Phó Chủ tịch nước dự Hội nghị Thượng đỉnh phụ nữ toàn cầu

Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đánh giá cao vai trò của Hội nghị Thượng đỉnh phụ nữ toàn cầu, hoan nghênh chủ đề của hội nghị năm nay, đồng thời nhấn mạnh, việc áp dụng Học thuyết kinh tế phụ nữ sẽ tiếp tục tạo động lực phát triển cho nền kinh tế của mỗi quốc gia và nền kinh tế toàn cầu.

Phó Chủ tịch nước dự Hội nghị Thượng đỉnh phụ nữ toàn cầu
Tối 11/5, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự lễ khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh phụ nữ toàn cầu năm 2017 tại Tokyo, Nhật Bản.

Với chủ đề “Thúc đẩy hơn nữa Học thuyết kinh tế phụ nữ: Tăng cường cơ hội cho phụ nữ”, hội nghị năm nay thu hút sự tham gia của 1.300 đại biểu đến từ hơn 60 quốc gia, gồm lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ, các bộ, cơ quan chính phủ, lãnh đạo các tổ chức phụ nữ và các nữ doanh nhân thành đạt đến từ nhiều châu lục.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Phó Tổng thống Philippine Leni Robredo và Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu tại lễ khai mạc.

Phó Chủ tịch nước đánh giá cao vai trò của Hội nghị Thượng đỉnh phụ nữ toàn cầu, nhất là trong việc khơi dậy tiềm năng, sáng tạo và tăng cường giao lưu, kết nối giữa các nữ chính khách, doanh nhân. Phó Chủ tịch nước hoan nghênh chủ đề của hội nghị năm nay, đồng thời nhấn mạnh việc áp dụng Học thuyết kinh tế phụ nữ ở Nhật Bản và nhiều quốc gia khác sẽ tiếp tục tạo động lực phát triển cho nền kinh tế của mỗi quốc gia và nền kinh tế toàn cầu.

Phó Chủ tịch nước đề cao những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc khuyến khích vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế đất nước; nhấn mạnh cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế về bình đẳng giới, xây dựng các chính sách nhằm bảo đảm bình đẳng về giáo dục, cơ hội nghề nghiệp cho phụ nữ. Đồng thời, không ngừng nâng cao nhận thức trong xã hội về bình đẳng giới, khuyến khích phụ nữ tăng cường kết nối, chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau.

Phó Chủ tịch nước cũng cho rằng, bản thân phụ nữ cần phải không ngừng nỗ lực, vươn lên; chính phụ nữ là người quyết định sự thành công của Học thuyết kinh tế phụ nữ.

Cùng ngày, đoàn Việt Nam đã tham gia, đóng góp tích cực tại các hoạt động của hội nghị.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa là diễn giả chính tại Họp báo hội nghị. Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan và Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng tham dự Diễn đàn thị trưởng.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa dự Tọa đàm cấp bộ trưởng về đối tác công tư về thúc đẩy cơ hội kinh tế cho phụ nữ, trao đổi về những kinh nghiệm của các nước trong việc hỗ trợ phụ nữ làm việc trong các doanh nghiệp, khuyến khích nam giới nghỉ thai sản trong thời gian dài để cùng chia sẻ với phụ nữ trong công việc gia đình, hỗ trợ đào tạo cho phụ nữ trong các doanh nghiệp.

Bên lề hội nghị, Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam đã chủ trì tổ chức buổi gặp gỡ các doanh nghiệp Việt-Nhật. Các thành viên trong đoàn cũng có một số cuộc gặp với các doanh nghiệp Nhật Bản và quốc tế.

* Hội nghị Thượng đỉnh phụ nữ toàn cầu là một diễn đàn quốc tế được thành lập năm 1990 với mục đích thúc đẩy bình đẳng giới, mở rộng cơ hội kinh tế cho phụ nữ trên thế giới thông qua thúc đẩy các sáng kiến hợp tác kinh tế, khuyến khích và vai trò và đóng góp của các nữ doanh nhân trong phát triển kinh tế quốc gia và toàn cầu.

Hội nghị năm nay trao giải Lãnh đạo vì phụ nữ toàn cầu cho Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe về những đóng góp của ông trong việc thúc đẩy Học thuyết kinh tế phụ nữ nhằm mở rộng cơ hội cho phụ nữ tham gia vào nền kinh tế.

Theo baochinhphu

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Thị uy chiến thắng

GD&TĐ - Cuộc thị uy chiến thắng của Nga diễn ra trong bối cảnh quân đội Ukraine đang phải hứng chịu những bước lùi trên chiến trường.
Minh họa/INT

Câu trả lời rõ ràng

GD&TĐ - Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, sẽ thay thế tuyến buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa bằng tuyến đường sắt đô thị...
Rút ngắn kỳ nghỉ hè có thể cải thiện năng suất học tập của học sinh.

Đề xuất rút ngắn kỳ nghỉ hè tại Anh

GD&TĐ - Quỹ từ thiện Nuffield, Anh, đề xuất nước này nên rút ngắn kỳ nghỉ hè từ 6 tuần xuống 4 tuần còn thời gian nghỉ giữa các học kỳ kéo dài 1 - 2 tuần.
Đồng bào các dân tộc xem triển lãm ảnh Bác Hồ với cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Tháng 5 'Theo dấu chân Người'

GD&TĐ - Tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội) trong tháng 5/2024 sẽ diễn ra các hoạt động với chủ đề 'Theo dấu chân Người'.