Ngày 2/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đã chủ trì cuộc họp chỉ đạo ứng phó với bão số 10.
Tại cuộc họp, đại diện Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đã cập nhật những tình hình về cơn bão số 10. Theo đó, đêm 1/11, bão Goni đã đi vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 10 trong năm 2020. Dự báo đến ngày 5/11, bão đi vào đất liền các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Phú Yên và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới...
Bão số 10 gây ra đợt mưa lớn diện rộng trên đất liền, tập trung tại các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Nam Trung Bộ và Trung Trung Bộ. Mực nước các sông lớn tại các khu vực này tiếp tục lên nhanh gây ngập úng vùng trũng thấp; vùng núi có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất…
Để ứng phó với bão số 10, Bộ đội Biên phòng đã phối hợp với các tỉnh, thành phố thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 49.585 tàu cá với 233.327 lao động trên biển biết diễn biến của bão và đang di chuyển phòng tránh, về nơi an toàn…
Bên cạnh đó, các đơn vị quân đội tiếp tục huy động lực lượng, phương tiện hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất. Trong đó, tích cực tìm kiếm người mất tích trên vùng biển Bình Định, người mất tích do sạt lở đất tại các tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên - Huế…
Tại cuộc họp, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai cũng cập nhật những thiệt hại do bão số 9 gây ra vừa qua. Theo đó, tính đến ngày 2/11, bão số 9 đã làm 33 người chết; trong đó, tỉnh Quảng Nam 23 người, tỉnh Nghệ An 8 người... Hiện 4 tỉnh còn 49 người mất tích; trong đó, tỉnh Quảng Nam 24 người, tỉnh Bình Định 23 người… Đến sáng nay, tỉnh Nghệ An còn 13.573 hộ dân bị ngập, tỉnh Hà Tĩnh còn 1.909 hộ dân bị ngập...
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường nhận định tuy bão số 10 giảm cường độ nhưng tính chất rất phức tạp, gây nguy hiểm trực tiếp cho tàu thuyền hoạt động trên biển.
Bên cạnh đó, một số người dân ở khu vực Nam Trung Bộ chưa có kinh nghiệm trong ứng phó các cơn bão lớn. Hơn nữa, địa chất tại nhiều tỉnh miền Trung đã ngậm no nước nên có nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất…
Vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần đặc biệt coi trọng triển khai phương án phòng, chống lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; bảo đảm an toàn hồ đập.
Kết luận chỉ đạo, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tuyệt đối không được chủ quan trong ứng phó bão số 10. Trong đó, tập trung thông báo, hướng dẫn tàu thuyền hoạt động trên biển thoát khỏi khu vực nguy hiểm, vào nơi trú tránh an toàn.
Phó Thủ tướng yêu cầu các đơn vị, địa phương sơ tán người dân ra khỏi lồng bè, chòi canh, khu nuôi trồng thủy sản trước khi bão đổ bộ; bảo đảm an toàn cho thủy thủ trên 5 tàu kiểm ngư đang làm nhiệm vụ tìm kiếm người mất tích trên biển.
Trên đất liền, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương phải đặc biệt quan tâm công tác sơ tán người dân ra khỏi khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; triển khai phương án bảo đảm an toàn hồ đập thủy lợi, thủy điện.
Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các tỉnh chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện và triển khai phương án phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”.