Trong phiên thảo luận của Quốc hội về kinh tế xã hội chiều 30/5, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ và Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã đăng đàn giải trình một số vấn đề đại biểu quan tâm.
Theo đó, về giải pháp kiềm chế lạm phát và giá điện, một lần nữa, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định lộ trình điều chỉnh giá điện được Chính phủ, Bộ Công Thương, EVN thực hiện theo đúng quy định Luật Điện lực, quyết định 24 và các văn bản pháp luật khác. Chính phủ cũng đã có báo cáo chi tiết gửi Quốc hội về điều chỉnh tăng giá mặt hàng này.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ. Ảnh: Võ Hải |
Theo ông, điện là mặt hàng vật tư chiến lược, góp phần vào ổn định, tăng trưởng kinh tế. Theo tính toán để tăng 1% GDP thì phải điện phải tăng trưởng 1,5%. Kịch bản GDP năm 2019 là 6,8% thì điện phải tăng 11,35%. "Điều hành điện phải đảm bảo mục tiêu kép kiểm soát lạm phát và giá hợp lý kêu gọi đầu tư vào điện", ông nhấn mạnh.
Về mức tăng giá, trên cơ sở các yếu tố đầu vào, chi phí... ngành điện đưa ra 3 kịch bản, song sau nhiều cân nhắc Thường trực Chính phủ đã lựa chọn mức tăng giá bán lẻ điện bình quân 8,36% từ ngày 20/3.
Về việc cân nhắc lựa chọn thời điểm tăng giá (từ ngày 15 đến ngày 30/3) là theo đề xuất của liên Bộ và Tổng cục Thống kê. Theo quy luật, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thường tăng cao vào tháng 2 (dịp nghỉ tết Âm lịch) và sẽ giảm mạnh trong tháng 3, nên sẽ không tác động nhiều đến chỉ số CPI bình quân cả năm và kiềm chế được lạm phát kỳ vọng. "Lùi thời gian điều chỉnh giá điện sẽ phải tăng cao hơn", ông nói.
Theo đánh giá của liên Bộ Công Thương, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và Tổng cục Thống kê, dự kiến điều chỉnh giá điện bán lẻ bình quân tăng bình quân 8,36% sẽ làm CPI cả năm tăng 0,3%.
Ông nói 3 nguyên nhân chính khiến hóa đơn tiền điện của nhiều khách hàng sinh hoạt trong tháng 4 tăng là do sản lượng điện tiêu thụ của khách hàng tăng do thời tiết nắng nóng, nhiệt độ tăng cao; tác động của việc điều chỉnh tăng giá điện 8,36% và kỳ ghi chỉ số công tơ của tháng 4 là 31 ngày, dài hơn 3 ngày so với tháng liền kề.
Về lạm phát, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, kiểm soát ổn định vĩ mô và các cân đối lớn nền kinh tế là "nhiệm vụ hàng đầu của Đảng, Chính phủ". Ba năm qua CPI đã được kiểm soát dưới 4% và được ghi nhận là điểm sáng trong điều hành kinh tế vĩ mô. Năm 2019 Quốc hội ra Nghị quyết là dưới 4%; Chính phủ phấn đấu mức dưới 4%, nhưng lựa chọn điều hành của Ban chỉ đạo giá là 3,3-3,9%.
Nhiều tỉnh sáp nhập huyện xã, giảm cơ quan chuyên môn
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, hiện nay các tỉnh, thành đang lập đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã, trong đó bên cạnh sắp xếp các đơn vị hành chính không đủ 50% tiêu chuẩn về diện tích, dân số theo quy định, một số tỉnh còn khuyến khích sắp xếp thêm.
Cụ thể, Hoà Bình sắp xếp thêm 24 xã, Thanh Hoá, Hà Tĩnh thêm 10 xã, nhiều địa phương sắp xếp 3 xã thành một như Hà Tĩnh, Thái Bình.
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội. |
Sau khi sắp xếp, Cao Bằng giảm 3/13 đơn vị hành chính cấp huyện, 4/199 xã; Hoà Bình giảm một huyện và 59 xã; Hà Tĩnh giảm 47 xã và Thanh Hoá giảm 76 xã.
Thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với các Bộ, ngành rà soát, xây dựng biện pháp cụ thể nhằm giúp các địa phương sắp xếp số lượng lớn cán bộ dôi dư, nhất là cán bộ lãnh đạo. Để đảm bảo đồng bộ, ông Lê Vĩnh Tân đề nghị Ban Tổ chức Trung ương, các tổ chức, đoàn thể chính trị xã hội, mặt trận tổ quốc hướng dẫn sắp xếp đơn vị tương ứng.
Đối với việc sắp xếp cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, huyện, ông Tân cho hay nguyên tắc là sau sắp xếp số cơ quan không nhiều hơn hiện có và chia theo nhóm cơ quan thống nhất chung, cơ quan sắp xếp cho phù hợp, cơ quan thực hiện thí điểm và nhóm đặc thù. Khung biên chế tối thiểu và số lượng cấp phó tối đa giao HĐND tỉnh quyết định.
"Lần này đẩy mạnh phân cấp phân quyền cho địa phương. Đây là vấn đề mới, phức tạp nên Chính phủ đã có nhiều cuộc họp. Để tạo sự đồng thuận giữa bộ, ngành trung ương, Chính phủ sẽ thảo luận và cho ý kiến việc sắp xếp đơn vị cơ quan chuyên môn thuộc cấp tỉnh, huyện tại cuộc họp thường kỳ chiều mai 31/5", ông Tân nói.
Theo Bộ trưởng Nội vụ, đến nay, có 4 tỉnh là Bạc Liêu, Bắc Ninh, Hà Giang, Lào Cai giảm 5 cơ quan chuyên môn cấp tỉnh; 15 tỉnh thí điểm sắp xếp cơ quan chuyên môn cấp huyện, đã giảm 185 phòng chuyên môn.
Kết thúc ngày đầu tiên thảo luận kinh tế - xã hội, đã có 52 đại biểu đăng đàn, 4 người tranh luận; hiện còn 42 đại biểu đăng ký chờ phát biểu.
Sáng mai Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp & phát triển nông thôn, Giáo dục & Đào tạo, Tài chính, Kế hoạch & Đầu tư tham gia giải trình, làm rõ vấn đề đại biểu quan tâm.