Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh như vậy khi phát biểu trong lễ khai giảng năm học 2020 - 2021 của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội sáng nay (23/10). Cùng dự khai giảng cóBộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội; Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Nguyễn Anh Tuấn…
Lực lượng tiên phong, nòng cốt thực hiện đổi mới giáo dục
Khẳng định đóng góp to lớn và truyền thống rất đỗi tự hào của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội trong gần 70 năm xây dựng, trưởng thành, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, đây là cái nôi của ngành sư phạm Việt Nam thời hiện đại và hiện nay vẫn giữ vững lá cờ đầu. Mái trường này cũng là nơi khởi nguồn phong trào thi đua “3 sẵn sàng” thổi bùng lên ngọn lửa cách mạng trong thanh niên, học sinh, sinh viên và trở thành một trong những phong trào thi đua yêu nước có sức lan tỏa mạnh mẽ nhất thời kỳ đất nước còn chiến tranh.
Nơi đây cũng là nơi công tác của nhiều nhân sĩ, trí thức mà tên tuổi và sự nghiệp còn sáng mãi như các giáo sư Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh, Trần Đức Thảo, Trần Văn Giàu, Cao Xuân Huy, Phạm Huy Thông, Lê Văn Thiêm, Nguyễn Lương Ngọc… Cũng từ đây, hàng vạn thầy cô giáo, cán bộ sinh viên các thế hệ của nhà trường đã tỏa đi mọi miền của Tổ quốc, góp phần xây dựng nền giáo dục thời đại Hồ Chí Minh, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
“Đây là vinh dự, niềm tự hào và cũng là trách nhiệm của các thầy giáo, cô giáo cùng các bạn sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Đặc biệt trong bối cảnh cả nước đang đặt nhiều kỳ vọng vào công cuộc đổi mới nền giáo dục nước nhà nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới” – Phó Thủ tướng nói.
Hơn 30 năm đổi mới, đất nước ta đã phát triển rất nhanh, rất toàn diện. Tốc độ tăng trưởng kinh tế thuộc nhóm cao nhất thế giới. Như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực và vị thế như hôm nay”. Tuy nhiên, do xuất phát điểm quá thấp sau chiến tranh, chúng ta vẫn là nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình. Chúng ta đứng trước yêu cầu phải phát triển nhanh hơn để thu hẹp khoảng cách với các nước đi trước. Nhanh hơn song nhất thiết cũng phải bền vững hơn.
Chia sẻ điều này, theo Phó Thủ tướng, để có thể phát triển nhanh hơn, bền vững hơn; để tranh thủ được thời cơ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; để không bị tụt lại trong cuộc đua tranh quốc tế thì nhất thiết phải ưu tiên phát triển nguồn nhân lực. Nhất thiết phải tiếp tục chú trọng và chú trọng hơn nữa tới giáo dục và đào tạo. Nhất thiết phải thực hiện thành công công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục theo Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Nhất thiết phải đổi mới mạnh mẽ để xây dựng được một đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng được yêu cầu là nhân tố quyết định của quá trình đổi mới giáo dục.
Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, đào tạo bao hàm rất nhiều nội dung và đề ra các nhiệm vụ, giải pháp rất căn cơ, cụ thể từ đổi mới hệ thống, khung trình độ, chương trình, phương pháp dạy và học, đội ngũ giáo viên, quản lý nhà nước, quản trị cơ sở giáo dục, tài chính đầu tư, hợp tác và hội nhập quốc tế... nhằm mục tiêu xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện về đức, trí, thể mỹ; có tính nhân văn, có trí tuệ khai mở với tinh thần dân tộc và ý thức công dân toàn cầu.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Đổi mới giáo dục là một quá trình, không thể hoàn thành ngay một sớm một chiều mà phải có lộ trình khoa học. Để đổi mới thành công đương nhiên cần định hướng, chính sách, nguồn lực của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội. Giáo dục cần sự chung tay gia đình, nhà trường, xã hội. Nhưng dù sao thì vai trò của Nhà trường vẫn là quan trọng nhất. Mọi sự thay đổi, đổi mới đều cần những lực lượng tiên phong, nòng cốt - những người phải quyết tâm vượt qua khó khăn, vượt lên chính mình. Lực lượng đó chính là cán bộ quản lý giáo dục và đội ngũ giáo viên.
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội phải là hình mẫu cho các trường sư phạmcả nước
Theo Phó Thủ tướng, sứ mạng của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội không chỉ là truyền bá tri thức mà còn là nơi sáng tạo ra tri thức. Những năm qua, nhà trường đã giữ vững lá cờ đầu trong chất lượng giảng dạy và nghiên cứu khoa học và là một trong những trường ĐH có nhiều công bố quốc tế nhất. Nhà trường cần tiếp tục tăng cường mảng công tác này. Trước hết là tổ chức các chương trình nghiên cứu bài bản trong khoa học sư phạm, khoa học tâm lí - giáo dục làm cơ sở lí luận cho đổi mới giáo dục phù hợp với đặc thù về con người, văn hóa - xã hội của đất nước. Cùng với đó là các nghiên cứu về khoa học giáo dục nói chung và khoa học cơ bản, khoa học ứng dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đưa ra một số lưu ý, Phó Thủ tướng cho rằng cần tập trung đổi mới mô hình quản trị nhà trường theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương và quy định của pháp luật về giáo dục ĐH; bảo đảm quyền tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình của nhà trường.
Tự chủ không có nghĩa là tự lo về tài chính mà quan trọng nhất là tự chủ về chuyên môn, về học thuật. Tinh thần tự chủ phải sâu rộng từ trường tới tất cả các phòng, khoa, tới từng cán bộ, giảng viên để phát huy cao nhất tâm huyết, trí tuệ của mọi thành viên. Cần có các quy chế rõ ràng, cụ thể, công khai minh bạch để mọi người cùng tuân thủ và giám sát, qua đó phát huy cao độ dân chủ đồng thời tăng cường kỷ luật, kỷ cương.
“Chỉ có như vậy mới có thể xây dựng được môi trường thực sự khoa học, văn hóa của một nhà trường mô phạm. Mô hình của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội sẽ phải là hình mẫu cho các Trường Sư phạm trong cả nước tham khảo, noi theo” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Cùng với đó, Phó thủ tướng cũng lưu ý tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức, giảng viên đảm bảo cả về số lượng và chất lượng. Cán bộ giảng viên của nhà trường phải là những tấm gương về đạo đức nghề nghiệp, về tự học và sáng tạo; có trình độ chuyên môn cao, có phương pháp dạy học hiện đại, gắn kết giữa nghiên cứu khoa học với giảng dạy và có năng lực chủ động hội nhập. Điều quan trọng là luôn tự làm mới mình để đáp ứng yêu cầu.
“Không chỉ đội ngũ giáo viên của riêng Trường, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội còn trách nhiệm tham gia công tác bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cho cả nước. Vì vậy yêu cầu xây dựng đội ngũ giáo viên của nhà trường vốn đã quan trọng lại càng quan trọng hơn bao giờ hết” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Cũng theo Phó Thủ tướng, cần thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới mô hình và chương trình đào tạo theo hướng tăng cường rèn luyện năng lực nghề nghiệp cho sinh viên. Đổi mới phương pháp dạy và học mà trước hết là nhắm vào những điểm yếu, bất cập nhất trong dạy và học của hệ thống giáo dục mà chúng ta đã nhận diện. Đó là chuyển từ truyền đạt một chiều, tiếp thu thụ động, thiếu phản biện sang cách học có tương tác và khơi dậy được tiềm năng, trí tuệ và sự tham gia của người học.
Muốn vậy, các thầy cô giáo tương lai, các bạn sinh viên sư phạm phải tự đổi mới trước và chắc chắn phải đổi mới rất nhiều. Bên cạnh đó, nhà trường rất cần tăng cường công tác sinh viên, công tác Đoàn thanh niên để sinh viên có thể tham gia nhiều hoạt động tự rèn luyện và các hoạt động xã hội. Sinh viên tốt nghiệp từ Trường ĐH Sư phạm Hà Nội phải là những người không chỉ có chuyên môn vững vàng, có tư duy sáng tạo, mà phải có cốt cách văn hóa, có đạo đức và phong cách mô phạm.
Phú Thủ tướng đề nghị Bộ GD&ĐT cần tập trung chỉ đạo để sớm hoàn thành việc quy hoạch, sắp xếp, có kế hoạch đầu tư hệ thống các Trường Sư phạm trong cả nước. Cần tập trung đầu tư cho các trường sư phạm trọng điểm như Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đủ điều kiện, đủ năng lực để hoàn thành vai trò nòng cốt của nòng cốt trong đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.
Quan tâm hơn nữa, quan tâm thực sự tới chăm lo cho đội ngũ giáo viên
Với các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần tiếp tục quan tâm và quan tâm hơn nữa, quan tâm thực sự tới việc chăm lo cho đội ngũ giáo viên. Trước mắt và trực tiếp nhất là thực hiện thật tốt Nghị định 116/NĐ-CP2020 của Chính phủ vừa ban hành quy định về chính sách đối với sinh viên sư phạm.
Nếu các địa phương chú trọng việc giao nhiệm vụ, đặt hàng hay đấu thầu đào tạo giáo viên phù hợp với yêu cầu của địa phương mình như quy định tại Nghị định mới này thì chắc chắn sinh viên sư phạm sẽ an tâm hơn rất nhiều về điều kiện học tập và công việc sau khi tốt nghiệp.
Cùng với đó là sự chỉ đạo, dành nguồn lực để bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng thường xuyên cho đội ngũ giáo viên trên địa bàn và đầu tư trường, lớp.
“Chúng ta phải phấn đấu bảo đảm học sinh có đủ trường, lớp và thầy cô giáo để học thuận lợi ngày 2 buổi” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Ngưỡng mộ sự lựa chọn của các sinh viên sư phạm, đồng thời chia sẻ khó khăn, thách thức đang chờ đón các sinh viên, Phó Thủ tướng đồng thời tin tưởng, dưới mái trường này, các sinh viên sẽ có đầy đủ cơ hội để phấn đấu, để tu dưỡng, để hoàn thiện mình.
Nghề giáo là nghề cao quý nhưng cũng là nghề luôn được đặt kỳ vọng rất rất cao. Từ xa xưa người thầy không chỉ là biểu tượng của trí tuệ mà còn là cốt cách. Ngày nay sự kỳ vọng đó vẫn còn nguyên cho dù nghề giáo, người Thầy không tách ra khỏi được những lo toan cuộc sống thường nhật. Ngành giáo dục luôn được kỳ vọng, được đòi hỏi phải như các nước phát triển nhất cho dù không thể tách rời ra khỏi điều kiện kinh tế, xã hội của đất nước.
Đòi hỏi, kỳ vọng của xã hội đối với người thầy không chỉ là kiến thức, là trình độ mà còn là đạo đức, phong cách, là tấm gương mô phạm, tấm gương văn hóa. Tôi thật sự trân trọng, ngưỡng mộ các thầy cô giáo và các bạn sinh viên chọn nghề giáo, chọn học trường sư phạm.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam