Day dứt thật nhiều…
Bà Hạnh vừa ôm lấy con trai, cậu Văn, vừa bất ngờ đáp lại lời chào: “Thưa mẹ con đi” của Văn rằng: “Mong con hạnh phúc”! “Thưa mẹ con đi” đã khép lại như thế - một cái kết viên mãn… như mơ, lấy đi biết bao nhiêu nước mắt khán giả. Nhưng, không phải “Thưa mẹ con đi” “đánh đùng” để có được cái kết ấy, mà trong suốt hơn 100 phút, bằng ngôn ngữ điện ảnh trau chuốt, sắc lẹm; bằng diễn xuất chân thực, xuất thần, đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh cùng các nghệ sĩ: Hồng Đào, Lãng Thanh, Võ Điền Gia Huy, NSƯT Lê Thiện… đã chậm rãi kể cho khán giả nghe một câu chuyện gia đình mang nhiều day dứt...
Gia đình của bà Hạnh cũng giống như rất nhiều gia đình truyền thống ở Việt Nam khi ba thế hệ cùng sống chung một nhà. Thế nên, ở đó không thể tránh khỏi cái cảnh chị em dâu “rái nhau”; chuyện bon chen đất hương hỏa; đứa con chỉ biết say xỉn…; bà cô ế chồng cặm cụi…
Nhưng tất cả những tình tiết ấy không được kể trực diện mà được kể qua “xương sống” đặc biệt, chuyến về thăm nhà của Văn - Ian, cặp tình nhân đồng tính công khai suốt ba năm bên trời Tây nhưng về đến nếp nhà truyền thống vẫn đang tuân thủ khuôn mẫu đạo đức xã hội: Con trai trưởng phải lấy vợ, sinh con để nối dõi - thì thật khó có cơ hội để hai chàng trai trẻ giãi bày…
Vậy nên, Văn và Ian chỉ có thể ngấm ngầm quan tâm đến nhau hoặc vụng trộm tình tứ khi tắm, khi đặt chuông báo thức để… ngủ chung. Những tình tiết này được đạo diễn khéo léo kể một cách nhẹ nhàng, tinh tế, đủ độ đem lại sự đồng cảm chứ không bị lố, thô thiển mà nhiều phim về đề tài này của Việt Nam đã từng mắc phải.
Và, Văn - tên ở nhà được gọi là cu Nâu - đã phải vật lộn, đấu tranh với cảm xúc, lý trí của chính mình giữa hai dòng chảy chẳng bao giờ gặp nhau ấy. Một đêm ngủ cùng mẹ, nghe mẹ trải nỗi lòng của người đàn bà “làm vợ thì ít, làm dâu thì nhiều”, nỗi lòng khát khao con trai sớm lập gia đình để bà cậy nhờ lúc tuổi già… Văn đã không thể nói. Một lần cùng mẹ đi thắp hương mồ mả cha ông và vẫn tiếp tục là mong mỏi về những đứa cháu mai sau… Văn lại ngập ngừng. Sau dằn dỗi của Ian, Văn đã định nói nhưng lại phải im bặt vì phát hiện ra mẹ mình đang bị bệnh… Cứ thế, bế tắc vẫn hoàn bế tắc.
Chính vì thế, “Thưa mẹ con đi” đã kể câu chuyện mang đầy nỗi day dứt về trách nhiệm, về bổn phận. Bà Hạnh day dứt về bổn phận làm dâu cả gánh vác cả đại gia đình, trách nhiệm có cháu nối dõi tông đường… Văn day dứt về trách nhiệm làm con, bổn phận đích tôn với họ hàng… Ian một mặt muốn công khai tình yêu, một mặt cũng đầy day dứt khi anh nhận ra bà Hạnh rất đỗi cô đơn, bà và dòng họ cần có Văn…
Đến những… ngọt ngào
Những tưởng, “Thưa mẹ con đi” sẽ bế tắc, không có lời giải cuối cho câu chuyện tình yêu như Văn và Ian. Rõ ràng, gần 100 phút của phim đã bế tắc, thậm chí bế tắc ngay cả khi Ian cùng Văn vô tình để lộ chuyện tình của mình: Ian trong giây phút ngóng “người thương” đi nhậu khuya đã chia sẻ nỗi lòng với bà nội của Văn. Văn đau khổ đứng bên ngoài nhà tắm, giải thích với Ian vì sao không thưa được chuyện của hai đứa với mẹ vì mẹ bị bệnh, nhưng lúc cánh cửa mở ra lại là… bà Hạnh.
Những tưởng như bị kịch sẽ chồng lấp lên mối tình ấy. Những tưởng như bão giông sẽ phá tan mối tình ấy. Nhưng không, giữa bao bế tắc, hai người phụ nữ lý tưởng là bà nội và bà Hạnh đã nâng đỡ, vun đắp cho Văn - Ian. Ở đây, ê-kíp sáng tạo đã xây dựng một nhân vật đặc biệt để gỡ nút thắt cho một chuyện tình đặc biệt: Bà nội.
Phim là một hương vị lạ của mùa hè phim Việt. Đừng đòi hỏi những bĩ cực thái lai hay những đau khổ dầm dề mà chúng ta vốn thấy trong phim Việt hay những tràng cười tan biến. “Thưa mẹ con đi” có thể ví như một cơn gió thoảng bay ngang nhưng khó quên. “Thưa mẹ con đi” mang một thông điệp về hành trình “come out” và sự cởi trói về mặt ý thức tự do trong tư tưởng Á Đông đậm đặc khắc kỷ. “Thưa mẹ con đi” góp một thang âm dịu dàng cho tiến trình phản tỉnh của cộng đồng LGBT.
Bà nội bị mắc bệnh mất trí nhớ nên đã nhầm Ian là cu Nâu còn Văn là bạn của cu Nâu. Nhưng, sự nhớ nhầm mà ai cũng bảo đừng tin ấy của bà nội lại là những điều đáng tin nhất. Ngay từ đầu bà đã biết cu Nâu (Ian) tình tứ với bạn mình (Văn). Bà cũng là người đầu tiên biết cu Nâu (Ian) thương đàn ông chứ không phải phụ nữ. Dù bà giục cu Nâu (Ian) lấy vợ, sinh đàn cháu để bà giao toàn bộ cơ ngơi, vậy mà bà đã không giận khi biết chuyện, trái lại còn giúp hai đứa công khai trước cả họ hàng.
Thực là, không có bà nội nào lý tưởng hơn bà nội của… cu Nâu và sự lý tưởng này đã lan cả đến… khán giả. “Bộ phim được xây dựng với hoàn cảnh rất lý tưởng khi những người hay kỳ thị nhất là bố hoặc ông nội thì đều đã mất và khi chỉ còn bà nội thì bà lại mắc bệnh mất trí nhớ. Nhưng sự nhầm lẫn, nhớ - quên của bà nội rất lý tưởng để kết nối, gỡ nút thắt hợp lý. Mỗi khi bà xuất hiện tôi lại được cười trong nước mắt, được nhen niềm ước ao: Giá như ông bà mình cũng luôn hiểu và không áp đặt con cháu như… bà!” - khán giả Ái Linh (Hà Nội) chia sẻ.
Cùng với bà nội, bà Hạnh - mẹ Văn cũng là một người phụ nữ lý tưởng. Bà điển hình như bao bà mẹ Việt Nam khác luôn yêu thương con và âm thầm gánh chịu những nỗi buồn: Sớm góa bụa, chịu điều tiếng dâu con, bệnh tật… mà không hề có một lời than, chỉ nói: “Mẹ lo được”. Và, bà là người mẹ yêu thương từ sự thấu hiểu. Lúc mới chính thức biết chuyện, bà sao tránh khỏi tâm lý đau đớn nên đã dày vò Văn: “Sao thế được”? Nhưng, nhìn con ngả xuống giường, cố gắng thu người lại và rơi nước mắt trong cô độc, bà đã thay đổi cách yêu con.
Vậy nên, ngày tiễn hai đứa sang trời Tây, bà đã ôm lấy Ian như ôm cô con dâu thực thụ cùng cái vỗ lưng nhè nhẹ, đủ để hiểu bà đã chấp nhận và trao gửi Văn cho Ian. Rồi họ chia tay nhau để cùng hưởng ngọt ngào trong nước mắt. Văn được cùng người tình đồng giới xây đắp hạnh phúc mà vẫn gục đầu khóc nức nở trên vai Ian. Bà Hạnh luôn mỉm cười trước các con mà trên chặng đường trở về nhà nước mắt lại rơi như mưa... Nhưng, đấy là những giọt nước mắt hạnh phúc để rồi phim sẽ sàng khép lại với hình ảnh người mẹ chỉ khóc một đoạn đường để ngay sau đó, bà lại tự cầm lái, tự mỉm cười rạng rỡ…