Phó Thủ tướng kiểm tra công tác chuẩn bị lễ hội Đền Trần, Chùa Hương

GD&TĐ - Kiểm tra công tác quản lý, chuẩn bị tổ chức lễ hội xuân Mậu Tuất 2018 tại Đền Trần (Nam Định), Chùa Hương (Hà Nội), ngày 26/1, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh cần trả lại ý nghĩa vốn có của lễ hội, khơi dậy truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc, đẩy lùi cái xấu.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trò chuyện với người dân đi lễ Đền Trần. Ảnh: VGP
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trò chuyện với người dân đi lễ Đền Trần. Ảnh: VGP

Tại Đền Trần (Nam Định), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao việc thực hiện Đề án đổi mới công tác quản lý, tổ chức Lễ hội Khai ấn Đền Trần từ năm 2012 đến nay. Mặc dù du khách tới dự lễ hội ngày càng đông nhưng an ninh trật tự luôn được bảo đảm, những tồn tại trong công tác quản lý, tổ chức dần được loại bỏ, không còn là “điểm nóng”.

Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị cho biết, các đơn vị liên quan tổ chức lễ hội Đền Trần năm 2018 trên tinh thần giữ gìn phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm mùa lễ hội, phòng chống cháy nổ.

Cùng với đó, các cơ quan chức năng có phương án phân luồng, hướng dẫn các phương tiện trong thời gian diễn ra lễ hội để tránh xảy ra ùn tắc cục bộ Quốc lộ 10 đoạn qua Đền Trần; kiểm soát chặt chẽ các dịch vụ không để xảy ra tình trạng tăng giá, lợi dụng thời điểm đông người để nâng giá thu lợi bất chính.

Lễ khai ấn Đền Trần năm 2018 sẽ được thực hiện vào giờ Tý (23 giờ ngày 14 tháng Giêng). Lễ phát ấn sẽ được thực hiện vào sáng 15 tháng Giêng cho đến hết tháng Giêng theo nhu cầu của du khách.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi với lãnh đạo tỉnh Nam Định, Bộ VHTT&DL, thủ từ Đền Trần. Ảnh: VGP
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi với lãnh đạo tỉnh Nam Định, Bộ VHTT&DL, thủ từ Đền Trần. Ảnh: VGP

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng trong việc tổ chức lễ hội Đền Trần có sự vào cuộc rất tích cực của chính quyền địa phương không chỉ bảo đảm trật tự an toàn cho du khách thập phương, mà còn tham gia các nghi thức quan trọng trong buổi lễ. Tuy nhiên, về lâu dài cần nghiên cứu, xem xét để “lễ hội Đền Trần đúng như ngày xưa trước hết là của dòng họ, sau đó đến cộng đồng, nhân dân, còn nghi thức nào cần đại diện của chính quyền thì làm đúng, trang trọng”.

Chính quyền tỉnh Nam Định, Ban quản lý di tích, cộng đồng địa phương nỗ lực hơn nữa để khắc phục những mặc chưa được, phát huy mặt tốt, đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân về những nét văn hóa đẹp của lễ hội Đền Trần, hoạt động khai ấn, phát ấn. Nhất là cần xem xét cách thức huy động đóng góp xã hội hoá, công đức, từng bước đẩy lùi hiện tượng thương mại hóa lễ hội văn hóa tâm linh, không để cảnh “một tay xin ấn, một tay công đức”, ném tiền vào kiệu ấn, chen lấn, xô đẩy, gây phản cảm, mất an ninh trật tự.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Thượng tọa Thích Minh Hiền, Trụ trì Chùa Hương, cùng lãnh đạo Bộ VHTT&DL, UBND TP. Hà Nội kiểm tra công tác chuẩn bị lễ hội Chùa Hương năm 2018. Ảnh: VGP
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Thượng tọa Thích Minh Hiền, Trụ trì Chùa Hương, cùng lãnh đạo Bộ VHTT&DL, UBND TP. Hà Nội kiểm tra công tác chuẩn bị lễ hội Chùa Hương năm 2018. Ảnh: VGP

Xem xét công tác chuẩn bị tại Chùa Hương, Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia cấp đặc biệt, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định việc tổ chức tốt các lễ hội văn hóa góp phần vào phát triển du lịch, kinh tế địa phương. Đơn cử trong mùa lễ hội năm 2017, Chùa Hương đã đón khoảng 1,7 triệu lượt du khách trong tổng số gần 24 triệu lượt khách du lịch của Hà Nội.

Nhiều kinh nghiệm hay trong tổ chức, quản lý lễ hội, thực hành nghi thức, nghi lễ tôn giáo ở Chùa Hương đã được nhân rộng ra nhiều di tích của cả nước. Góp phần phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp trong giáo lý tôn giáo, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, phù hợp với truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc, tạo nên những chuẩn mực, giá trị văn hóa.

Trên đường lên chùa, trước cảnh hàng quán hai bên đường còn nhếch nhác, lộn xộn, Phó Thủ tướng đề nghị TP. Hà Nội, Ban Quản lý di tích Chùa Hương, chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ với Trụ trì Chùa Hương, Giáo hội Phật giáo Việt Nam để có giải pháp chỉnh trang lại dịch vụ, hàng quán gọn gàng, ngăn nắp, bảo đảm mỹ quan, môi trường sạch sẽ xứng tầm của một di tích lịch sử quốc gia cấp đặc biệt.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đình Quý cam kết chỉ đạo chính quyền địa phương, ngành văn hoá cùng với Trụ trì Chùa Hương, Giáo hội Phật giáo Việt Nam để triển khai các giải pháp tổng thể nhằm vừa bảo tồn, vừa phát huy tốt nhất giá trị của Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chùa Hương.

“Quan trọng nhất là phải có quy định kết hợp tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của người dân, cộng đồng để mọi lễ hội văn hoá khơi dậy những điều tốt đẹp, đẩy lùi cái xấu”, Phó Thủ tướng nói.

Theo Chinhphu.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ti vi trong suốt.

8 phát minh ấn tượng nhất

GD&TĐ - Time giới thiệu một số sản phẩm mang tiện ích sáng tạo nhất về quá trình chuyển đổi sang kỷ nguyên công nghệ tiêu dùng...