Phổ cập GD Mầm non cho trẻ 5 tuổi - thành tựu bạn bè thế giới đánh giá cao

GD&TĐ - Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh, thực hiện thành công phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi là một thành tựu đáng tự hào được bạn bè thế giới đánh giá cao.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh và Vụ trưởng Vụ GDMN trao bằng khen của Bộ GD&ĐT cho các tập thể cá nhân có nhiều thành tích trong công tác phổ cập GDMN.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh và Vụ trưởng Vụ GDMN trao bằng khen của Bộ GD&ĐT cho các tập thể cá nhân có nhiều thành tích trong công tác phổ cập GDMN.

Ngày 27/10 tại TPHCM, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị Đánh giá kết quả 10 năm thực hiện phổ cập Giáo dục mầm non (GDMN) cho trẻ 5 tuổi, sơ kết 2 năm thực hiện Đề án phát triển GDMN giai đoạn 2018-20205 và triển khai Nghị định số 105/2020/NĐ-CP.

Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh, lãnh đạo Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GD&ĐT), đại diện UBND, sở GD&ĐT các tỉnh thành khu vực phía Nam.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh phát biểu tại Hội nghị.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh phát biểu tại Hội nghị.

Nhiều thành tựu trong phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh cho rằng, việc thực hiện phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi gặp rất nhiều khó khăn. Bởi xuất phát điểm của GDMN thấp, mạng lưới trường lớp manh mún, thiếu trường lớp, cơ sở vật chất thiếu thốn, tỷ lệ phòng học nhờ, học mượn rất cao (nhiều cơ sở GDMN phải mượn nhờ nhà văn hóa của thôn xã, nhà dân, kho hợp tác xã; nhiều nơi phòng học là vách tre, mái lá); giáo viên thiếu trầm trọng, chế độ chính sách cho giáo viên không đảm bảo; việc huy động trẻ đến trường rất khó khăn, đặc biệt là trẻ em ở vùng núi cao, vùng sông nước, vùng đồng bào DTTS. Đồng thời, công tác phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi được triển khai trong bối cảnh kinh tế của đất nước và khu vực gặp nhiều khó khăn.

Các đại biểu tham gia Hội nghị.

Các đại biểu tham gia Hội nghị.

Tuy nhiên, trong hơn 10 năm qua, nhờ sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức xã hội, cùng sự nỗ lực của ngành giáo dục chúng ta đã thực hiện thành công các mục tiêu phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi. Những thành tựu đạt được trong công tác Phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi là rất có ý nghĩa, tạo nên diện mạo mới đối với GDMN, có thể kể tới:

Mạng lưới trường lớp MN được củng cố, mở rộng và phân bố đến hầu hết các địa bàn dân cư xã, phường, thôn, bản đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đưa trẻ đến trường và nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non, mỗi phường xã có ít nhất 1 trường mầm non công lập.

Tổng số trường tăng khoảng trên 2.600 trường so với năm 2010; cơ sở vật chất, phòng học được tăng cường: cả nước hiện có 201.605 phòng học (số phòng học được xây mới trong 10 năm là 105.639 phòng: giai đoạn 2010-2015 tăng 48.240 phòng; giai đoạn 2015-2020 tăng 57.399), trong đó, có 156.642 phòng kiên cố (chiếm tỷ lệ 77,7%, tăng 28,3%); phòng học tạm còn 3.284 phòng (tỷ lệ 1,6%, giảm 14.180 phòng); đồ dùng đồ chơi tối thiểu được trang bị ở hầu hết các lớp 5 tuổi.

Đội ngũ GVMN được nâng cao cả về số lượng và chất lượng, chế độ chính sách được đảm bảo. Toàn ngành hiện có 364.776 GV(Tăng 148.072 GV). Tỷ lệ giáo viên/lớp đạt 1,82 GV/lớp. Giáo viên MN từ chỗ phần lớn chưa được hưởng chế độ của viên chức mà chỉ được chi trả theo hợp đồng lao động với mức lương thấp, thậm chí có nơi GVMN chỉ được chi trả bằng thóc lúa, cuộc sống rất bấp bênh thì đến nay tất cả GVMN đều được hưởng chế độ chính sách như viên chức nhà nước.

Tỷ lệ huy động trẻ đến trường tăng mạnh. Tổng số trẻ mầm non được đến trường là 5.306.501 trẻ em (tăng 1.535.018 trẻ so với năm học 2010-2011); trong đó có 1.637.266 trẻ mẫu giáo 5 tuổi(tăng 333.489 trẻ), tỷ lệ huy động trẻ em 5 tuổi đạt  99,6%.

Chương trình GDMN được đổi mới, chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục trẻ được nâng cao rõ rệt. Trẻ được chuẩn bị sẵn sàng về thể chất, tâm lý, ngôn ngữ, nhận thức, tình cảm kỹ năng xã hội để vào lớp 1, mạnh dạn, tự tin, ham hiểu biết, thích đi học. Tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non giảm dần qua các năm. Tỷ lệ thừa cân béo phì được khống chế.

Trẻ em mẫu giáo có hoàn cảnh khó khăn (vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo, trẻ không có nguồn nuôi dưỡng, trẻ thuộc hộ nghèo, cận nghèo) được Nhà nước hỗ trợ tiền ăn trưa; trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ khuyết tật được quan tâm phát hiện sớm, can thiệp sớm, học hòa nhập góp phần nâng cao tỷ lệ huy động trẻ em đến trường, chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ được nâng cao nhờ Đề án phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi.

Theo Thứ trưởng Ngô Thị Minh, thực hiện thành công phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi là một thành tựu đáng tự hào được bạn bè thế giới đánh giá cao. 

Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, phát biểu tại Hội nghị.

Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, phát biểu tại Hội nghị.

 Còn thiếu GVMN do giới hạn của biên chế

Tại Hội nghị, nhiều đại biểu đến từ các sở GD&ĐT các tỉnh thành đã chia sẻ những tồn tại, vướng mắc tại địa phương trong quá trình thực hiện công tác phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi.

Các đại diện đến từ Bình Phước, Phú Yên, Đắk Nông… cho rằng hiện nay đang gặp khó khăn trong tuyển dụng GVMN do bị tác động của quy định về tinh giản biên chế. Đồng thời một số quy định về đất đai dành cho GD cũng làm hạn chế việc tư nhân mở trường MN ngoài công lập.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh trao bằng khen của Bộ GD&ĐT cho các tập thể cá nhân có nhiều thành tích trong công tác phổ cập GDMN.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh trao bằng khen của Bộ GD&ĐT cho các tập thể cá nhân có nhiều thành tích trong công tác phổ cập GDMN.

Theo bà Tôn Thị Ngọc Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, bên cạnh những thành tựu phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi, thì Đắk Nông vẫn gặp một số khó khăn như tỷ lệ GV/lớp vẫn còn thấp.

“Tình trạng thiếu GV là vấn đề tồn tại lớn nhất của tỉnh trong phát triển GDMN.Tỷ lệ trẻ 5 tuổi đến lớp đảm bảo 99,2%. Nhưng trẻ ở độ tuổi nhà trẻ còn thấp do không đáp ứng yêu cầu về phòng học và GV” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông chia sẻ.

Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM Lê Hồng Sơn phát biểu tại Hội nghị.

Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM Lê Hồng Sơn phát biểu tại Hội nghị.

Đồng thời, bà Tôn Thị Ngọc Hạnh cho rằng để giảm bớt áp lực về biên chế cho GD nói chung và GDMN nói riêng trong điều kiện hiện tại, việc bổ sung biên chế hàng năm không những không thực hiện được mà còn phải cắt giảm, do đó cần có cơ chế chuyển những trường công lập ở những vùng có điều kiện sang hình thức bán công, được tụ chủ một phần hoặc toàn bộ kinh phí để hợp đồng GV, chỉ ưu tiên GV biên chế cho vùng khó khăn.

Đại diện Sở GD&ĐT Bình Phước phát biểu tại Hội nghị.

Đại diện Sở GD&ĐT Bình Phước phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu bế mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh đề nghị, trong thời gian tới, để duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi, các đơn vị chức năng của Bộ GD&ĐT và các địa phương tập trung thực hiện một số nội dung: Rà soát, tham mưu, ban hành và triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản chỉ đạo; Phát triển quy mô mạng lưới, cơ sở vật chất trường lớp; Phát triển đội ngũ; Đổi mới, nâng cao chất lượng thực hiện Chương trình GDMN; Tăng cường hợp tác quốc tế, huy động nguồn lực xã hội hóa phát triển GDMN; Đẩy mạnh công tác truyền thông…

“Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cộng đồng, gia đình về vai trò, vị trí của GDMN trong hệ thống giáo dục quốc dân và trong sự phát triển nguồn nhân lực. Tăng cường trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, các cơ quan quản lý nhà nước và các cấp chính quyền địa phương đối với phát triển GDMN.

Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, đặc biệt là những tấm gương nhà giáo có nhiều khó khăn, vượt lên trên hoàn cảnh, tâm huyết với nghề” - Thứ trưởng Ngô Thị Minh nhấn mạnh vể công tác truyền thông để phát triển GDMN.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.