Phối hợp giải pháp giáo dục sức khỏe sinh sản tuổi học trò

GD&TĐ - Giáo dục sức khỏe sinh sản là một trong nhiều nội dung được các trường triển khai. 

Học sinh Trường THCS Ngô Sĩ Liên (Hoàn Kiếm, Hà Nội) được trang bị kiến thức về phòng chống xâm hại. Ảnh: NTCC
Học sinh Trường THCS Ngô Sĩ Liên (Hoàn Kiếm, Hà Nội) được trang bị kiến thức về phòng chống xâm hại. Ảnh: NTCC

Qua đó, học sinh có thêm kiến thức cơ bản về sức khỏe sinh sản tuổi vị thành niên, hình thành lối sống an toàn, lành mạnh.

Phối hợp nhiều giải pháp

Cô Trần Thị Thanh Thảo - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Thiện Tân (Vĩnh Cửu, Đồng Nai) cho biết, giáo dục sức khỏe vị thành niên là một trong những ưu tiên hàng đầu của trường. Đơn vị đã đầu tư hệ thống phòng y tế, trang bị sách báo, tài liệu phong phú về sức khỏe sinh sản và tâm lý tuổi dậy thì.

Nhà trường cũng phối hợp với ngành Y tế, chuyên gia tâm lý để tổ chức hội thảo, diễn đàn về sức khỏe sinh sản và tình dục an toàn. Qua đây không chỉ cung cấp kiến thức chuyên sâu mà còn giúp học sinh giải đáp các thắc mắc một cách rõ ràng và cởi mở, tạo nên sự gắn kết, tin tưởng giữa thầy cô với học trò. Bên cạnh đó, việc tổ chức các trò chơi, cuộc thi về chăm sóc sức khỏe cá nhân hay các buổi thực hành sơ cứu cơ bản cũng là hoạt động quan trọng.

Gắn bó nhiều năm với công tác giảng dạy và giáo dục sức khỏe vị thành niên tại Trường THCS Thiện Tân, cô Nguyễn Thị Kiều Giang chia sẻ, để nâng cao nhận thức và tạo cơ hội cho học sinh rèn luyện kỹ năng sống, chia sẻ kiến thức về sức khỏe, nhà trường khuyến khích các em tham gia các câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe tại trường. Câu lạc bộ “Sức khỏe tuổi teen” là một trong những sáng kiến trong số đó.

“Tại đây, học sinh được tham gia vào các buổi thảo luận nhóm, trò chơi tình huống, thậm chí tự tổ chức thuyết trình về chủ đề sức khỏe như dinh dưỡng, vệ sinh cá nhân, cách phòng tránh bệnh thường gặp trong tuổi dậy thì. Tham gia vào các câu lạc bộ này không chỉ giúp các em hiểu rõ hơn về sức khỏe mà còn phát triển kỹ năng làm việc nhóm, giao tiếp và tự tin hơn trong cuộc sống”, cô Giang nói.

Thay vì chỉ truyền đạt kiến thức khô khan từ sách vở, cô Giang luôn cố gắng biến những tiết học thành buổi trao đổi, thảo luận; thực hiện các phương pháp, kỹ thuật dạy học phát huy cao độ khả năng tự tìm kiếm, chiếm lĩnh tri thức của người học. Cô thường sử dụng hình ảnh minh họa, video, tình huống thực tế để giúp học sinh dễ hiểu hơn về các vấn đề sức khỏe tuổi dậy thì, tình bạn, tình yêu…

Trong suốt quá trình giảng dạy, cô chú trọng kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, giúp học sinh không chỉ hiểu bài mà còn có khả năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Các buổi kiểm tra, đánh giá cũng được thực hiện theo hướng khuyến khích học sinh tự đánh giá lẫn nhau, từ đó phát huy tính tích cực, chủ động trong việc học tập và chăm sóc sức khỏe bản thân.

dung-ngai-ngan-chia-se-2.jpg
Cô Nguyễn Thị Kiều Giang chia sẻ trực tuyến với học sinh về những hệ lụy khi có thai ở tuổi vị thành niên. Ảnh: NVCC

Quá trình lâu dài

Thầy Nguyễn Cao Cường - Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, nhà trường vừa phối hợp cùng Trung tâm Y tế quận Đống Đa, Trạm Y tế phường Thịnh Quang tổ chức chuyên đề truyền thông về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên và thanh niên năm 2024.

Với vai trò diễn giả tại chương trình, BS Phạm Thị Tâm - nguyên Phó Trưởng phòng Truyền thông - Nghiệp vụ thuộc Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP Hà Nội đã chia sẻ những kiến thức quan trọng về tâm sinh lý lứa tuổi, giúp các em hiểu rõ hơn về một số thay đổi cơ bản của cơ thể và tâm lý trong giai đoạn trưởng thành.

Thông qua đó, các em được trang bị kiến thức cần thiết để chăm sóc và bảo vệ bản thân. Những câu hỏi thắc mắc của tuổi mới lớn được trao đổi, thảo luận thẳng thắn giữa học sinh với chuyên gia. Buổi sinh hoạt là cơ hội để thầy và trò cùng nâng cao nhận thức về sức khỏe và những vấn đề liên quan, góp phần xây dựng một thế hệ trẻ khỏe mạnh và tự tin hơn trong tương lai.

Theo thầy Nguyễn Văn Đằng - Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (Nam Định), hằng năm, nhà trường tổ chức chương trình giáo dục giới tính, kỹ năng sống cho học sinh theo kế hoạch. Nhà trường giao Ban Nữ công và học sinh nữ tổ chức buổi hội thảo tại nhà đa năng của trường. Tùy theo từng lớp từng lứa tuổi và quy mô học sinh, thầy cô sẽ tổ chức các buổi tuyên truyền với ý nghĩa khác nhau để các em tham gia.

“Lứa tuổi trung học là giai đoạn có những thay đổi cả về tâm sinh lý, thích thể hiện cái tôi cá nhân, bắt đầu biết quan tâm tóc tai, làm đẹp. Dù là nam hay nữ cũng cần được trang bị những kiến thức về sức khỏe sinh sản, phòng chống các tệ nạn xã hội và nhiều kỹ năng khác. Từ đó, các em dần hình thành thói quen tốt và biết cách ứng xử trước những tình huống giữa bạn bè, thầy cô”, thầy Đằng chia sẻ.

Tại Trường THCS Ngô Sĩ Liên (Hoàn Kiếm, Hà Nội), cô Hiệu trưởng Phạm Thu Hà trao đổi, nhà trường thực hiện lồng ghép nội dung giáo dục sức khoẻ sinh sản, giới tính vào chương trình giảng dạy. Hằng năm, nhà trường phối hợp với Trung tâm Y tế quận Hoàn Kiếm tổ chức hoạt động truyền thông với chủ đề chăm sóc sức khoẻ sinh sản tại các lớp.

Nội dung giáo dục sức khoẻ sinh sản được dạy trong tiết học Kỹ năng sống ở khối 6, 7. Đồng thời, cán bộ phòng tham vấn học đường tổ chức các hoạt động truyền thông và trực tiếp tư vấn, giải đáp những thắc mắc của học sinh về bình đẳng giới, sức khoẻ sinh sản tuổi vị thành niên...

Giáo dục sức khỏe vị thành niên là quá trình lâu dài và cần sự quan tâm, phối hợp từ nhiều phía. Việc kết hợp giữa kiến thức, kỹ năng và trải nghiệm thực tế giúp học sinh không chỉ hiểu sâu về sức khỏe mà còn hình thành thói quen tự chăm sóc bản thân, nhận thức rõ vai trò của mình với sức khỏe cộng đồng. Khi các em có thói quen sống lành mạnh cũng góp phần xây dựng môi trường học đường an toàn. - Thầy Nguyễn Cao Cường (Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh, quận Đống Đa, Hà Nội)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

AC Milan ‘trảm tướng’

AC Milan ‘trảm tướng’

GD&TĐ - AC Milan đã sa thải huấn luyện viên Paulo Fonseca sau chưa đầy 6 tháng nắm quyền đội chủ sân San Siro.

Binh sĩ Ukraine tại Kursk.

Công nghệ NATO bị áp đảo

GD&TĐ - Trung tá Không quân Mỹ đã nghỉ hưu Karen Kwiatkowski, chia sẻ rằng chiến dịch quân sự đặc biệt năm 2024 cho thấy những tiến bộ đáng kể của Nga.