(GD&TĐ) - Theo lộ trình, năm 2012 sẽ có 10 địa phương hoàn thành phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi theo QĐ 239 của Thủ tướng Chính phủ. Để kiểm tra việc thực hiện QĐ trên, ngày 7/2, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cùng đại diện các Vụ, Cục chức năng của Bộ đã đi kiểm tra tại Phú Thọ.Tại đây, Thứ trưởng đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Phú Thọ. Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Kế San đã tiếp và làm việc với đoàn.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu tại buổi làm việc với UBND tỉnh Phú Thọ về việc thực hiện phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi. |
Phó GĐ Sở GD-ĐT Phú Thọ Nguyễn Thị Thành Chung cho biết: Ngay sau khi có QĐ 239 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã thành lập BCĐ và có nhiều văn bản liên quan. Ngoài việc tuyên truyền về tầm quan trọng, lợi ích của việc phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi nhằm tạo sự đồng thuận, hưởng ứng tham gia của đông đảo người dân, UBND tỉnh cũng yêu cầu các địa phương xác định phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi là một trong những chỉ tiêu quan trọng của kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2010-2015, đặc biệt là giai đoạn 2010-2012. Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Hà Kế San cho biết: Trong quá trình thực hiện QĐ 239 của Chính phủ, vướng mắc nhất với Phú Thọ là cơ sở vật chất và đội ngũ nhà giáo. Tuy nhiên, với quyết tâm hoàn thành phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi vào năm 2012, UBND tỉnh đã huy động mọi nguồn lực để thực hiện mục tiêu đã đề ra. UBND tỉnh đã cho phép các huyện, xã linh hoạt trong việc chỉ đạo thực hiện Kế hoạch phổ cập, triển khai lồng ghép các nguồn lực và tích cực thực hiện xã hội hóa GD để đầu tư, sửa chữa, mua sắm trang thiết bị. Với những nỗ lực trên, tính đến ngày 30/1, toàn tỉnh có 786/855 phòng đạt yêu cầu. HS 5 tuổi được học trong lớp học kiên cố, có đủ thiết bị dạy học. Dự kiến đến giữa năm 2012, 100% lớp học của trẻ 5 tuổi sẽ có đủ thiết bị, đồ dùng, đồ chơi theo quy định. Cũng theo bà Chung, một trong những khâu đột phá của tỉnh Phú Thọ sau 2 năm triển QĐ 239 là tỉnh đã xác định đủ danh mục đầu tư mua sắm trang thiết bị cho lớp 5 tuổi. Theo đó, tỉnh sẽ đầu tư 41 danh mục chủ yếu các thiết bị dùng chung, UBND cấp huyện, xã mua 59 danh mục, phụ huynh học sinh phụ trách 16 danh mục trực tiếp phục vụ việc học của trẻ và GV tự làm 8 danh mục. “Một số huyện đã vận động cán bộ, GV và công chức ủng hộ 1-2 ngày lương để mua sắm thiết bị tối thiểu cho các lớp MN 5 tuổi. Những huyện có điều kiện đã chủ động bố trí kinh phí để mua sắm thiết bị tối thiểu” - bà Chung cho biết.
Thực hiện phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi, Phú Thọ đã chuyển đổi 259 trường MN bán công sang công lập, các GV MN cũng theo lộ trình vào biên chế. Tuy nhiên, để cân đối ngân sách, trước hết tuyển dụng GV dạy lớp 5 tuổi trước. Tính đến thời điểm này, tỉnh đã tuyển dụng 1.193 cán bộ quản lý, GV MN vào biên chế, đảm bảo mỗi lớp MN 5 tuổi có 2GV, trong đó có ít nhất 1 GV trong biên chế. Về đời sống nhà giáo, tuy còn khó khăn nhưng GV hợp đồng đều được hưởng mức lương 1,86x830.000đ/tháng. Một số nơi có điều kiện kinh tế đã thực hiện việc trả theo bằng cấp và nâng lương theo định kỳ. Đời sống GV ổn định nên các cô tâm huyết với nghề nên chất lượng GD vì thế ngày càng nâng cao, tỷ lệ trẻ đến lớp ngày càng đông. Hiện tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 100%. Các em đều học 2 buổi/ngày, bán trú tại trường. Năm học 2010-2011 có 95,7% trẻ 5 tuổi được học và hoàn thành chương trình GDMN mới…
Ghi nhận những thành quả đã đạt được sau 2 năm thực hiện QĐ 239 của Chính phủ, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đánh giá cao sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến địa phương. “Phú Thọ đã có giải pháp sáng tạo, mang tính đột phá để có thể triển khai sớm việc phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi. Những kết quả mà Phú Thọ đạt được cho thấy QĐ 239 của Chính phủ đã tác động sâu sắc, làm thay đổi diện mạo của GDMN. Kết quả trên còn là minh chứng cho sự nỗ lực của địa phương, cho thấy tuy tỉnh còn khó khăn nhưng nếu quyết tâm, chắc chắn sẽ thành công” - Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa nhận định. Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa hy vọng Phú Thọ sẽ sớm cán đích phổ cập GDMN. Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng lưu ý Phú Thọ không vì phổ cập cho trẻ 5 tuổi mà lơ là trẻ bé hơn. Bên cạnh đó cũng cần đẩy mạnh phong trào tự làm thiết bị, đồ dùng, đồ chơi trong đội ngũ GV.
L.Giang