và đào tạo nhân lực.
Theo đó, nhà trường chủ động liên hệ với doanh nghiệp, gặp gỡ, trao đổi, thảo luận từ đó ký kết những hợp đồng NCKH, những giải pháp kinh tế kỹ thuật giữa doanh nghiệp với nhà trường. Tác giả Trần Văn Quyền cho biết, Trường ĐH Lạc Hồng thời gian qua đã vận dụng mô hình này và đem lại một số thành công nhất định, kỹ năng thực hành của sinh viên ngày càng tăng, số lượng các giải pháp kinh tế kỹ thuật, các công trình NCKH là sản phẩm của sự phối hợp giữa nhà trường và các doanh nghiệp được bàn giao những năm qua với giá trị hàng tỷ đồng.
Tuy nhiên, trách nhiệm đào tạo nguồn nhân lực hiện nay không phải chỉ của ngành giáo dục mà còn là của chính các doanh nghiệp. Theo ông Tan Teck Yong Ricky – Chủ tịch tập đoàn giáo dục Kinder World, nhiều doanh nghiệp Việt Nam bỏ qua việc hoạch định phát triển nguồn nhân lực dài hạn. Đa phần các doanh nghiệp đều rơi vào tình trạng chỉ tuyển người khi cần. Để tránh tình trạng “chữa cháy”, các tổ chức cần chủ động xây dựng một kế hoạch nhân sự dài hạn, rõ ràng, có tính hệ thống, hài hòa với mục tiêu phát triển bền vững của tổ chức...
N.N