Phó Tổng Thanh tra nói về xử lý sau thanh tra gang thép Thái Nguyên, cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn

Tại buổi họp báo Chính phủ chiều ngày 1/3, Phó Tổng Thanh tra Bùi Ngọc Lam đã trả lời báo chí liên quan đến việc xử lý sau thanh tra dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO) và cổ phần hóa.

Phó Tổng Thanh tra nói về xử lý sau thanh tra gang thép Thái Nguyên, cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn
Phó Tổng Thanh tra nói về xử lý sau thanh tra gang thép Thái Nguyên, cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn
Phó Tổng Thanh tra Bùi Ngọc Lam

Đã chuyển kết luận thanh tra gang thép Thái Nguyên sang Ủy ban Kiểm tra Trung ương

Dự án cải tạo mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO) được phê duyệt vào năm 2005, do TISCO làm chủ đầu tư với tổng vốn hơn 3.800 tỷ đồng (hơn 242 triệu USD).

Dự án gồm 2 gói thầu chính, trong đó gói thầu mỏ sắt Tiến Bộ đã hoàn thành đưa vào sử dụng với giá trị thanh toán là trên 224 tỷ đồng; gói thầu EPC dây chuyền công nghệ luyện kim đấu thầu rộng rãi. Tập đoàn Xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC) trúng thầu với giá hơn 160 triệu USD.

Quá trình thực hiện dự án, TISCO, MCC, Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNS), Bộ Công Thương và các đơn vị, cá nhân liên quan đã có nhiều khuyết điểm, sai phạm, trong đó có việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án từ hơn 3.800 tỷ đồng lên trên 8.100 tỷ đồng là không có cơ sở...

Theo Phó Tổng Thanh tra, ngày 14/02/2019, Tổng Thanh tra Chính phủ đã ban hành Văn bản số 167/KL-TTCP về kết luận thanh tra dự án cải tạo mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên.

"Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Thanh tra Chính phủ đã công khai thông báo kết luận thanh tra và báo chí đã đưa tin", ông Bùi Ngọc Lam nói.

Trong kết luận này, Thanh tra Chính phủ kiến nghị nhiều nội dung. Thứ nhất là liên quan đến giải pháp trước thực trạng của dự án mà qua thanh tra đã phát hiện, kể cả những giải pháp nhằm tháo gỡ, khắc phục.

"Cụ thể, là kiến nghị với Thủ tướng và Thủ tướng đã đồng ý là đối với dự án đó thì tiếp tục thực hiện các biện pháp xử lý đối với dự án mà đã được Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo tại Quyết định số 1468/QĐ-TTg ngày 29/9/2017 nằm chung trong tổng thể 12 dự án thua lỗ, yếu kém của ngành Công Thương", Phó Tổng Thanh tra nói.

Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Thủ tướng giao các bộ, ngành liên quan, cùng TISCO, VNS rà soát lại toàn bộ hợp đồng ký với nhà thầu Trung Quốc MCC, cần thiết thì khởi kiện theo quy định của pháp luật.

Còn về xử lý trách nhiệm, Thanh tra Chính phủ đã chuyển kết luận sang Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xem xét, xử lý đối với cán bộ, đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý có liên quan đến khuyết điểm, sai phạm nêu tại Kết luận thanh tra.

"Với Bộ Công an, chúng tôi đã chuyển hồ sơ và sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để xem xét xử lý”, Phó Tổng Thanh tra nhấn mạnh.

Đang hoàn tất thủ tục thu hồi hơn 75% cổ phần về cho nhà nước

Về việc thực hiện kết luận thanh tra việc cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn, theo Phó Tổng Thanh tra với chức năng nhiệm vụ của mình, Thanh tra Chính phủ thường xuyên theo dõi, đôn đốc, tổng hợp.

Ngày 27/2/2019, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã chủ trì buổi làm việc với các bộ, ngành liên quan và Thanh tra Chính phủ để nghe báo cáo kết quả việc thực hiện kết luận thanh tra, cũng như những khó khăn, vướng mắc.

“Tinh thần chung thì chúng tôi đánh giá là sau khi kết luận được ban hành và có ý kiến chỉ đạo thì Bộ Giao thông Vận tải đã có kế hoạch triển khai thực kết luận thanh tra trên 2 phương diện”, ông Bùi Ngọc Lam cho biết, thứ nhất, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành thu hồi 2 văn bản trước đây là Văn bản số 16937/BGTVT-QLDN ngày 27/12/2014 và Văn bản số 6327/BGTVT-QLDN ngày 20/5/2015 mà theo kết luận thanh tra là có nội dung không đúng với quy định của pháp luật.

Việc thứ 2, là Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo Tổng công ty hàng hải Việt Nam (Vinalines) trực tiếp làm việc việc với đại diện của các cổ đông trong Công ty cổ phần cảng Quy Nhơn. Và giữa Vinalines và đại diện các cổ đông đã có rất nhiều phiên làm việc.

“Theo báo cáo mới nhất mà chúng tôi có được, thì đến nay các bên đã thống nhất về cơ bản là thực hiện các thủ tục để tiến hành chuyển giao 75,01% cổ phần mà trước đây Nhà nước thoái và thu hồi về cho Nhà nước”, Phó Tổng Thanh tra thông tin.

Cũng theo ông Bùi Ngọc Lam, Vinalines đã chuẩn bị các điều kiện về tài chính để sẵn sàng thanh toán các khoản tiền trước đây các cổ đông đã thanh toán cho Vinalines…

“Phó Thủ tướng đã có chỉ đạo Bộ Giao thông chủ trì chỉ đạo Tổng Công ty hàng hải Việt Nam sớm khẩn trương tiếp nhận, quản lý đối với 75,01% cổ phần theo đúng quy định của pháp luật. Các bộ ngành tập trung xem xét tháo gỡ vướng mắc khó khăn trong quá trình thực hiện kết luận thanh tra, bảo đảm khẩn trương, minh bạch và đúng quy định”, Phó Tổng Thanh tra cho biết.

Cũng theo Kết luận thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an khẩn trương điều tra những vi phạm có dấu hiệu hình sự.

Từ năm 2017, Thanh tra Chính phủ đã chuyển hồ sơ, tài liệu cho Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an, gồm:

- Việc Tổng Giám đốc (GĐ) TISCO và một số cán bộ thuộc TISCO, VNS, Bộ Công Thương có liên quan trong việc ký các Biên bản thỏa thuận phân chia công việc Phần C, chuyển một số phần việc từ Phần P sang Phần C; ký hợp đồng giao VINAINCON, các nhà thầu phụ khác thực hiện Phần C; thanh toán theo đơn giá điều chỉnh không đúng Hợp đồng EPC làm phát sinh tăng TMĐT, gây thất thoát vốn đầu tư.

- Việc Tổng GĐ TISCO, một số cán bộ liên quan trong việc ký các Phụ lục hợp đồng EPC và một số văn bản tiếp nhận nhiều loại máy móc thiết bị không đúng chủng loại, thông số kỹ thuật, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa không đúng Hợp đồng EPC, tiêu chuẩn về quản lý chất lượng hàng hóa, bất lợi cho TISCO, ảnh hưởng đến chất lượng công trình, nếu MCC và TISCO không xử lý sẽ gây thất thoát vốn đầu tư.

- Việc Tổng GĐ TISCO, một số cán bộ liên quan trình, phê duyệt và thanh toán nhiều khoản tiền cho MCC, các Nhà thầu phụ, các tổ chức tư vấn, vi phạm quy định, nếu MCC và TISCO không xử lý sẽ gây thất thoát vốn đầu tư.

- Việc VINAINCON lập dự toán Phần C theo đơn giá điều chỉnh, báo cáo các bộ, ngành, Thủ tướng Chính phủ thiếu căn cứ; vi phạm hợp đồng thực hiện Phần C, chậm tiến độ Dự án, phát sinh tăng TMĐT, bán thầu hưởng phí trái pháp luật..

Theo thanhtra.com.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Con giun 14cm được lấy ra từ mắt bệnh nhân. Ảnh: BVCC

Giun 14cm sống trong mắt bệnh nhân

GD&TĐ - Các bác sĩ Khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã phẫu thuật thành công gắp một con giun dài 14cm dưới kết mạc mắt cho bệnh nhân.