RT mới đây đã đăng tải bài viết của ông Aleksandar Vulin - Phó Thủ tướng Serbia cho thấy nguyên nhân của việc bóp méo lịch sử Thế chiến thứ II của các nước phương Tây hiện nay.
Theo tài liệu, chủ nghĩa xét lại lịch sử bắt đầu ngay sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc.
Ông Aleksandar Vulin viết: "Chủ nghĩa xét lại Thế chiến thứ II và sự chuẩn bị cho các cuộc xung đột trong tương lai đã bắt đầu ngay sau khi giành được chiến thắng trước Đức.
Thế giới không mất nhiều thời gian để quên rằng chiến thắng này phải trả giá bằng hàng chục triệu sinh mạng của Liên Xô."
Phó Thủ tướng Serbia lý giải thêm: Những thế hệ sinh ra trong Thế chiến II và sau đó không dễ dàng bị thuyết phục để chống lại Liên Xô. Đối với họ, nỗi kinh hoàng của cuộc chiến vẫn còn quá sống động và đáng sợ, và việc đẩy thế giới vào một cuộc xung đột mới đầy bạo lực và kinh hoàng là điều không thể.
Và thời điểm chuẩn bị cho 'cuộc trả thù vĩ đại' chỉ đến nửa thế kỷ sau, khi thế hệ chiến tranh bước xuống khỏi sân khấu chính trị và lịch sử. Sự xuyên tạc lịch sử bắt đầu sau khi nước Đức thống nhất (quốc gia thua cuộc) và sự tan rã của Nam Tư và Liên Xô (quốc gia thắng cuộc).
"Con cháu của những tên tội phạm chiến tranh cảm thấy xấu hổ không phải vì tội ác của tổ tiên họ, mà là vì thua cuộc chiến, và do đó cảm thấy cần phải sửa đổi lịch sử và định hình lại thế giới.
Đây là lý do tại sao họ muốn miêu tả người Nga và người Serbia là những kẻ giết người và kẻ xấu, những người không có khả năng mang lại tự do cho người khác vì chính họ cũng không có được điều đó. Và hiện tại, chúng ta thấy một nỗ lực mới để thanh toán nợ nần với người Slav - trước hết là với người Nga, và sau đó là với tất cả các đồng minh của Nga" - ông Vulin nhận định.
Vì đâu phương Tây muốn xét lại lịch sử
Trong bài viết, ông Vulin đã nhắc đến những yếu tố đã đẩy đến việc xét lại lịch sử Thế chiến II và trong đó có một lý do đáng chú ý: hệ tư tưởng của người dân phương Tây.
"Ngày nay, chúng ta vẫn thường nói về 'Đức Quốc xã'. Nhưng điều này không đúng. Không hề có “Đức Quốc xã” – mà chỉ đơn giản là nước Đức. Bạn sẽ không tìm thấy tem của Wehrmacht có chữ “Chủ nghĩa Quốc xã” được viết trên đó. Quyết định xử tử người Serbia, người Nga và người Do Thái không được đưa ra trong các văn phòng của Đảng Quốc xã – chúng được đưa ra bởi các viên chức Đức thông thường. Nhà nước Đức không được gọi là “Đức Quốc xã” mà được gọi theo Hiến pháp và luật pháp. Và Hitler không phải là “một nhà độc tài Quốc xã” mà là một đại diện được bầu hợp pháp của đại đa số người dân Đức.
Bảy triệu công dân Đức đã giết người Nga, người Serbia, người Do Thái và người Roma một cách có ý thức, tự nguyện, vì hệ tư tưởng thống trị của nhà nước Đức gọi những cá nhân này là 'hạ đẳng' và quyết định rằng họ phải bị tiêu diệt" - bài viết có đoạn.
Sự thật lịch sử Thế chiến II như thế nào?
Theo bài viết của Phó Thủ tướng Vulin, giống như người Nga, người Serbia ngây thơ và theo nghĩa lịch sử, liều lĩnh, tin rằng họ đã giải phóng ai đó.
Năm 1944, Belgrade được giải phóng vì người dân của thành phố đã chống lại sự chiếm đóng của Đức Quốc xã trong bốn năm dài. Zagreb không được giải phóng vì từ năm 1941 cho đến khi chế độ Ustaše sụp đổ, thành phố này tự coi mình là tự do và người dân không phản đối hệ thống giá trị của thành phố.
Những tội ác đã gây ra ở Serbia không phải do lực lượng SS của phát xít gây ra. Phần lớn trong số lực lượng SS đã được gửi đến Mặt trận phía Đông. Và tội ác là do Wehrmacht, lực lượng đã pháo kích Kraljevo, Kragujevac và Podrinje.
"Chúng ta ngây thơ cho rằng chúng ta đang giải phóng những quốc gia mà trên thực tế cảm thấy tự do dưới sự cai trị của Đức. Sự hiểu lầm này giải thích tại sao chúng ta cảm thấy phẫn nộ trước sự vô ơn của họ, trong khi họ khăng khăng rằng: "Nhưng các người là những người chiếm đóng chúng tôi; chúng tôi đã được tự do dưới sự cai trị của Đức'" - bài viết mô tả.
Ông Vulin cho rằng, đây cũng là lý do tại sao ngày nay tượng đài tưởng niệm những người lính Liên Xô bị phá bỏ. Bởi vì những tượng đài này nhắc nhở những con người đó về thất bại của họ trong Thế chiến II. Đây cũng là lý do tại sao lịch sử và việc xét lại lịch sử đã ảnh hưởng đến các quá trình ra quyết định chính trị và các vấn đề khác ở phương Tây.
Ông Vulin cũng nhắc lại việc Nga sẽ không thể tham gia vào các sự kiện chính trong lễ kỷ niệm ngày giải phóng trại Auschwitz vào năm nay.
Phó Thủ tướng Serbia coi đây là một hành động xúc phạm, đi ngược lại với lẽ thường, ngược lại với sự thật lịch sử và với ký ức những người chứng kiến cuộc sát hại tại trại Auschwitz. Lý do của điều này là bởi chính sách của nước Nga hiện đang "gây khó chịu" cho giới lãnh đạo Ba Lan.
Kết lại
Phó Thủ tướng Serbia Aleksandar Vulin nhắc đến câu nói của nhà tư tưởng quân sự người Phổ lỗi lạc Carl von Clausewitz rằng, chiến tranh chỉ đơn thuần là sự tiếp diễn của chính trị bằng những phương tiện khác, nhưng chúng ta có thể nói thêm rằng chiến tranh chỉ đơn thuần là sự tiếp diễn của các câu chuyện chính trị, và mỗi cuộc chiến là sự mở rộng của cuộc chiến trước đó.
"Ngày nay, rõ ràng là các cuộc ném bom Serbia vẫn chưa kết thúc. Miễn là họ muốn chúng ta công nhận Kosovo, chiến dịch ném bom nhằm mục đích phá hủy Serbia và phá hủy toàn vẹn lãnh thổ của nước này vẫn còn rất sống động.
Ngay cả bây giờ, khi chúng ta nghe thấy những lời kêu gọi người Serbia phản bội lợi ích của chính họ và áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga, đó là biểu hiện của các cuộc ném bom vào một quốc gia Serbia tự do ở năm 2024" - ông Vulin nhận định.