Phim tài liệu: Nhìn nhận đúng để được chắp cánh

GD&TĐ - Với những gì mà các đạo diễn dành tâm huyết cho thể loại phim tài liệu đều cho thấy, thể loại này không hề khô cứng mà vẫn tạo nên sức hút đối với khán giả. Những dấu ấn mà những bộ phim tài liệu thời gian gần đây mang lại, chứng tỏ phim tài liệu đã tạo dựng được niềm tin nơi người xem.

Phim tài liệu:  Nhìn nhận đúng để được chắp cánh

Những dấu ấn đặc biệt

Sau phim Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng (đạo diễn: Nguyễn Thị Thắm) thì năm 2015 bộ phim Lửa Thiện Nhân (đạo diễn: Đặng Hồng Giang) là phim tài liệu thứ hai đã làm được điều kỳ diệu là tạo nên cơn sốt vé tại các phòng chiếu.

Rất nhiều phụ huynh đã đưa con đến xem bởi bộ phim mang đậm ý nghĩa nhân văn cùng nghị lực sống của các nhân vật trong phim.

Câu chuyện về hành trình tìm đến sự sống kỳ diệu của một cậu bé mới lọt lòng mẹ đã bị vứt ở bìa rừng, bị thú rừng ăn hết một cẳng chân và bộ phận sinh dục, trở thành chú lính chì dũng cảm.

Vượt lên trên những giọt nước mắt đau đớn, xúc động là niềm hạnh phúc rưng rưng bởi những tấm lòng nhân ái bao la của những người đã cưu mang, nhận nuôi, đứng ra kêu gọi sự giúp đỡ Thiện Nhân. Rõ ràng giấc mơ ra rạp của phim tài liệu đã được hiện thực hóa và đến gần hơn với người xem.

Giải thưởng “Búp sen Vàng” những năm gần đây cũng đã tạo nên cơ hội cho những nhà làm phim trẻ thử sức ở lĩnh vực này. Hai bộ phim ngắn của Hà Thái là Những đứa trẻNợ đã mang về cho cô gái trẻ này hai giải thưởng: “Búp sen Vàng” năm 2011 và “Cánh diều Bạc” ở hạng phim ngắn năm 2012.

Từ dự án “10 tháng 10 phim tài liệu”, tác phẩm Con đường đến trường của tác giả Hà Lệ Diễm đã đoạt giải thưởng “Cánh diều Bạc” năm 2014 (không có giải Vàng). Và năm 2015, đạo diễn trẻ Nguyễn Hiền Anh lại tạo ấn tượng với nhiều giải thưởng ở bộ phim tài liệu Dành tặng ông Điều.

Mới đây mùa “Búp sen Vàng” lần thứ 7 cuối năm 2016, với chủ đề Những đứa trẻ thiên đường, được chọn từ 110 phim tài liệu và phim truyện tranh giải, bộ phim Khi sóng vỗ bờ của đạo diễn Nguyễn Xuân Hoàng Minh đạt giải “Phim tài liệu xuất sắc nhất”.

Phim kể về câu chuyên của một người đàn ông trở về Việt Nam sau nhiều năm đi xuất khẩu lao động ở châu Âu. Tuy nhiên khi về nhà, ông thấy lạc lõng, không thể hòa nhập với gia đình và xã hội nên lại quyết định ra đi…. Phim là một góc khuất về một thực tế trong xã hội mang đến cho người xem những trăn trở về cuộc đời đầy xúc động.

Cần được nhìn nhận thỏa đáng

Quan niệm phim tài liệu chỉ dùng để chiếu ở các dịp liên hoan phim, phát sóng vào các dịp lễ lớn chứ chiếu miễn phí cũng chẳng ai xem, có lẽ đã được nhìn nhận lại một cách thấu đáo hơn.

Tuy nhiên, các đạo diễn thực hiện thể loại phim này cần phải thay đổi cách làm theo lối mòn cũ, lạc hậu với một cách nhìn mới mẻ hơn về cuộc sống.

Để một bộ phim tài liệu đến được với khán giả là cả một hành trình đầy gian nan. Thực hiện bộ phim Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng đạo diễn Nguyễn Thị Thắm đã theo sát các nhân vật của mình suốt 5 năm ròng.

Hay để làm bộ phim Lửa Thiện Nhân, đạo diễn Đặng Hồng Giang cũng phải sát cánh với gia đình chị Mai Anh - mẹ nuôi Thiện Nhân trong 3 năm liền.

Không chỉ gửi gắm toàn bộ tâm huyết khi làm phim mà ngay cả khi ra rạp phim tài liệu cũng chịu nhiều sức ép hơn các phim điện ảnh khác.

Một phần do thói quen khán giả chưa mấy hào hứng với thể loại phim này vì cho rằng phim tài liệu thường khô cứng giáo điều. Hơn nữa vì sức ép doanh thu nên nhiều phòng vé cũng đã từ chối để những bộ phim này chiếu tại rạp của họ.

Bộ phim Lửa Thiện Nhân cũng từng bị các rạp lớn từ chối thẳng thừng nên buộc phải phát hành ở 2 rạp nhỏ tại Hà Nội và TPHCM. Hay phim Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng trước khi được Hãng phim Blue Productions của diễn viên Hồng Ánh phát hành cũng từng chật vật tìm đường ra rạp.

Theo đạo diễn Hồng Ánh: “Khán giả từ trước đến nay có thói quen nghĩ phim tài liệu không hay và chiếu miễn phí cũng chẳng ai xem. Đó là suy nghĩ không công bằng.

Muốn khuấy động lại dòng phim tài liệu vốn đã trầm lắng suốt một thời gian dài không chỉ đòi hỏi các nhà làm phim thay đổi cách làm mà còn cần sự mở cửa đón nhận từ các hệ thống rạp chiếu”.

Những phim tài liệu được đón nhận mới đây phần nào cho thấy được sự cố gắng, đổi mới trong tư duy sáng tác và sự đầu tư cùng những dấn thân mạnh dạn của ê-kíp làm phim.                                                                                                                                             Đó là những thước phim chân thật, đầy tính nhân văn thay vì mang nặng tính cổ động, tuyên truyền. Cách tìm tòi, tiếp cận vấn đề và kể câu chuyện bằng cảm xúc thật đã lay động người xem.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ