Tiềm năng lớn
Từ ngày 9 - 18/6, khán giả được thưởng thức mỗi tối 1 phim tài liệu Việt Nam và 1 phim tài liệu quốc tế. Những bộ phim được trình chiếu đều đã giành giải cao trong các liên hoan trong nước và quốc tế như Oscar, César, Berlin…
Những bộ phim Việt Nam được lựa chọn đều là các phim đoạt được giải thưởng Cánh diều vàng và các giải thưởng của truyền hình, như Hai đứa trẻ (Tạ Quỳnh Tư); Nhật kí của ba (Hoàng Hà Lê), Mẹ ơi con đã về (Lương Minh Đức), Muốn về nhà (Hoàng Dũng).
Trong khuôn khổ LHP sẽ có các buổi chiếu riêng giới thiệu 11 phim của các nhà làm phim tài liệu độc lập ở Việt Nam: Sofa, bế và chuyện phiếm; Lên lên xuống xuống; Gia đình đầu trọc; Mặn như muối; Nhà đối diện; Dành tặng ông Điều; Giường xinh; Bên dưới đại lộ; Đất đai thuộc về ai?; Thiên thần bất tử; Chuyến về quê cùng ba mẹ.
Các bộ phim mang đến cho khán giả những góc nhìn đa dạng về cuộc sống, văn hóa của Việt Nam và thế giới. Theo giới chuyên môn, phim tài liệu là cái gốc của điện ảnh. Một số ý kiến cho rằng, nếu mang điện ảnh của ta đi “đánh xứ người” thì phim tài liệu chính là niềm hy vọng, tiềm năng lớn.
Ra rạp vẫn là ước mơ
Cho đến giờ, dù phim tài liệu được giới chuyên môn đánh giá cao và đạt giải thưởng ở Bông Sen vàng, Cánh Diều vàng thì việc đưa nó ra rạp vẫn là ước mơ của nhiều nhà làm phim.
Những người sản xuất phim tài liệu vẫn luôn trăn trở, làm sao để phim tài liệu Việt Nam có sức sống lâu bền hơn chứ không chỉ được quan tâm khi nào diễn ra LHP.
Gần đây, bộ phim Chuyện ngày hôm qua ra rạp là sự trở lại với rất nhiều kỳ vọng. Dù thời gian trụ rạp không phải là dài như phim truyện nhưng đây cũng là sự ưu ái hết sức dành cho một phim tài liệu.
Thực tế là trong những năm gần đây, phim tài liệu Việt Nam đang sống một cách thoi thóp trước sự phát triển mạnh mẽ của phim truyền hình. Số lượng phim tài liệu nhựa mỗi năm sản xuất chỉ đếm trên đầu ngón tay, phim video nhiều hơn nhưng thường dừng lại ở dạng phóng sự, phóng sự tài liệu, phim tài liệu khoa học thì càng ít. Có lẽ bởi vậy, tại Việt Nam, dòng phim tài liệu tìm thấy tại rạp là điều hiếm hoi.
NSND Nguyễn Như Vũ - Quyền Giám đốc Công ty TNHH MTV Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương - Trưởng BTC LHP lý giải, khán giả xem phim ngoài rạp chủ yếu độ tuổi từ 15 - 25, không phải ai cũng thích xem phim tài liệu. Cộng thêm thói quen ra rạp xem phim tài liệu của khán giả lâu nay vẫn ì trệ, các rạp chiếu phim e ngại. Cùng đó, phim tài liệu ở Việt Nam muốn ra rạp phải biết chọn đề tài, đối tượng và thời điểm.
NSND Nguyễn Như Vũ chia sẻ: “Thực tế, qua 7 kỳ LHP lần trước chúng tôi học tập, giao lưu cách làm phim của thế giới rất nhiều, cho nên chúng tôi cũng tự đa dạng đầu ra của mình, cố gắng sản xuất những phim có thể đưa ra được rạp. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đổi mới việc chọn đề tài, chọn cách làm phim cho phù hợp, thay đổi độ dài phim và nghiên cứu thị trường. Tuy nhiên, phim tài liệu là một thể loại phim khó làm, khó sản xuất và khó kinh doanh. Chẳng có nhà đầu tư nào bỏ tiền ra để làm phim tài liệu. Đây là thực tế ở trên toàn thế giới chứ không riêng ở Việt Nam”.