Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm cô giáo không tay ở Thanh Hóa

GD&TĐ - Trưa 5/9, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã đến hỏi thăm và động viên cô giáo không tay Lê Thị Thắm (Đông Sơn, Thanh Hóa).

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng trò chuyện với cô giáo Lê Thị Thắm. Ảnh: LT.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng trò chuyện với cô giáo Lê Thị Thắm. Ảnh: LT.

Chuyến thăm cô giáo không tay ở Thanh Hóa còn có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh và Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng.

Xúc động khi được Phó Chủ tịch nước thăm và động viên, cô giáo Lê Thị Thắm hứa sẽ nỗ lực hết mình để tiếp tục công việc hằng mơ ước, và cống hiến cho ngành giáo dục.

Trò chuyện với Phó Chủ tịch nước, cô giáo Thắm cho biết đã được Ban giám hiệu Trường TH&THCS Đông Thịnh phân công dạy lớp 2, 3.

“Trong quá trình giảng dạy, cháu được Ban giám hiệu và đồng nghiệp quan tâm hỗ trợ rất nhiều. Việc giảng dạy ở nhà suốt 3 năm qua giúp cháu không gặp nhiều khó khăn khi đứng lớp”, cô giáo Thắm chia sẻ.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh và Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng tặng quà cho cô giáo Lê Thị Thắm. Ảnh: LT.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh và Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng tặng quà cho cô giáo Lê Thị Thắm. Ảnh: LT.

Sau khi lắng nghe chia sẻ của cô giáo Thắm, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân bày tỏ niềm xúc động trước những nỗ lực của cô giáo đặc biệt xứ Thanh. Theo Phó Chủ tịch nước, cô giáo Thắm là minh chứng tiêu biểu cho truyền thống hiếu học, nghị lực vượt lên số phận.

“Mặc dù, sinh ra không lành lặn nhưng với nghị lực của bản thân cùng sự quan tâm, trợ giúp của các cấp ủy Đảng và chính quyền đã giúp em tự tin vươn lên,...

Nhân dịp này, cô mong rằng em sẽ tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, năng động và sáng tạo trong bối cảnh mới để truyền đạt kiến thức tốt nhất đến các bạn nhỏ. Kể cả những kỹ năng sống và nghị lực sống như em để giúp các bạn nhỏ không may mắn như mình hoặc có hoàn cảnh khó khăn thêm động lực vươn lên”, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân nói.

Thắm là cô giáo đặc biệt, sinh ra đã không có tay, mắc nhiều bệnh tật nên chỉ cao 1,4m và nặng khoảng 30kg. Dù vậy, bằng nghị lực và khát khao, Thắm vượt qua khó khăn, đến trường tìm con chữ như bao bạn bè cùng trang lứa.

Những ngày đầu đến lớp, thấy các bạn cặm cụi tập viết, Thắm cũng xin cô giáo một tờ giấy trắng cùng cây bút chì để chơi. Vì không có tay, Thắm chỉ đành kẹp bút vào giữa hai ngón chân trái, lụi hụi tập viết. Tuy nhiên, vì ngón chân còn cứng nên hễ kẹp vào, cây bút liền rơi ra.

Mỗi lần như vậy, Thắm vẫn kiên trì đến nỗi ngón chân bị phồng rộp, tứa máu. Đợi khi vùng da chân lành lại, Thắm lại tiếp tục tập viết. Cứ như vậy đến khi 5 tuổi, Thắm đã đọc thông, viết thạo trước sự ngỡ ngàng của mọi người.

Cô giáo không tay Lê Thị Thắm. Ảnh: LT.

Cô giáo không tay Lê Thị Thắm. Ảnh: LT.

Sau này, bằng nghị lực và ý chí, Thắm đã tốt nghiệp khoa Sư phạm tiếng Anh, Trường Đại học Hồng Đức. Trở về quê hương, Thắm mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí cho các bạn trẻ có hoàn cảnh khó khăn ở gần nhà.

Ngày 9/6, tại Lễ kỷ niệm 75 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” (11/6/1948 - 11/6/2023) và tuyên dương các điển hình tiên tiến học tập Bác. Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng đề nghị tuyển dụng đặc cách cô giáo Thắm vào Trường Tiểu học hoặc THCS (xã Đông Thịnh hoặc xã Đông Yên, Đông Sơn).

Ngày 28/7, tại Trường TH&THCS Đông Thịnh, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn đã trao quyết định tuyển dụng viên chức cho cô Lê Thị Thắm vào ngành GD&ĐT huyện Đông Sơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.