Phổ điểm thi tốt nghiệp THPT đợt 2 tại Đà Nẵng: Tương đồng về hình dáng với đợt 1

GD&TĐ - Phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2020 của Đà Nẵng - địa phương có số thí sinh dự thi ở đợt 2 đông nhất với gần 11.000 em, tương đối giống phổ điểm của đợt 1 về hình dáng. Trong 9 môn thi, 3 môn có điểm trung bình cao hơn cả nước là Toán, Anh văn và Giáo dục công dân.

Thí sinh Đà Nẵng trao đổi bài làm sau buổi thi.
Thí sinh Đà Nẵng trao đổi bài làm sau buổi thi.

Phản ánh đúng chất lượng dạy - học

Thầy Phan Hùng – Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) nhận xét: “Phổ điểm thi tốt nghiệp THPT đợt 2 của Đà Nẵng có hình dạng tương tự như phổ điểm của đợt 1. Ngoài 3 môn Toán, Anh văn và Giáo dục công dân có điểm trung bình cao hơn so với điểm trung bình của đợt 1, điểm trung bình của các môn thi còn lại của Đà Nẵng đều thấp hơn và không lệch nhiều so với đợt 1. Ví dụ như môn Toán, điểm trung bình của đợt 1 là 6,67, Đà Nẵng là 7,09. Môn Ngữ văn, điểm trung bình đợt 1 của cả nước là 6,61, con số này của Đà Nẵng là 6,49. Mốc điểm có nhiều thí sinh đạt nhất cũng tương đương với đợt 1. Như môn Vật lý, ở đợt 1, 7,75 là điểm có nhiều thí sinh đạt nhất thì Đà Nẵng là 8 điểm. Tương tự, môn Ngoại ngữ là 3 điểm và 3,4 điểm”. 

Có cùng nhận xét, cô Trần Thị Kim Vân – Hiệu trưởng Trường THPT Tôn Thất Tùng (quận Sơn Trà) cho biết: “Ở các môn thi, cấu trúc đề thi của đợt 1 và đợt 2 là như nhau, độ khó của đề cũng tương đương nên phổ điểm không có sự khác biệt nhiều”. 

Em Đoàn Nguyễn Thúy Quỳnh (HS lớp 12/2, Trường THPT Trần Phú, TP Đà Nẵng) cho biết: Em giữ nguyên nguyện vọng xét tuyển như đăng ký ban đầu chứ không điều chỉnh như dự định trước ngày dự thi tốt nghiệp THPT. Tương tự, Lê Thành Long (HS lớp 12/14, Trường THPT Trần Phú, TP Đà Nẵng) chia sẻ: Em sẽ giữ nguyên nguyện vọng 1 vào Sư phạm Anh và thay đổi nguyện vọng 2 sang ngành Ngôn ngữ Anh truyền thống thay vì Ngôn ngữ Anh chất lượng cao để giảm mức học phí. 

Tỉ lệ tốt nghiệp sơ bộ theo điểm thi của TP Đà Nẵng là 98,2%, chưa bao gồm thí sinh miễn thi, bảo lưu điểm bài thi. Bà Lê Thị Bích Thuận – Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng trao đổi: Những con số trên phản ảnh đúng và sát với chất lượng học tập của HS khóa này. Để chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, phương châm của nhiều trường THPT ở Đà Nẵng đề ra là “học đến đâu ôn tập đến đó”. Song song với mục tiêu nâng cao chất lượng tuyển sinh ĐH, CĐ, các trường cũng có những giải pháp tổ chức dạy – học để chống trượt cho HS. Khi HS trở lại trường học sau thời gian học trực tuyến, các trường vừa giảng dạy bài mới vừa tập trung củng cố, hệ thống lại kiến thức, hướng dẫn HS các kỹ năng phân tích đề, làm bài thi theo đặc thù từng môn học. Việc ôn tập được các trường phân chia theo nhóm đối tượng HS để đạt hiệu quả cao nhất. 

Thí sinh Đà Nẵng tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 trong điều kiện TP đang thực hiện giãn cách xã hội.
Thí sinh Đà Nẵng tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 trong điều kiện TP đang thực hiện giãn cách xã hội. 

Tiếp tục cải thiện chất lượng giáo dục đại trà, mũi nhọn 

Thầy Lê Vinh – Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn nhận xét: So với năm 2019, năm nay, số HS điểm cao của trường nhiều hơn. Điều này có nhiều nguyên nhân: Đầu vào tốt, HS trường chuyên cũng chăm học và có phương pháp học. Với HS có phương pháp tự học, mục tiêu rõ rệt sẽ tận dụng thời gian hơn 1 tháng thực hiện giãn cách xã hội để ôn tập, hệ thống lại kiến thức rất hiệu quả và có sự bứt phá.

Trường hợp thí sinh Nguyễn Lê Vũ – thủ khoa khối B với 3 môn đạt điểm tuyệt đối 30/30 là minh chứng sinh động nhất cho nhận xét của thầy Vinh. Thầy Nguyễn Quốc Khánh, chủ nhiệm lớp của Vũ cho biết: So sánh kết quả các lần thi thử và quá trình học tập, tôi đã động viên, góp ý cho Vũ từ tâm lý, kỹ năng làm bài thi, một số lưu ý trong ôn thi. “Với kết quả thi lần này, Vũ có sự bứt phá đáng kể, chứng tỏ em đã nỗ lực, quyết tâm trong quá trình ôn tập và làm bài thi” – thầy Khánh chia sẻ.

Ông Mai Tấn Linh – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết: “Với kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT, Đà Nẵng xếp vị trí khoảng 30, mức trung bình. Nhưng nếu căn cứ vào các điều kiện kinh tế - xã hội, giáo dục của Đà Nẵng có nhiều thuận lợi hơn nhiều tỉnh thành khác. Giáo dục Đà Nẵng phải lọt vào tốp 10 – 15 mới tương xứng với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Vì vậy, ngành GD Đà Nẵng đã đặt mục tiêu phải có sự cải thiện chất lượng giáo dục đại trà cũng như mũi nhọn trong thời gian tới. 

Bình luận

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ