Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La và Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS&THPT Mường La đã đóng góp quan trọng vào thành tích chung”.
Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tại Lễ khai giảng năm học mới của Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS&THPT Mường La (Sơn La).
Chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên
Được biết, tỉnh Sơn La đã hoàn thiện hệ thống mạng lưới trường lớp ở các cấp học, ngành học, thu hút học sinh trong độ tuổi đến trường đạt tỷ lệ cao. Chất lượng giáo dục đã có chuyển biến rõ rệt; điều kiện cơ sở vật chất đang tiếp tục hoàn thiện phục vụ ngày càng tốt hơn cho dạy và học.
Điểm nổi bật là, toàn tỉnh tổ chức tốt việc nấu ăn tập trung tại các trường phổ thông có học sinh bán trú, để giúp các cháu chuyên tâm vào việc học tập.Hoạt động xã hội hóa phục vụ giáo dục có nhiều kết quả. Các phong trào thi đua của ngành đi vào chiều sâu với nhiều tấm gương điển hình tiên tiến.
“Tôi cũng được biết, trận mưa lũ lịch sử xảy ra vào đầu tháng 8 vừa qua, nhân dân Sơn La, đặc biệt là huyện Mường La bị thiệt hại nặng nề về người và của. Cơ sở vật chất của 15 trường học trên địa bàn huyện bị lũ cuốn trôi, hư hỏng phải xây mới lại hoàn toàn hoặc sửa chữa lớn.
Nhiều gia đình học sinh tài sản hầu như không còn gì. Trong điều kiện đó, cấp ủy, chính quyền địa phương và các nhà trường đã nỗ lực cố gắng, vượt qua khó khăn, khắc phục hậu quả thiên tai. Cùng với sự chung tay giúp đỡ của các cấp, các ngành và đồng bào cả nước đã góp phần cho địa phương nhanh chóng ổn định trường lớp để tiến hành khai giảng năm học mới đúng thời gian quy định”- Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh chia sẻ.
Đối với Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS&THPT Mường La, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh: Trong năm học vừa qua, tập thể cán bộ quản lý, giáo viên, công nhân viên và học sinh của nhà trường đã nỗ lực, không ngừng vươn lên, khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành các nhiệm vụ phát triển giáo dục học sinh dân tộc tại địa bàn.
Chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên. Những kết quả đạt được của nhà trường đã đóng góp cho thành tựu chung của ngành Giáo dục và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
"Thay mặt lãnh đạo Nhà nước, tôi xin nhiệt liệt biểu dương những thành tích và những nỗ lực, cố gắng của Ban Giám hiệu, các thầy giáo, cô giáo, cán bộ, công nhân viên, các bậc phụ huynh học sinh và toàn thể các em học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú - THCS&THPT Mường La đã được đạt được trong năm học 2016 – 2017" -Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhắn gửi..
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh vẫy chào các thầy, cô giáo và các em học sinh trong Ngày khai giảng |
Thực hiện tốt 9 nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản
Nhắc lại lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Vì lợi ích mười năm phải trồng cây.Vì lợi ích trăm năm phải trồng người”; đồng thời Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2020 đã xác định:
“Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; đặc biệt bước vào năm học mới 2017 - 2018 Bộ GD&ĐT cũng đã có Chỉ thị xác định phương hướng 9 nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản; Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh - đề nghị:
Thứ nhất, Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS&THPT cần đẩy mạnh hơn nữa công tác giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống “Tiên học lễ, hậu học văn”, giáo dục kỹ năng sống gắn với đặc điểm tâm lý học sinh dân tộc thiểu số.
Quan tâm rèn luyện kỹ năng tự học, tính tự lập, chủ động sáng tạo, vận dụng kiến thức vào cuộc sống cho học sinh; giáo dục tình yêu lao động, yêu quê hương đất nước, trách nhiệm với cộng đồng xã hội, ý thức chấp hành pháp luật, biết yêu quê hương, bản làng, biết phấn đấu để trở thành những công dân tốt, đóng góp cho công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
Thứ hai, quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên có phẩm chất chính trị, có đạo đức tốt, chuyên môn nghiệp vụ vững vàng. Mỗi cán bộ quản lý giáo dục, mỗi thầy giáo, cô giáo cần nhận thức rõ trách nhiệm nặng nề nhưng rất vẻ vang đối với sự nghiệp dạy “chữ”, dạy “người”, yêu thương học sinh và nắm được đặc điểm tâm lý văn hóa phong tục của học sinh các dân tộc thiểu số, để từ đó có phương pháp giáo dục, phương pháp dạy học phù hợp đối tượng, giúp các em tự tin trong học tập, giao tiếp và các hoạt động tập thể.Trong mỗi giờ học, các thầy giáo, cô giáo là người truyền cảm hứng, thắp lên ngọn lửa đam mê học tập cho học sinh.
Ngoài giờ học, các thầy cô vừa là người thầy, vừa người cha, người mẹ chăm sóc,dạy dỗ các em học sinh thân yêu của mình.Hãy động viên, khích lệ các em biết lao động, rèn luyện và phát huy những nét đẹp truyền thống văn hóa của dân tộc mình.
Thứ ba, các cháu học sinh là chủ nhân tương lai nắm giữ vận mệnh đất nước, ngay từ bây giờ các cháu phải xác định:Muốn đồng bào mình bớt đói, bớt khổ, muốn làng bản, quê hương, gia đình mình nhanh chóng thoát nghèo, cùng làm giàu, phát triển đi lên thì các cháu phải không ngừng học tập, rèn luyện cả Đức, Trí, Thể, Mỹ để phấn đấu trở thành những người con ngoan, những học trò giỏi, những người bạn tốt, sau này ra trường có điều kiện cống hiến thật nhiều cho sự phát triển của quê hương Sơn La và đất nước.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao học bổng cho học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS&THPT Mường La ngay trong Ngày khai giảng năm học mới |
Cần cả hệ thống chính trị vào cuộc
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cũng đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể tỉnh Sơn La và huyện Mường La và các tổ chức, cá nhân tiếp tục quan tâm và có những đóng góp thiết thực hơn nữa đối với ngành GD-ĐT của địa phương nói chung và với các trường học của huyện Mường La vừa bị thiệt hại nặng nề sau mưa lũ vừa qua cũng như với Trường Phổ thông dân tộc nội trú - Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Mường La nói riêng.
Trước mắt, tỉnh cần huy động mọi nguồn lực tập trung phục hậu quả mưa lũ, xây dựng lại trường, lớp học; tạo các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học phục vụ ăn, ở, sinh hoạt cho học sinh bán trú.
Quy hoạch, sắp xếp trường lớp một cách hợp lý, phù hợp với điều kiện tự nhiên, xã hội của địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh đến trường, không phải bỏ học.Thực hiện đúng, đủ, kịp thời chế độ, chính sách đối với cán bộ quản lý, giáo viên và các học sinh tại địa bàn nhằm động viên, khuyến khích các thầy giáo, cô giáo, các cháu học sinh hăng hái thi đua “Dạy tốt - Học tốt” theo lời Bác Hồ dạy.
“Tôi cũng mong các bậc cha mẹ học sinh luôn quan tâm chăm lo và dành cho con em mình những điều kiện học tập tốt nhất, đầy đủ nhất, góp phần cùng với nhà trường tạo ra sản phẩm học sinh là con em mình đạt chất lượng cao nhất.
Cần hợp tác với nhà trường động viên con em chăm học, chăm làm, tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Chỉ có học bằng mọi cách mới thoát nghèo, mới có cơ hội đổi mới bộ mặt bản làng, của gia đình mình” - Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh.