Hội nghị tổng kết NCKH 2006-2010 và định hướng 2011-2015 của các trường ĐH khối Nông – Lâm – Ngư - Y. Ảnh: gdtd.vn |
Đề tài NCKH: Nông nghiệp dồi dào, Lâm - Y dược khan hiếm
Theo báo cáo của các trường trong khối Nông – Lâm – Ngư – Y, giai đoạn 2006-2010 có tổng số 6611 đề tài, dự án đã được thực hiện, trong đó có 51 đề tài cấp Nhà nước, 950 đề tài cấp Bộ, 4064 đề tài cấp cơ sở, 427 đề tài địa phương và 211 đề tài/dự án quốc tế với tổng kinh phí 1.022.295 triệu đồng.
Tuy nhiên, trong tổng số 6611 đề tài nói trên, riêng lĩnh vực nông nghiệp đã chiếm tới 76% số lượng đề tài với 80% kinh phí; lĩnh vực ngư nghiệp chiếm 10% số lượng đề tài với 15% kinh phí. Lĩnh vực lâm nghiệp chỉ chiếm vẻn vẹn 3% số lượng đề tài với 3% kinh phí. Y dược còn thấp hơn với 3% số lượng đề tài và 2% kinh phí.
Nếu tính riêng từng trường thì ĐH Nông nghiệp Hà Nội có số lượng đề tài lớn nhất với 1.282 đề tài. Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, ĐH Nông Lâm Huế, ĐH Thủy lợi, ĐH Cần Thơ, ĐH Lâm nghiệp là những trường có số lượng đè tài và nguồn kinh phí cho hoạt động khoa học công nghệ lớn. Trong khi đó, cá biệt 2 trường ĐH Y Huế và ĐH Hùng Vương, số lượng đề tài, theo số liệu tổng kết là con số không tròn trĩnh.
Trong 5 năm qua, những thành tựu khoa học và công nghệ của các trường khối Nông – Lâm – Ngư – Y đạt được có thể nói, nổi bật nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhiều giống cây trồng mới có năng suất cao, phẩm chất tốt, chống chịu được sâu bệnh và điều kiện bất lợi của môi trường (như giống lúa lai TH5-1, TH3-3, TH3-4 của PGS.TS Nguyễn Thị Trâm); tìm ra các quy trình kỹ thuật, biện pháp canh tác phù hợp giảm chi phí đầu vào, tăng năng suất và hiệu quả kinh tế; đã ứng dụng các kết quả nghiên cứu của công nghệ sinh học trong chọn tạo, phục tráng các giống cây sạch bệnh, xác lập bản đồ phân tử các gen kháng sâu bệnh, chịu hạn, chịu mặn; các biện pháp canh tác hữu ích thân thiện với môi trường đã được áp dụng ở nhiều tỉnh thành trên cả nước... Nhờ có thành tựu nổi bật trong khoa học và công nghệ đã giúp cho nước ta tiếp tục duy trì là nước thuộc nhóm dẫn đầu thế giới về sản lượng lương thực và xuất khẩu thủy hải sản.
Vẫn còn nhiều vướng mắc
Phát triển khoa học công nghệ cùng với phát triển giáo dục và đào tạo được Đảng và Nhà nước ta khẳng định là quốc sách hàng đầu. Với sự quan tâm đó, trong giai đoạn 2006-2010, các trường ĐH, CĐ trong khối ngành Nông – Lâm – Ngư – Y đã không ngừng nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ, đã đào tạo hàng trăm tiến sĩ, thạc sĩ, bổ sung quan trọng vào đội ngũ những người làm công tác nghiên cứu khoa học của các trường và của cả nước. Cơ sở kỹ thuật của các trường, viện, trung tâm nghiên cứu, các phòng thí nghiệm, các trung tâm thông tin khoa học công nghệ, thư viện cũng được tăng cường và nâng cấp. Đã xuất hiện một số mô hình gắn lết tốt giữa nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ với sản xuất, kinh doanhh.
Trong giai đoạn 2006-2010, Nhà nước đã đầu tư cho 50 trung tâm, viện nghiên cứu trong các trường ĐH với tổng số vốn đầu tư 51 tỷ. Nhiều trang thiết bị hiện đại phục vụ cho hoạt động nghiên cứu khoa học đã từng bước được đầu tư cho các trường trong khối.
Tuy nhiên, tại Hội nghị tổng kết NCKH 2006-2010 và định hướng 2011-2015 của các trường ĐH khối Nông – Lâm – Ngư, nhiều trường cũng bày tỏ những băn khoăn, vướng mắc.
Đại diện trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội cho biết, một trong số những khó khăn nhà trường gặp phải trong hoạt động nghiên cứu khoa học là các đề tài được phê duyệt thường chậm so với kế hoạch. Các đề tài theo yêu cầu xã hội theo cơ chế 50:50 (50% kinh phí từ cơ sở), khâu xét duyệt từ địa phương còn gặp nhiều khó khăn; không có hướng dẫn quy định rõ Bộ chi 50% kinh phí cho những hoạt động nào dẫn đến rất khó cho việc thanh quyết toán và quản lý đề tài. Thêm nữa, thời gian thực hiện một số đề tài đặc thù quá ngắn nên không đạt được kết quả cuối cùng như yêu cầu. Những đề tài nối tiếp thì khó đưa ra tính mới...
Cũng với những ý kiến tương tự, PGS.TS.Bùi Văn Miên, trưởng phòng quản lý khoa học, ĐH Nông lâm TP.HCM thừa nhận những hạn chế trong công tác NCKH của trường, trong đó có tỷ lệ giảng viên tham gia nghiên cứu còn chưa đạt quy định theo nhiệm vụ của giáo viên tham gia nghiên cứ khoa học, giáo viên thích đi dạy hơn là nghiên cứu khoa học; cơ sở vật chất còn thiếu và không đồng bộ, không đáp ứng được những nghiên cứu đòi hỏi kỹ thuật tiên tiến. Ngoài ra, PGS.TS.Bùi Văn Miên cũng đề cập đến vấn đề thủ tục thanh quyết toán đề tài vẫn còn quá phức tạp, không khuyến khích được các thầy cô tham gia nghiên cứu và kinh phí đề tài cấp Bộ còn thấp so với đề tài cấp tỉnh...
Đại diện của ĐH Y dược – ĐH Thái Nguyên thì cho rằng, việc chưa có phần mềm thống nhất quản lý về hoạt động khoa học công nghệ cũng là một trong những khó khăn. Bên cạnh đó, trang thiết bị phục vụ hoạt động khoa học công nghệ còn thiếu và chậm đổi mới. Cơ chế, chính sách tài chính chưa tạo động lực và điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân nghiên cứu khoa học. Thiếu cơ chế để giảng viên được độc lập nghiên cứu. Đầu tư ngân sách của nhà nước cho các trường còn ít so với nhu cầu và còn dàn trải, thiếu tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên và đơn vị trọng điểm...
Còn theo đại diện trường ĐH Thủy Lợi, việc gắn kết giữa NCKH và đào tạo sau đại học, đặc biêt là đào tạo tiến sĩ còn hạn chế mà nguyên nhân là do chưa tạo cơ chế bắt buộc các đề tài NCKH phát gắn với đào tạo tiến sĩ; hiện tượng các đề tài tập trung chủ yếu vào một số chuyên gia; công tác hợp tác quốc tế trong NCKH chưa được quan tâm đúng mức, trọng tâm vẫn là thực hiện các dự án tài trợ. Đại diện trường này cho rằng, cần tăng cường hơn nữa sự gắn kết các hoạt động của các đơn vị hoạt động KH&CN với các hoạt động chung của nhà trường, tạo cho cán bộ, viên chức tại các đơn vị hoạt động KH&CN thực sự gắn bó với nhà trường và yên tâm công tác phục vụ phát triển KH&CN của nhà trường...
Thứ trưởng Bộ GD&Đt Trần Quang Quý phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: gdtd.vn |
Cần cơ sự phối hợp liên ngành, liên trường
Định hướng và chính sách phát triển khoa học công nghệ giai đoạn 2011-2015 của các trường khối Nông – Lâm – Ngư – Y được đặt ra, trong đó, chú trọng đẩy mạnh nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ; nâng cao chất lượng và hiệu quả của hoạt động KH&CN của các trường phục vụ đào tạo, đặc biệt là đào tạo thạc sỹ và tiến sỹ; nâng cao năng lực và tạo động lực nghiên cứu cho đội ngũ giảng viên, hình thành các nhóm nghiên cứu mạng trong các lĩnh vực KH&CN mang tính liên ngành, đa ngành đề nghiên cứu những vấn đề lớn mang tính chiến lược; tăng cường đầu tư hệ thống các phòng thí nghiệm gắn với các chương trình nghiên cứu; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ, gắn với nghiên cứu khoa học và đào tạo tiến sỹ.
Với phương hướng này, những đề xuất được đặt ra là phân cấp quản lý mạnh hơn; lựa chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ KH&CN; chuyển từ hình thức lập và duyệt dự toán theo định mức sang hình thức khoán kinh phí theo sản phẩm khoa học và công nghệ cuối cùng (đặt hàng sản phẩm khoa học và công nghệ); tổ chức khoa học và công nghệ tự đánh giá và xây dựng hệ thống thông tin liên quan đến việc quản lý đề tài.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Quang Quý cơ bản thống nhất với định hướng và chính sách phát triển khoa học công nghệ giai đoạn 2011-2015, các giải pháp thực hiện, kiến nghị của các trường với các cơ quan quản lý KH&CN của Chính phủ, của Bộ GD&ĐT. Thứ trưởng cũng đề nghị các trường khối Nông – Lâm – Ngư – Y tập trung vào vấn đề đổi mới quản lý khoa học công nghệ trong các nhà trường, thực hiện Chỉ thị 296 của Thủ tướng Chính phủ; vấn đề cơ chế phối hợp các hoạt động NCKH liên ngành, liên trường, tập trung giải quyết các nhu cầu của doanh nghiệp, xã hội, trong đó có nhu cầu phát triển KHCN của vùng Tây Nguyên, Tây Bắc và Tây Nam Bộ; nâng cao hiệu quả hoạt động NCKH gắn với đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ...
Hiếu Nguyễn